70 năm giải phóng Thủ đô

Hàng hóa rục rịch tăng giá theo xăng, điện

Minh Ngọc - Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá xăng dầu liên tục tăng trong 2 kỳ điều hành vừa qua, cộng với tác động giá điện điều chỉnh tăng thêm 8,36% trước đó khiến người tiêu dùng lo ngại, mặt bằng giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.

 Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng nhẹ do ảnh hưởng của tăng giá điện, xăng. Ảnh: Hải Linh
"Té nước theo mưa"
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hiện giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng nhẹ. Cụ thể giá thịt bò ở mức 230.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt gà lông có giá 115.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg... Mặt hàng rau xanh có mức tăng nhẹ, giá su hào 5.000 đồng/củ (tăng 1.000 đồng), rau muống 15.000 – 17.000 đồng/mớ (tăng 1.000 – 2.000 đồng). Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Thành Công cho biết, những ngày gần đây giá bán rau xanh bắt đầu tăng. Nguyên nhân do các chủ kinh doanh rau tại chợ đầu mối phía Nam (Long Biên) lấy lý do điện, xăng tăng giá đã đẩy phí vận chuyển, bảo quản lên cao hơn.
PGS.TS Phạm Thế Anh: CPI tháng 4 chịu sức ép lớn

Mặc dù chỉ số CPI bình quân quý I/2019 chỉ tăng 2,63% - mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lạm phát tính theo năm có xu hướng tăng dần trong 3 tháng đầu năm, lần lượt đạt 2,56%, 2,64% và 2,7%. CPI tháng 4 sẽ phải chịu sức ép từ giá xăng dầu và giá điện. Mức tăng CPI tháng này cũng là chỉ báo quan trọng cho công tác điều hành giá những tháng tiếp theo. Do đó, quyết định tăng giá các mặt hàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm.

Trong khi hàng hóa tại chợ truyền thống bắt đầu tăng giá thì tại các siêu thị chưa có biến động. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu, giá điện tăng cao như hiện nay rất có thể khiến giá bán nhiều mặt hàng sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện siêu thị Co.opmart đã nhận được báo giá mới của nhà cung cấp hàng tiêu dùng và nguyên phụ liệu bao gói hàng hóa. Tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã nhận được thông báo tăng giá sữa Vinamilk vào cuối tháng 4. Trước đó đầu tháng 4, Công ty FrieslandCampina Việt Nam cũng thông báo giá bán lẻ của 16 loại sữa tăng thêm 5% so với giá trước đó.

Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá mà các sản phẩm khác như xi măng, sắt thép cũng điều chỉnh giá. Công ty Thép Pomina tăng giá bán thép thêm 200.000 đồng/tấn, đưa giá bán của sản phẩm này tại nhà máy lên từ 16,15 - 16,7 triệu đồng/tấn. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn. Từ đầu tháng 4, các DN sản xuất xi măng như Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… đã có thông báo tăng giá bán xi măng ra thị trường với mức tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn.
 Người tiêu dùng đổ xăng trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Thanh Hải
Cần sự điều tiết từ cơ quan quản lý

Việc hàng hóa tiêu dùng rục rịch tăng giá sau khi giá xăng, điện tăng đòi hỏi cơ quan quản lý cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” tăng giá bất hợp lý. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là đợt tăng ban đầu có tính chất tâm lý, để tránh việc DN, tiểu thương lợi dụng để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, cơ quan quản lý cần khuyến khích DN sản xuất, mở rộng luồng hàng để cân đối thị trường. Cùng với đó công khai thông tin các nhà cung cấp hàng hóa từ các tỉnh, TP xung quanh có nguồn hàng rẻ, ổn định để DN bán lẻ nhập về. Khi nguồn hàng về dồi dào, giá rẻ hơn, thị trường sẽ ổn định.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Để thị trường ổn định, bên cạnh các chính sách điều tiết của các cấp, ngành, các DN cần tổ chức năng lực quản trị tốt, trang thiết bị sản xuất hiện đại để giảm bớt tiêu hao năng lượng; tính toán phương án vận tải tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường”. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Biện pháp tốt nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần tổ chức lại sản xuất, thị trường, mạng lưới phân phối, cung cấp thông tin đầy đủ, rộng rãi, dễ nhận biết cho các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Đồng thời nên tổ chức các trung tâm giao dịch hàng hóa, nông sản thực phẩm, các chợ đầu mối để buôn bán công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, góp phần giảm bớt tốc độ tăng giá không cần thiết.

Giám đốc Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Hà – Tập đoàn Sơn Hà Hoàng Mạnh Tân: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất để giảm chi phí

Trước hết cần phải khẳng định, xăng dầu tăng, cùng với giá điện tăng sẽ tác động rất lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của DN. Cụ thể, giá thành sản xuất tăng, chi phí vận tải tăng… làm cho giá sản phẩm dịch vụ tăng, hiệu quả kinh doanh của DN giảm tức thì. Đối với bản thân DN, để giảm thiểu những tác động của việc điều tiết thị trường đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, từ lâu DN cũng đã áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm giảm tối thiểu các chi phí phát sinh. Về lâu dài, DN cũng sẽ tiếp tục cải tiến kỹ thuật tiết kiệm xăng, dầu, điện theo hướng công nghiệp hiện đại, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Phó TGĐ Công ty TNHH Trường Phúc Nguyễn Đình Lập: Ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp may mặc

Là DN chuyên may mặc hàng gia công xuất khẩu với 800 cán bộ, công nhân viên. Xăng chỉ cần tăng 100 đồng/lít cũng sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng vận chuyển, hay điện tăng 1 đồng/kW sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN. Từ đầu năm 2019 đến nay việc tăng giá xăng dầu liên tục, cộng với giá điện tăng làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chung của DN nói riêng, các DN sản xuất, kinh doanh nói chung. Đơn cử, chi phí nhiên liệu đốt là chi phí đầu vào rất lớn với DN. Hiện các DN vận tải đã đồng loạt tăng giá, dẫn tới việc giá thành sản phẩm bị đội lên, làm giảm cạnh tranh về giá với các nước lân cận như Myanmar, Campuchia Bangladesh… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ăn việc làm của người lao động. Do đó, đề nghị Chính phủ điều tiết giá xăng dầu, điện có lộ trình cũng như xem xét việc để kinh doanh xăng dầu theo hướng thị trường sẽ tránh được việc tăng “sốc”.