Chính sách mở cửa bán hàng Với giá 879 triệu USD Mỹ, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont đã mua đứt toàn bộ 19 trung tâm thương mại và các danh mục đầu tư thuộc Metro Việt Nam. Ngay sau khi hoàn tất hợp đồng mua bán, tại siêu thị Metro Hà Nội đã có những chuyển biến cả về phương thức phục vụ, cho đến việc bổ sung các hàng hóa mang thương hiệu made in Thái Lan.
Theo tìm hiểu và quan sát của phóng viên, trước kia muốn vào được bên trong Metro Hà Nội để mua sắm thì phải có thẻ mới được vào. Thẻ này chỉ được cấp cho những đối tác, đại diện doanh nghiệp, còn người tiêu dùng mua lẻ không được. Sau này có đổi mới thêm một chút là người mua lẻ phải đứng chờ khi nào gặp người có thẻ sẽ được vào cùng. Tuy nhiên, đến nay người tiêu dùng không phân biệt là khách hàng doanh nghiệp hay người mua lẻ đều được ra vào Metro không cần có thẻ. Không chỉ có vậy, trước kia mỗi khi vào cửa khách hàng phải gửi toàn bộ túi xách tại quầy giữ đồ. Phóng viên đã nhiều lần vào Metro, khi không có túi áo, túi quần để đựng tiền thì chỉ có cách cầm trong tay, vì túi đã gửi, mà chỗ thanh toán thì xa nơi gửi đồ. Đây là một sự bất tiện đối với các khách hàng khi lựa chọn đồ. Bây giờ túi xách có thể đóng bọc nilon để vào cửa như mọi siêu thị khác. Ngay ở cửa, người tiêu dùng còn có sự hướng dẫn niềm nở của nhân viên siêu thị, tạo thiện cảm khi đi mua sắm. Bỏ được điều kiện thẻ ra vào, không phải gửi túi xách, và tạo thiện ngay khi vào Metro đã rộng cửa cho tất cả các đối tượng người tiêu dùng có thể tiếp cận với hàng hóa bày bán bên trong. Hàng Thái thế dần chỗ của hàng Việt
Ngay cửa ra vào của Metro Hà Nội là các gian trưng bày 100% hàng hóa mang thương hiệu made in Thái Lan, như: Gạo, dầu xả, dép, quần áo, đồ gia dụng, giấy ăn và giấy vệ sinh... Tại các gian hàng hóa bên trong, hầu hết vừa có hàng Thái bày xen kẽ với hàng Việt. Đặc biệt, nhiều thương hiệu Việt trong ngành hóa mỹ phẩm từ lâu đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, như: Dầu gội và dầu xả Dove; Sunsilk, dầu gội, dầu xả và phấn trang điểm Essences… Sản phẩm của các hãng này chỉ cần nói đến tên là người tiêu Việt đã biết rõ đặc tính của chúng phù hợp với loại da nào. Trên các kệ hàng của Metro bây giờ vẫn là những cái tên đó, nhưng xuất xứ của chúng lại là ở Thái Lan. Không chỉ có sản phẩm hóa mỹ phẩm mà nhiều mặt hàng khác, như: Bánh kẹo, hàng gia dụng, đồ nhựa, sữa, giày dép, quần áo, bánh kẹo, bát đũa, mỳ, trái cây, …
Tuy chưa thay thế hoàn toàn hàng Việt, nhưng sự hiện diện của hàng Thái sẽ tăng sức cạnh tranh với hàng Việt. Đó là chưa kể, sản phẩm cùng thương hiệu, nhưng xuất xứ tại Thái Lan vẫn được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn. Nguyên nhân, theo một số người tiêu dùng cho biết: Hàng xuất xứ Thái Lan luôn đảm bảo về chất lượng, mẫu mã sản phẩm bền, đẹp. Anh Thanh Cường ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội cho biết: Từ khi có dầu xả, dầu gội của Thái Lan trên địa bàn, gia đình anh thường chọn hàng Thái thay vì hàng Việt. Giá của nhiều mặt hàng Thái Lan không đắt thêm nhiều, nhưng chỉ cần dùng ít vẫn tốt và tiết kiệm, nhất là các loại hóa mỹ phẩm. Theo quan sát của phóng viên, hiện tại chỉ còn gian hàng rau, củ là chưa có hàng Thái hiện diện nhưng vẫn có hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, cuối tháng Tư vừa qua các cơ quan chức năng của Hà Nội đã phát hiện đường dây “phù phép” rau “bẩn” thành rau an toàn RAT “tuồn” vào siêu thị Metro như nhiều tờ báo đã đăng tải. Nếu còn tình trạng làm ăn tùy tiện, coi thường tính mạng người tiêu dùng thì hàng hóa rau, củ của Việt Nam sẽ bị hàng Thái tiếp tục “hất chân” ra khỏi siêu thị khi nào không hay.
Sau hơn 4 tháng Metro thuộc về tay người Thái, tuy chưa có kết luận của cơ quan chức năng nào về hàng Thái chiếm bao nhiêu phần trăm trong siêu thị và những hàng Việt nào đã bị đẩy ra khỏi danh sách cung ứng tại đây, song chúng ta tìm hiểu qua một siêu thị khác trước đó, sẽ đoán được tương lai hàng hóa Việt tại Metro sẽ đi về đâu. Năm 2013 tỷ phú người Thái Lan Chearavanont (BJC) đã mua đứt hệ thống cửa hàng bán lẻ hợp tác giữa tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) và đối tác của Nhật là Family Mart; sau đó siêu thị lớn thứ 3 tại Nhật đang ăn nên làm ra tại Trung Quốc và Việt Nam đã phải đổi tên thành B’smart, nhằm có chữ cái đầu của siêu thị giống với Tập đoàn BJC. Cùng với đó, B’Mart cũng đã thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, dịch chuyển hàng Thái thế dần chỗ của hàng Việt. Chỉ sau 2 năm, hàng hóa Thái đã chiếm đến 60% trong siêu thị này, thế chỗ của hàng Việt và hàng Nhật trước đây.
Với cách đặt sản phẩm Thái (cùng loại) bên cạch sản phẩm Việt trong các siêu thị, để người tiêu dùng tự làm phép tính so sánh thì chắc chắn hàng Thái sẽ là lựa chọn đầu tiên. Đây chính là cách làm của người Thái để doanh nghiệp Việt phải tự rút lui ra khỏi “cuộc chơi” tại siêu thị B’Mart, Metro, và chuẩn bị là đại siêu thị Big C. Vì số lượng và doanh thu hàng hóa bán ra thấp dần, lợi nhuận không đủ bù chi phí thuê chỗ, trả lương nhân viên. Qua bài viết này, mong muốn làm thức tỉnh các doanh nghiệp Việt đừng để thị trường bán lẻ mất dần vào tay người Thái. Hãy sớm thay đổi phương thức tiếp cận thị trường và tôn trọng người tiêu dùng bằng việc đảm bảo chất lượng, mẫu mã hàng hóa./.
Đồ gia dụng Thái Lan tràn ngập trong Metro. |
Ngay ở cửa ra vào của Metro là các quầy bày bán gạo, giấy, dép... |
Những mặt hàng dầu gội, dầu tắm, dầu xả này trước kia mang xuất xứ Việt Nam, vẫn là cái tên đó nhưng nay là xuất xứ Thái Lan đang hiện diện trên kệ hàng tại Metro. |
Một trong những tờ báo thời gian qua nói về con đường "phù phép" rau bẩn thành rau an toàn để đưa vào Metro. |
Những chiếc dép Thái đã thế chỗ dép Việt tại Metro. |