Hàng không Việt Nam trước “cơn bão” đổ bộ của hàng không quốc tế

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường hàng không Việt Nam đang có những bước hồi phục thần tốc sau đại dịch Covid-19. Đây chính là lý do khiến không ít hãng hàng không quốc tế muốn “đổ bộ” vào nước ta để khai thác thị trường đầy tiềm năng này.

Nhiều hãng hàng không nước ngoài muốn "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam.
Nhiều hãng hàng không nước ngoài muốn "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam.

Trước mắt, sẽ có 2 hãng hàng không đến từ các quốc gia châu Á khai thác thị trường bay tại Việt Nam. Thị trường hàng không nước ta được dự báo rất sôi động và cạnh tranh quyết liệt trong thời gian tới.

Hãng bay quốc tế đổ xô vào Việt Nam

Một trong những hãng hàng không mới nhất tuyên bố sẽ “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam chính là Air Premia đến từ Hàn Quốc. Đây là hãng bay mới thành lập và có trụ sở chính đặt tại thủ đô Seoul.

Là hãng bay hoạt động theo mô hình lai (hybrid) và đang khai thác dòng máy bay B787 mới, cung cấp dịch vụ cao cấp với giá cả hợp lý, Air Premia được dự báo sẽ rất “đáng gờm” trong phân khúc dịch vụ hàng không chất lượng cao vốn còn nhiều “dư địa” ở nước ta.

Theo thông tin được Air Premia, hãng sẽ chú trọng các đường bay dài và cung cấp dịch vụ tiện nghi tốt nhất tập trung vào ba yếu tố chính: Máy bay hiện đại, đội bay và con người.

Air Premia sẽ thực hiện chuyến bay hành khách đầu tiên của mình vào đầu tháng 10/2022 giữa Seoul (Hàn Quốc) và TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) với tần suất 4 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần. Ngày mở bán chính thức ở Việt Nam là 25/8/2022. Đồng thời, Air Premia cũng lên kế hoạch bay từ Seoul đến Hà Nội trong năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Lãnh đạo của Air Premia không giấu tham vọng của hãng khi khẳng định Air Premia luôn coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của hãng. Tổng đại lý sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc hoạt động của Air Premia tại thị trường.

Bên cạnh Air Premia, một hãng hàng không khác đến từ châu Á là MyanmarAirways International (MAI) cũng vừa tuyên bố sẽ tham gia khai thác đường bay thẳng đến Việt Nam. Theo kế hoạch, hãng bay đến từ Myanmar bắt đầu khai thác đường bay Yangon - Nội Bài từ 16/9 với tần suất 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần.

Tiếp đó, từ 22/9, MAI sẽ tiếp tục khai thác đường bay Yangon - TP Hồ Chí Minh với tần suất 1 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào thứ Năm. Tất cả chuyến bay được hãng khai thác bằng máy bay Airbus A320.

Đại diện MAI cho biết, để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thị trường bay Việt Nam, hãng đã chỉ định SKYPAC AVIATION là Tổng đại lý bán hàng và dịch vụ hành khách và hàng hóa (GSSA) tại thị trường Việt Nam. Đây được coi là bước đi quan trọng để doanh nghiệp hàng không tư nhân lớn nhất Myanmar này gia nhập thị trường Việt.

Thị trường hàng không nội địa phục hồi thần tốc trong khi bay quốc tế vẫn phục hồi chưa như kỳ vọng.
Thị trường hàng không nội địa phục hồi thần tốc trong khi bay quốc tế vẫn phục hồi chưa như kỳ vọng.

Bay quốc tế phục hồi chậm

Giới chuyên môn nhận định, sự đổ bộ của các hãng hàng không quốc tế vào Việt Nam chứng tỏ sức hút cũng như tiềm năng rất lớn của thị trường hàng không nước ta. Với sự có mặt của nhiều hãng bay nước ngoài, sức cạnh tranh của hàng không Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn kinh tế, cạnh tranh chính là nguyên lý của sự phát triển. Nếu các hãng hàng không nước ta phát huy được hết khả năng, thế mạnh thì đây sẽ là nguồn lực bổ sung cho hàng không Việt Nam sớm phục hồi hơn cũng như lớn mạnh nhanh hơn. Còn ngược lại, chúng ta toàn toàn có thể đứng trước nguy cơ sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, hàng không Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong số này có 1,8 triệu khách quốc tế và 38,9 triệu khách nội địa. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 667 nghìn khách, khách nội địa 19,5 triệu khách, tăng 51,8% so với cùng kỳ 2021.

