Hàng không phục hồi mạnh, các cảng hàng không làm ăn ra sao?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành hàng không đang phục hồi mạnh, đặc biệt là đà tăng tưởng ấn tượng trong cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo thêm lực đẩy cho toàn ngành trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn.

Các sân bay đông nghẹt khách trong cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua.
Các sân bay đông nghẹt khách trong cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua.

Vận tải hàng không tăng tưởng chóng mặt

“Chóng mặt” là thuật ngữ hoàn toàn phù hợp để nói về sự tăng trưởng của hàng không quốc nội trong cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 1/2023, sản lượng hành khách thông qua các Cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng 12/2022.

Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15% so với tháng 12/2022. Về hàng hóa, sản lượng thông qua các cảng hàng không trong tháng đầu tiên của năm 2023 đạt 112 nghìn tấn, tăng 11,6% so với tháng 12/2022.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt xấp xỉ 13 nghìn lần hạ cất cánh, tăng 39%; hơn 1,9 triệu hành khách, tăng 58% và hơn 7,6 nghìn tấn hàng hóa, giảm 11,6% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.

Các hãng hàng không Việt Nam trong dịp Tết đã vận chuyển hơn 967 nghìn hành khách và 1.550 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 60,7% về hành khách và 28,4% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.

Ấn tượng nhất là tại hai sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Số liệu sản lượng hành khách quốc tế cho thấy 2 Cảng Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đạt 75 - 77% so với trước dịch, trong khi Đà Nẵng đạt hơn 54%, Cam Ranh đạt xấp xỉ 24%, Phú Quốc đạt xấp xỉ 35% so với trước dịch.

Tín hiệu tốt là sản lượng hành khách quốc tế có xu hướng tăng dần trong giai đoạn Tết Nguyên đán, tăng dần từ 60% đến 75% sản lượng hành khách so với trước dịch.

Các cảng hàng không có sản lượng hành khách và sản lượng cất hạ cánh nội địa tăng nhiều so với ngày thường là: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vinh, Thọ Xuân, Phú Bài, Cát Bi, Liên Khương, Buôn Ma Thuột.

Vận tải hàng hóa qua đường hàng không tăng trưởng đều sau đại dịch Covid-19.
Vận tải hàng hóa qua đường hàng không tăng trưởng đều sau đại dịch Covid-19.

Cảng hàng không phục hồi nhanh chóng

Sự tăng trưởng chóng mặt nhu cầu đi lại của người dân trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua đã mang đến những lực đẩy đáng kể cho toàn ngành hàng không phục hồi. Trong đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là một trong những đơn vị có sự tăng tưởng ấn tượng nhất.

Thống kê của ACV cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu của ACV đạt 15.381 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Tổng chi phí ước 7.819 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm, tăng 25% so với năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế là 7.561 tỷ đồng, đạt 295% kế hoạch năm, tăng gần 10 lần so với năm 2021. Nộp ngân sách Nhà nước 1.548 tỷ đồng. Với ước tính trên, như vậy, quý IV/2022 ACV ước đạt hơn 5.600 tỷ đồng doanh thu, và lợi nhuận trước thuế 306 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý trước.

Doanh thu ấn tượng của ACV trong năm 2022 phần lớn đến từ sản lượng vận tải hành khách. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa cũng có những đóng góp không nhỏ khi liên tục giữ được đà tăng trưởng ổn định sau Covid-19.

Đặc biệt, tháng đầu tiên trong năm 2023, sản lượng vận tải hàng hóa qua các cảng hàng không tiếp tục đạt con số ấn tượng với 112 nghìn tấn, tăng 11,6% so với tháng 12/2022. Riêng hàng hóa quốc tế là 83 nghìn tấn, tăng 10% và hàng hóa nội địa đạt sản lượng 29 nghìn tấn, tăng 16,6% so với tháng 12/2022.

Với những tín hiệu lạc quan trên, ACV đặt kế hoạch 2023 sẽ đạt tổng sản lượng phục vụ hành khách là 116 triệu khách, tăng 18% so với 2022, tổng sản lượng phục vụ hàng hóa: 1.634 nghìn tấn, tăng 18% so với 2022, tổng sản lượng hạ cất cánh: 768 nghìn lượt chuyến, tăng 17% so với 2022. Tổng doanh thu: 18.414 tỷ đồng, tăng 20% so với 2022; và lợi nhuận trước thuế: 8.448 tỷ đồng, tăng 11% so với 2022; nộp ngân sách nhà nước: 1.831 tỷ đồng, tăng 18% so với 2022.

Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn phải đối mặt với nhiều nỗi lo trong năm 2023.
Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn phải đối mặt với nhiều nỗi lo trong năm 2023.

Còn nhiều nỗi lo

Mặc dù đang có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành hàng không trong năm 2023 vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, phải làm thế nào để tăng sản lượng bay quốc tế, nhất là sản lượng hành khách, bởi đây là nguồn lực quan trọng nhất giúp các DN hàng không phục hồi bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề quá tải hạ tầng hàng không cũng như thiếu hụt nhân sự thời hậu Covid-19 là bài toán khó của toàn ngành.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, xu hướng phổ biến sẽ là nhiều nền kinh tế lớn phát triển chậm lại, nhiều quốc gia trên thế giới chịu nhiều biến động, lạm phát tăng cao, tăng trưởng thấp, nguy cơ suy thoái kinh tế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đà phục hồi của vận tải hàng không nước ta.

Thậm chí, ngay cả khi đang phục hồi tốt, vận tải hàng không cũng đang tồn tại không ít rủi ro, nhất là thị trường vận tải hàng không quốc tế, bởi những bất ổn chính trị leo thang ở nhiều nơi, giá nhiên liệu liên tục tăng cao và cả nguyên do đến từ sự mở cửa dè dặt của thị trường Trung Quốc. Tất cả những yếu tố này sẽ kéo chậm đà tăng trưởng của vận tải hàng không nước ta.

Một vấn đề nữa là nỗi lo quá tải hạ tầng hàng không. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không nhận định, sau hơn 2 năm hỗn loạn vì đại dịch Covid-19, nhu cầu giao thông hàng không đã tăng mạnh trong năm 2022, tạo đà cho hàng không phục hồi trong năm 2023 về mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, ngành hàng không đang phải đối mặt với hai vấn đề: Ách tắc hạ tầng và thiếu hụt nhân sự, nhất là phi công và nhân viên kỹ thuật. “Các hãng hàng không Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động tài chính, chưa có lãi từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách, hàng hóa” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.

 

Tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines năm 2022 tăng 150%, tương đương 30.258 tỷ đồng nhưng quý IV/2022, hãng này tiếp tục báo lỗ. Tính chung, năm 2022, Vietnam Airlines vẫn lỗ hơn 8.634 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu quý IV/2022 của Vietjet Air dù tăng gấp hơn 2,7 lần nhưng hãng vẫn lỗ hơn 3.330 tỷ đồng sau nhiều năm cầm cự. Đây là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của VietJet. Lũy kế cả năm 2022, VietJet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái nhưng lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng, đảo ngược với kết quả lãi 122 tỷ đồng của năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần