KTĐT - Hết quý I/2011, hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) có báo cáo tài chính lỗ nặng, trong đó nhiều CTCK lỗ tới 3 - 4 năm liên tiếp. Theo nhiều chuyên gia thì đây là “những cái chết đã được báo trước”.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt
Ngay đầu năm 2011, TTCK cũng như hoạt động của các CTCK xáo động bởi sự tuyên bố “dứt áo” của CTCK Kim Long (KLS). Theo báo cáo tài chính của DN này thì trong năm 2010, KLS bị lỗ tới hơn 173 tỉ đồng - một con số khiến cho các cổ đông của Cty này tá hỏa. Chưa hết, một CTCK khác thuộc hàng “đại gia” là CTCP CK Bảo Việt (BVS) cũng lỗ tới hơn 92 tỉ đồng.
Tiếp đến hàng loạt các CTCK khác là CTCP CK Hải Phòng (HPC) bị âm hơn 48,7 tỉ đồng, CTCP CK Sao Việt (SVS) lỗ hơn 21,3 tỉ đồng, CTCK Nam Việt cũng thiết lập kỷ lục lỗ 4 năm liên tiếp với số tiền lỗ hơn 16 tỉ đồng, CTCK Tầm Nhìn (HRS) cũng lỗ 4 năm liên tiếp, mức lỗ lên đến 36 tỉ đồng, CTCK Vina lỗ hơn 128 tỉ đồng. Các CTCK như NVS của Navibank, CTCK Miền
Thực tế, việc các CTCK thua lỗ là điều theo các chuyên gia là... rất dễ hiểu. Lý do đơn giản là trong bối cảnh TTCK giảm sút, số đông NĐT đều không còn mặn mà với kiểu đầu tư trên sàn CK đã khiến số tiền thu được từ hoạt động môi giới CK của các công ty này sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, một lý do khác là hầu hết các CTCK này đều tham gia vào “đánh CK” theo kiểu tự doanh. Chính hoạt động này cũng khiến các CTCK thua lỗ do thị giá của TTCK nói chung thời gian qua giảm mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như số đông NĐT thì quả thật TTCK của VN hiện nay quá buồn tẻ. Nếu như trước đây, khá nhiều sàn CK tỏ ra hoạt động hiệu quả thì trong 2 - 3 năm trở lại đây, hoạt động này bị suy giảm mạnh.
Bên cạnh nguyên nhân TTCK sụt giảm thì có một phần do sự sụt giảm uy tín của chính CTCK. Nhiều NĐT ta thán rằng lúc TTCK có dấu hiệu khởi sắc, không ít nhân viên của CTCK đã “tranh phần” cơ hội của NĐT. Việc mua bán, khớp lệnh không dễ gì theo ý muốn của NĐT. Bên cạnh đó, những biểu hiện tiêu cực của các nhân viên và CTCK kiểu tranh mua, tranh bán, bán khống... cũng làm nản lòng không ít NĐT.
Tồn tại hay không tồn tại?
Suy cho cùng thì sự thua lỗ của các CTCK trong bối cảnh TTCK suy giảm hiện nay là khó tránh khỏi. Thậm chí, nhiều chuyên gia cảnh báo là khả năng thua lỗ trong những năm tiếp theo cũng gần như cầm chắc. Thế nhưng, vấn đề chính hiện nay là chuyện sau khi thua lỗ kéo dài, các CTCK liệu sẽ tiếp tục tồn tại để đối mặt với khả năng thua lỗ, hay sẽ chuyển đổi, phá sản... theo kiểu “đau một lần” rồi “thoát nợ”?
Trong số cả chục CTCK đang thua lỗ thì đến nay, một vài Công ty vẫn chưa có động thái gì hơn cho dù vốn để duy trì hoạt động còn rất ít, có DN chỉ còn khoản tiền vốn chưa đến 10 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, vài CTCK đang “đánh tiếng” với cổ đông là sẽ bơm thêm tiền bằng cách tăng vốn để tiếp tục hoạt động. Trong trường hợp này, các DN và bản thân cổ đông sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Lý do đơn giản là DN cứ thua lỗ triền miên, TTCK sụt giảm và chưa biết đến bao giờ sẽ khởi sắc, liệu cổ đông nào sẽ đủ dũng cảm tiếp tục bơm tiền để tiếp tục chứng kiến DN thua lỗ, tài sản của mình hao mòn đi. Bên cạnh đó trong bối cảnh khó khăn này, việc kiếm được tiền để bơm cho quá trình tăng vốn cũng không dễ.
Đặc biệt hơn như trường hợp của KLS, sau khi lỗ nặng và định “chuyển đổi ngành nghề kinh doanh” thì đến nay cũng chưa thể thoát khỏi “ách CK”. Nguyên nhân là vì số đông cổ đông chưa đồng ý.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp cổ đông đồng ý thì lại phát sinh một vấn đề pháp lý rất phức tạp là DN sẽ chuyển đổi theo mô hình, quy định ra sao khi mà gắn với CTCK là rất nhiều tài khoản, tài sản của các NĐT đang gắn với sự tồn tại của CTCK? Đây là câu hỏi cực kỳ hóc búa khi mà CTCK không thể “bảo” NĐT bán tống bán tháo CP để rồi rút tiền, xóa bỏ tài khoản. Hay như việc chuyển đổi hàng chục ngàn, thậm chí là hàng trăm ngàn tài khoản và lượng CP này cũng không dễ. Đặc biệt hơn, nếu các CTCK xóa sổ thì CP của các Cty này sẽ được “xóa” như thế nào? Trong khi hầu hết những CP này đang có thị giá cực thấp, bán có khi cũng ít ai dám mua.
Theo thống kê thì hiện VN đang tồn tại cả trăm CTCK, trong đó số đông là của các DN nhà nước tạo lập với kỳ vọng “hớt váng mỡ” từ dịch vụ được cho là béo bở “môi giới CK”. Trong số này không ít các DN đối mặt với kiểu “chết dần dần” như trên mà chưa thể tìm ra lối thoát. Bài học về sự đầu tư mạo hiểm, đầu tư theo kiểu “hội chứng” đã đẩy nền kinh tế CK rơi vào sự lãng phí, thậm chí là bị tác động xấu vì sự “bùng nổ” các CTCK. Bài học đã nhận ra rồi, nhưng cách nào để thoát ra thì hiện nay dường như các CTCK chưa thể tìm ra được câu trả lời.