Tính chi tiết từng hãng hàng không, Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO dẫn đầu khai thác 13.719 chuyến. Tiếp đến, VietJet Air khai thác 12.008 chuyến, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ.

Hãng hàng không Bamboo Airways tăng trưởng gấp 2,5 lần cùng kỳ, khai thác tổng cộng 4.565 chuyến. Còn Vietravel Airlines tăng trưởng đột biến về số chuyến bay lên đến 22 lần, đạt 516 chuyến bay.

Các hãng hàng không trong nước phải tự làm mới và "nâng cấp" để không thua trên sân nhà.
Các hãng hàng không trong nước phải tự làm mới và "nâng cấp" để không thua trên sân nhà.

Hàng không nội địa phải tự làm mới và “nâng cấp”

Dù có đà phục hồi mạnh mẽ như vậy nhưng nhìn vào bức tranh chung của hàng không Việt Nam trong 6 tháng qua vẫn có những điều đáng quan ngại.

Đáng lo ngại nhất vẫn là việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm hiện vẫn gặp khó. Trong đó, thị trường số một của hàng không Việt Nam là Hàn Quốc vẫn bị khống chế chuyến bay ở số lượng lượng thấp, điều kiện nhập cảnh phức tạp.

Một thị trường hàng không lớn và quan trọng khác của Việt Nam là Trung Quốc cũng không khả quan hơn khi hiện mới chỉ duy trì 2 chuyến/tuần do quốc gia này vẫn thực hiện chính sách Zero Covid. Một số thị trường hàng không khác như Đài Loan, Nhật Bản hay một số nước châu Âu, dù đã nối lại từ khá lâu nhưng tốc độ tăng trưởng cũng chưa thật sự ấn tượng.

Tốc độ phục hồi chậm chạp của đường bay quốc tế khiến cho bức tranh chung của hàng không Việt Nam vẫn chưa thật sự sáng dù đang là quốc gia đứng đầu thế giới về tốc độ phục hồi thị trường bay nội địa.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nhiều đường bay quốc tế đang phục hồi chậm trong khi thị trường hàng không trong nước lại đứng trước viễn cảnh “đổ bộ” ồ ạt của các hãng hàng không nước ngoài sẽ mang đến sức ép không nhỏ cho những hãng bay của Việt Nam.

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho biết, xu hướng nhiều hãng hàng không quốc tế “ồ ạt” vào khai thác thị trường Việt Nam vừa là thách thức lớn cho các hãng hàng không trong nước, đồng thời cũng là thời cơ lớn để hàng không nước ta tự làm mới và “nâng cấp”. 

“Trong thời kỳ hội nhập, việc các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia đầu tư, khai thác vào thị trường Việt Nam là điều bình thường. Chúng ta không thể bế quan tỏa cảng được. Cách duy nhất là các hãng hàng không trong nước phải tự nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không nước ngoài” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Vị chuyên gia này khẳng định, sự có mặt của nhiều hãng hàng không quốc tế đương nhiên sẽ tạo ra cạnh tranh, nhưng đây không phải là cái mất, cái thiệt mà là cái được, thậm chí lợi sẽ nhiều hơn. Bởi theo quy luật cạnh tranh, theo cơ chế thị trường, tất cả DN, thành phần kinh tế đều phải liên tục đổi mới, tự “nâng cấp” mình mới có thể theo kịp đã phát triển nhanh của thị trường. Một nguyên tắc vàng mà bất cứ DN nào cũng phải nhớ, đó là “không phát triển có nghĩa là tự diệt".

"Chỉ cần các hãng hàng không Việt Nam nâng cao được năng lực kinh doanh thì vẫn chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh này. Bởi chúng ta đang có “lợi thế sân nhà”” - chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

 

“Để phục hồi đường bay quốc tế, nhà chức trách hàng không cần tiếp tục triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều, để các hãng trong nước có điều kiện thâm nhập, khai thác”. - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần