Hàng không trước áp lực tăng trưởng nóng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng trưởng nóng khiến ngành hàng không phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn này trong khi vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng ấn tượng như hiện nay là bài toán không dễ tìm ra lời giải.

Tại tọa đàm với chủ đề “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ GTVT tổ chức ngày 11/12, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, DN hoạt động trong lĩnh vực hàng không đã bàn thảo đến vấn đề này.
Hàng không phát triển nóng hay không?
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, với tốc độ phát triển hiện nay của ngành hàng không, sử dụng cụm từ “phát triển nóng” là chưa phù hợp. Bởi “phát triển nóng” là thuật ngữ được dùng khi nói đến sự phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, còn đối với ngành hàng không Việt Nam, dù thời gian qua có sự phát triển hết sức ấn tượng nhưng xét một cách toàn diện, sức phát triển này “không có gì đáng ngạc nhiên”.
Theo thống kê, về thị trường, từ 2008 - 2019, hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hóa. So với năm 2008, sản lượng vận chuyển năm 2019 tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hóa.
 Tình trạng chậm chuyến bay ngày càng phổ biến hơn. Ảnh: Công Hùng
Riêng các hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hóa. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần.
Đây là những số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng của ngành trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trong khoảng 20 năm trở lại đây, sức phát triển của ngành luôn gắn chặt với mức tăng trưởng GDP của cả nước.
“Tăng trưởng hàng không hoàn toàn nằm trong tầm quản lý của Nhà nước. Đồng thời, sự tăng trưởng đó lại tạo ra thị trường hàng không cạnh tranh lành mạnh và mang lại cơ hội cho hành khách. Không những thế, sức tăng trưởng này luôn đi đôi với công tác bảo đảm an toàn an ninh trong khi các hãng vẫn làm ăn có lãi. Nói hàng không tăng trưởng nhanh thì chính xác hơn” – ông Đinh Việt Thắng nói.
Trái ngược với quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh khẳng định: “Tôi thích dùng từ “nóng” và càng “nóng” càng tốt”. Vì việc ngành hàng không phát triển “nóng” chứng tỏ kinh tế phát triển, xã hội ổn định và đây là điều đáng để tự hào. Tôi cho rằng chúng ta không sợ từ nóng, nếu nóng theo nghĩa tích cực.
Tháo gỡ các điểm nghẽn
TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế T.Ư cho rằng, vấn đề quan trọng với ngành hàng không hiện nay không phải là cố gắng đi cắt nghĩa thế nào là phát triển “nóng” mà cần nhận diện sớm những những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để giải quyết.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, ngành hàng không hiện nay có hai loại điểm nghẽn, một loại sẽ do Nhà nước giải quyết, loại còn lại do thị trường giải quyết. “Vấn đề Nhà nước giải quyết là hạ tầng, tiêu biểu là tình trạng quá tải đang diễn ra tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đó tắc cả trên trời và dưới đất. Chúng ta đã có kế hoạch mở rộng sân bay này từ 3 - 4 năm nay nhưng mãi không thực hiện được, ảnh hưởng đến cả ngành hàng không và du lịch. Với tốc độ bay như thế khó có thể đưa khách nước ngoài đến với Việt Nam” – TS Cung phân tích. Còn đối với điểm nghẽn về nhân lực là do thị trường quyết định và các hãng hàng không phải chủ động tìm phương án giải quyết.
Cũng liên quan đến vấn đề hạ tầng, ông Dương Trí Thành, CEO Vietnam Airlines cho biết, tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất khiến bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh kéo dài thêm 5 phút mỗi chặng, ảnh hưởng đến chất lượng và tăng trưởng kinh tế.
"Hạ tầng hàng không Việt Nam đang không theo kịp tốc độ phát triển của ngành. Theo đó, quá trình nâng cấp, mở rộng, xây mới các sân bay đang chậm hơn sự phát triển nhanh của các hãng hàng không" - ông Thành nhận định. Còn theo ông Lại Xuân Thanh, toàn hệ thống sân bay đang khai thác vượt xa công suất thiết kế, chứng tỏ sự quá tải của hạ tầng hàng không. Lãnh đạo ACV chia sẻ, khó khăn nằm ở hạ tầng khu bay, trong khi khu bay lại nằm ngoài kiểm soát của DN, dẫn đến điểm nghẽn về cơ chế.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng lĩnh vực hàng không còn nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Làm thế nào để phát triển hàng không Việt Nam thật sự bền vững, với một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước luôn hướng tới.

"Đất nước ta hiện có gần 100 triệu dân trong khi tổng số tàu bay hiện có chỉ khoảng 200 chiếc. Tức là trung bình một triệu dân mới có 2 tàu bay. So với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan thì con số này còn rất khiêm tốn. Có thể khẳng định nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không còn rất nhiều. Vấn đề đặt ra chỉ là làm thế nào chúng ta duy trì tăng trưởng được bền vững, an toàn, lành mạnh." - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương


"Chúng tôi coi tăng trưởng vận chuyển hành khách là cơ hội lớn để phát triển hàng không. Vấn đề chúng ta cần có môi trường quản lý để phát triển nhanh, đồng bộ nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu quả bền vững, chất lượng an toàn. Có như vậy cả hãng hàng không và khách hàng mới nhận được lợi ích dịch vụ ngày càng tốt và bền vững hơn." - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành