Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng may mặc với vòng đời tuần hoàn

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm còn khá mới mẻ với xu hướng tiết kiệm nguyên liệu, tái chế hàng may mặc có vai trò quan trọng.

Bởi lẽ, với ngành dệt may, nhu cầu con người ngày càng cao, kéo theo nhu cầu nguyên liệu cũng tăng cao và nhiều hệ lụy sẽ đến với môi trường, nền kinh tế.
Ngành dệt may tiêu thụ rất nhiều tài nguyên, sợi bông và năng lượng. Trong khi đó, nguồn tài nguyên này lại chỉ có hạn. Đây là vấn đề đang được nhiều quốc gia, hãng thời trang, công ty dệt may cố gắng giải quyết. Nhiều gia đình cũng được khuyến cáo sử dụng quần áo vừa mức, tận dụng nó vào việc khác khi không còn mặc nữa. Thế giới hiện tiêu thụ khoảng 80 tỷ chiếc quần áo mới; năm 2025, dự kiến sẽ tiêu thụ 6,4 triệu tấn quần áo mới (12,66 kg mỗi người).
Khẩn cấp tái chế hàng dệt may
Ngành công nghiệp thời trang chiếm 10% lượng khí thải carbon hiện nay, nhiều hơn cả vận chuyển và hàng không cộng lại. Nếu không có gì để cải thiện tình hình, vào năm 2050, dự kiến ​​con số này sẽ là 26%.
 May mặc là lĩnh vực giàu tiềm năng sản xuất tái chế. Ảnh: Phạm Hùng
Ngành công nghiệp quần áo trị giá 1,3 nghìn tỷ USD, sử dụng 300 triệu người từ sản xuất đến bán lẻ, tiêu thụ khoảng 98 triệu tấn dầu, phân bón, hóa chất và thuốc nhuộm, cũng như 93 tỷ mét khối nước mỗi năm. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam là những nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới.
Nhu cầu về bông vải của toàn thế giới trong ngày càng tăng, lên tới khoảng 50 triệu tấn/năm. Tuy vậy, quần áo và giày dép sau khi dùng đều bị vứt bỏ và trở thành rác thải. Theo ước tính, hàng năm, trên thế giới lãng phí khoảng 500 tỷ UDS do bỏ đi số quần áo cũ. Cứ mỗi giây, có một xe tải quần áo bị chôn lấp hoặc bị đốt đi. Bình quân mỗi người Đức thải 30kg quần áo cũ /năm.
Hơn 80 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất hàng năm, trên toàn thế giới. Theo Hoa Kỳ EPA, khoảng 16 triệu tấn chất thải rắn đô thị dệt may (MSW) đã được tạo ra vào năm 2015, khoảng 6,1% tổng sản lượng MSW. Tỷ lệ hàng dệt may có nguồn gốc từ quần áo và giày dép là 14,2%, trong khi tỷ lệ thu hồi cho tấm và vỏ gối là 16,3% trong cùng năm.
Khi ở các bãi chôn lấp, sợi tự nhiên có thể mất hàng trăm năm để phân hủy. Rác dệt may có thể giải phóng khí metan và khí CO2 vào khí quyển; đồng thời có thể giải phóng các chất độc hại vào nước ngầm và đất xung quanh. Trên thực tế, một trong những nguyên nhân khiến các dòng sông ô nhiễm nặng là do nguồn chất thải của các nhà máy dệt, nhuộm.
Tái chế dệt may ngoài việc tiết kiệm được số tiền không lồ, hàng trăm tỷ đô la Mỹ, còn mang lại những lợi ích môi trường: Giảm yêu cầu không gian chôn lấp (lưu ý rằng các sản phẩm sợi tổng hợp không bị phân hủy và các sợi tự nhiên có thể giải phóng khí nhà kính); giảm nhu cầu nguyên liệu sợi; giảm tiêu thụ năng lượng và nước; giảm nhu cầu thuốc nhuộm… Điều đáng nói, hàng dệt may gần như có thể tái chế được 99%.
