Vì sao “đột tử”?
Những ngày qua, giới truyền thông không ngừng thông tin về việc chuỗi nhà hàng Món Huế cùng loạt thương hiệu F&B khác như: Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh mì... do làm ăn thua lỗ nên đã đột ngột đóng cửa, dừng kinh doanh và để lại những khoản nợ lớn cho người lao động, nhà đầu tư và nhà cung cấp thực phẩm.
Mặc dù tiềm năng thị trường là rất lớn nhưng ngay cả những “ông lớn” với các chuỗi thức ăn nhanh như KFC, Burger King… khi mới vào Việt Nam cũng không thể thực hiện được mục tiêu mở hơn 100 cửa hàng trong thời gian ngắn. Do đó, cần phải xây dựng được một chiến lược tài chính phù hợp và có phương pháp thực thi chiến lược đó một cách hiệu quả chứ không phải cứ có ý tưởng, gọi vốn thành công thì có thể phát triển tốt mô hình chuỗi”. TS Võ Trí Thành |
Thực tế cho thấy sau hơn một thập niên hoạt động, các chuỗi nhà hàng của Huy Việt Nam đã xác lập một vị thế trên thị trường, với sự nhận diện thương hiệu mạnh dựa trên một hệ thống nhà hàng rộng khắp cả nước. Đồng thời, trong lịch sử kinh doanh ở lĩnh vực F&B chưa có chuỗi nhà hàng nào có vốn điều lệ lên đến 600 tỷ đồng và luôn đạt mức doanh thu 200 tỷ đồng/năm; đặc biệt còn kêu gọi được gần 70 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Việc hàng loạt chuỗi nhà hàng của Công ty Huy Việt Nam đóng cửa khiến nhiều người lo ngại về một hiệu ứng không tốt.
Phân tích về vấn đề này, chuyên gia chiến lược thương hiệu Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh) cho rằng, ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống đầy tiềm năng nhưng cũng hết sức khắc nghiệt, bởi chỉ cần một chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến đổ bể hệ thống kinh doanh. “Sự thất bại của Công ty Huy Việt Nam do việc mở rộng quy mô quá “nóng” dẫn đến chính các nhà hàng này lại cạnh tranh nhau. Đồng thời chi phí mặt bằng và chi phí để vận hành chuỗi nhà hàng này lại cao hơn doanh thu nên dẫn đến sự thất bại là điều khó có thể tránh khỏi. Cụ thể, năm 2016 chi phí bán hàng chỉ chiếm 60% doanh thu nhưng trong 2 năm 2017 - 2018, chi phí này chiếm từ 80 - 90% doanh thu ” - ông Vũ Xuân Trường nhận xét.
Còn TS Nguyễn Quốc Thịnh - Cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia lại nhìn nhận, nguyên nhân gây nên khủng hoảng là do Công ty Huy Việt Nam không bắt kịp và thích nghi được với xu hướng tiêu dùng mới trong khi thị hiếu khách hàng thay đổi rất nhanh nên không thể cạnh tranh được những xu hướng mới nổi khác. Đặc biệt, tốc độ phát triển chuỗi cửa hàng nhanh, trong khi chất lượng đội ngũ và hệ thống quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giảm lượng, tăng chất
Để tránh rơi vào khủng hoảng, thậm chí nguy cơ sụp đổ như các chuỗi nhà hàng của Công ty Huy Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, trong xây dựng chuỗi kinh doanh ngoài đồng bộ về sản phẩm thì cần phải đồng bộ trong vận hành quản lý, nhân viên phục vụ… Đồng thời, việc sử dụng tài chính cũng phải được tính toán sao cho phù hợp với thực tế, nếu không có nguồn tài chính dồi dào, thì chỉ nên tập trung phát triển thương hiệu và hoàn thiện quản lý chuỗi cung ứng. Việc mở rộng điểm bán thì nên dùng cách chia sẻ thương hiệu nhượng quyền như cách mà nhiều thương hiệu khác đang làm thành công.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Huy Việt Nam có 9 thương hiệu gồm: Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Phở 99, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill, TP Tea, Mì Quảng Bếp Tâm. Với 3 hình thức cửa hàng gồm: Cửa hàng đơn lẻ 1 thương hiệu – TP Tea; Cửa hàng tích hợp Món Huế cùng 1 - 2 thương hiệu khác (hình thức phổ biến nhất); Food Hall tích hợp 6 thương hiệu chính (Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill) – hình thức ra đời sau cùng, số lượng ít. |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, thực ra trong kinh doanh bán lẻ phải phát triển chuỗi mới tạo ra lợi thế cạnh tranh và các lợi ích khác. Phát triển chuỗi phải gắn liền với năng lực quản trị và những yếu tố nền tảng, cốt lõi khác của DN. Chẳng hạn, Trung Nguyên muốn phát triển chuỗi thì phải phát huy tốt nhất năng lực về cung ứng cà phê có chất lượng cũng như kiểm soát được hoạt động của các điểm bán để bảo đảm uy tín thương hiệu.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhận định, kinh doanh chuỗi phụ thuộc vào 2 vấn đề là tính thống nhất trong chuỗi và kiểm soát năng lực tài chính. Quan trọng nhất là các DN phải xây dựng cho được một bộ tiêu chí và hệ thống cảnh báo rủi ro. Cụ thể, khi DN muốn mở một điểm bán thì cần có sự đo lường, đánh giá cụ thể về doanh thu, mức độ thu hồi để đưa ra quyết định có nên mở hay không; khi mở chuỗi cũng nên chấp nhận đóng cửa điểm bán không hiệu quả để cắt lỗ không nên chạy theo số lượng sẽ bị phá sản. “Trước đây hệ thống siêu thị Fivimart đã quyết định đóng cửa siêu thị Fivimart quận 7 vì kinh doanh thua lỗ, chứ không chấp nhận bù lỗ để duy trì” - bà Hậu dẫn chứng.
Theo Chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành, việc Công ty Huy Việt Nam đóng cửa hàng loạt chuỗi nhà hàng cho thấy, các startup gọi được vốn đầu tư không dễ dàng mà luôn đi kèm với rủi ro. Khi được các quỹ rót vốn, các startup thường chấp nhận những chỉ tiêu liên quan đến doanh số, hiệu quả kinh doanh, số lượng chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư đưa ra. Trong khi đó, đa số các chủ đầu tư tại Việt Nam thường không tính đường dài, lại không biết cách quản lý tài chính nên dòng tiền trở nên hỗn loạn. Chi phí lớn mà không mang lại hiệu quả sẽ rất dễ dẫn đến thất bại, nhất là khi không có một bộ máy quản trị tốt.