Hàng không cất cánh và tăng tốc

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vận tải hàng không đã và đang có những bước phục hồi ngoạn mục sau đại dịch Covid-19. Cao điểm Tết Quý Mão 2023 là cơ hội vàng để vận tải hàng không tăng tốc, nhưng để hiện thực hóa được kỳ vọng này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tăng phi mã trong thời gian ngắn

Cách đây chừng một năm, ngành hàng không bước vào cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 với tâm thế đặc biệt. Kỳ vọng là điều được những DN hàng không nhắc đến nhiều nhất trong thời gian này khi mà họ coi cao điểm Tết là vị cứu tinh lớn nhất. Sau một thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19, sức chịu đựng của tất cả DN hàng không lúc đó đều đã tới hạn. Cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 được coi như một liều thuốc trợ lực để họ tiếp tục cầm cự.

Hành khách xuống máy bay tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Công Hùng
Hành khách xuống máy bay tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Công Hùng

Thành bại của toàn ngành phụ thuộc vào liều thuốc này. Rất may, cuối cùng cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 đã đi qua với thành công lớn của vận tải hàng không. Đặc biệt, cơn sốt vé máy bay đã ập đến ngay trong những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết rồi kéo dài trong gần như cả giai đoạn đầu Xuân 2023 đã mang đến sức bật lớn lao cho vận tải hàng không. Hầu hết các hãng bay đều tận dụng tốt cơ hội này để vực dậy hoạt động kinh doanh. Nhờ đó, vận tải hàng không đã trải qua năm 2022 với những thành tích đáng tự hào.

Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 vừa tổ chức, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, thị trường hàng không Việt Nam, đặc biệt là thị trường nội địa đã có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng.

Trong năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa của toàn ngành ước đạt 43,2 triệu khách, tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019 - thời điểm trước dịch. Vận tải hàng hóa cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với 152.000 tấn hàng hóa được luân chuyển, tương đương năm 2021 và bằng 60% so với năm 2019. Dù không có được đà tăng trưởng ấn tượng như vận tải hành khách nội địa nhưng vận chuyển quốc tế có tốc độ phát triển đáng mừng với khoảng 11 triệu khách, tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019; ước đạt 1,1 triệu tấn hàng hóa, xấp xỉ năm 2021 và tăng 10% so năm 2019.

Kết quả tốt trong hoạt động kinh doanh đã mang đến những kỳ vọng lớn lao cho vận tải hàng không trong cao điểm Tết Quý Mão 2023 Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 950 - 990 chuyến/ngày trên các đường bay nội địa.

So với lịch bay thường lệ mùa Đông 2022/2023, trung bình hàng ngày các hãng hàng không khai thác tăng thêm từ 250 - 290 chuyến hàng ngày với ghế cung ứng trung bình tăng thêm hàng ngày từ 50.000 - 60.000 ghế trên những đường bay nội địa. Tổng cộng trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, lượng ghế cung ứng tăng thêm xấp xỉ 1,7 triệu ghế trên các đường bay nội địa với tỷ lệ tăng hơn 33% so lịch bay thường lệ mùa Đông 2022/2023.

Cần tăng trưởng đều và bền vững

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, sự phục hồi mạnh mẽ của vận tải hàng không sẽ mang tới sức bật rất lớn cho nền kinh tế. “Vai trò của ngành hàng không trong nền kinh tế nói chung và vai trò của hãng hàng không quốc gia rất quan trọng. Một khi hàng không phục hồi tốt thì nền kinh tế quốc dân cũng sẽ phát triển mạnh” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Chuyên gia này cho biết thêm, ngoài vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hàng không cũng có mối quan hệ song hành với ngành du lịch. Điều đáng mừng, trong đà phục hồi mạnh mẽ của vận tải hàng không thời gian qua luôn có dấu ấn song hành của ngành du lịch.

“Một phần rất lớn hành khách của hàng không chính là khách du lịch. Trong thời gian qua, khi hàng không phục hồi thì du lịch cũng phục hồi. Sự tương hỗ giữa hai ngành đặc thù này đã và sẽ mang lại sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tốt từ đà phục hồi thời gian qua, vận tải hàng không vẫn tồn tại không ít hạn chế. Trong đó, hạn chế cố hữu nhất chính là sự phục hồi không đồng đều ở các phân khúc. Điển hình là chênh lệch lớn giữa thị trường bay nội địa và bay quốc tế. Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định cho rằng, hiện nay, hàng không đã phục hồi, đặc biệt các mảng hàng không có tần suất bay cao.

Tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều giữa bay nội địa và bay quốc tế cùng đà tăng phi mã của giá nhiên liệu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đà phục hồi chung của ngành hàng không. Với tình hình như hiện nay, trong năm 2023, đây vẫn sẽ là những rào cản mà ngành hàng không phải đối mặt và vượt qua. Chỉ khi thị trường bay quốc tế phục hồi mạnh mẽ như bay nội địa, hàng không mới thật sự trở lại mạnh mẽ, từ đó tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế...

Bên cạnh đó, nhìn vào quá trình phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022 có thể thấy rõ sự không đồng đều giữa những tháng cao điểm và thời gian không có cao điểm nghỉ lễ. Sự phụ thuộc quá lớn vào các cao điểm trong năm (như cao điểm nghỉ Lễ 30/4, 1/5; cao điểm Hè, cao điểm Tết) khiến cho vận tải hàng không thiếu đi sự ổn định cần thiết để có được đà phát triển bền vững.

Đành rằng, đó là những thời điểm vàng để các hãng hàng không đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nhưng muốn có sự phát triển bền vững phải giữ được đà tăng tưởng ổn định ngay cả khi đã qua cao điểm.

 

Thống kê số liệu bán, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay của 5 hãng hàng không cho thấy, tỷ lệ đặt chỗ một số ngày cận Tết trên các đường bay từ miền Nam ra miền Trung và miền Bắc đang ở mức cao ấn tượng. Trong đó, chặng bay TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là 70,9% vào ngày 18/1/2023. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là 89% vào ngày 28/1/2023; chặng bay TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng cũng không kém với tỷ lệ đặt chỗ cao nhất 88% vào các ngày 17 và 18/1/2023. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là 92% vào ngày 29/1/2023 và 87% vào các ngày 27 và 28/1/2023.

----

Trong khi hàng không Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, hàng không thế giới vẫn đang phục hồi khá chậm chạp. Theo nghiên cứu gần đây của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), ngành này sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Tổ chức này đưa ra thống kê, trong quý I và quý II của năm 2022, lượng khách đi máy bay toàn cầu lần lượt 1,3 tỷ và 1,7 tỷ, tương đương 62% và 75,2% các mức cùng kỳ năm 2019.

Sự phục hồi chủ yếu do nhu cầu đi lại bằng đường không tăng đột ngột trong mùa Hè ở Bắc bán cầu năm 2022, sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Theo ACI, du lịch quốc tế được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2024, do đó ngành hàng không cũng sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn vào thời điểm này.