Các hãng thời trang, dệt may vào cuộc
Theo một nguồn tin, ở Anh có khoảng 50% hàng dệt được thu gom được tái sử dụng và khoảng 50% được tái chế. Tại Canada, trong số quần áo được quyên góp, ước tính 10% đóng góp từ thiện; 90% được đưa đến các nhà máy tái chế. Hãng Teijin (Nhật Bản) quyết định chỉ sản xuất sợi polyester tái chế. Nhật Bản sản xuất sợi tái chế cho 130 cơ sở dệt may trên thế giới.
Tại Đức, một hãng dệt may lớn đang nghiên cứu phát triển một loại máy dệt đảo ngược và có thể gỡ dần sợi ở quần áo cũ để lấy sợi. Loại sợi tái chế này vẫn bảo đảm có độ bền cao.
Hãng Soex (Đức) có một xưởng chuyên phân loại quần áo cũ với đội xe tải vận chuyển mỗi ngày khoảng 300 tấn quần áo cũ tới nhà máy, sau đó chúng được hàng trăm nhân viên phân trên băng chuyền giày dép, quần, áo cũ.
Những thứ còn dùng được sẽ lọc riêng để xuất sang các nước đang phát triển; thứ rách nát sẽ có máy cắt thành sợi rất mảnh như bông rồi bán cho các DN khác để chế biến thành nguyên liệu cách âm, cách nhiệt và cách điện hoặc làm giẻ lau.
Mỗi năm Soex chế biến, xử lý khoảng 200.000 tấn quần áo cũ đạt doanh thu 150 triệu euro. Hãng sản xuất tất Dim của Pháp ở gần Lyon đầu tư 250.000 euro để sản xuất quần tất nguyên liệu tái chế.
Tại Úc, khoảng 3 triệu tấn hàng dệt may sau tiêu dùng được chôn lấp mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà sáng chế nước này đã nghĩ ra một quy trình mới chuyển đổi vải pha trộn thành các thành phần thô. Công ty BlockTexx của Úc đã phát triển công nghệ để tách và thu hồi các sản phẩm polyester và cotton như quần áo, khăn trải giường và khăn bất kỳ màu nào và trong mọi điều kiện để tái chế.
Tại Mỹ, trong một thập kỷ, Eileen Fisher - một thương hiệu có trụ sở tại New York đã yêu cầu khách hàng mang quần áo cũ cho mình để đổi lấy thẻ quà tăng, mang về những mảnh không mong muốn để đổi lấy thẻ quà tặng. Chỉ tính riêng năm 2018, Eileen Fisher đã thu thập được 220.000 mặt hàng quần áo cũ, có khoảng 60% trong số đó được làm sạch và bán lại dưới nhãn hiệu Renew.
Một số công ty như Patagonia chấp nhận nhận lại các mặt hàng quần áo của họ để tái chế. Trong khi đó, các nhà bán lẻ thời trang như H&M và American Eagle Outfitters cung cấp các thùng tái chế quần áo trong cửa hàng để thu thập hàng dệt may và phụ kiện của bất kỳ thương hiệu nào.
Thái độ ứng xử của bạn
Xu hướng mua hàng mới tinh là tâm lý chung của mọi người, một chuyên gia kinh tế cho biết. Thấy mới, nới cũ cũng là một thái độ khác của mọi người đối với quần áo. Tuy nhiên như đã nói, để góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mỗi người cần góp phần tiết kiệm và tái chế hàng may mặc, cụ thể là những bộ quần áo của bạn (kể cả giày dép, chăn, áo gối… nữa).
Bạn có thể tiết kiệm, tái chế bằng cách: làm mới trang phục bằng những phụ kiện mới; trao đổi đồ dùng cùng bạn bè; giữ gìn quần áo đúng cách để chúng có thể mới lâu… Chúng ta cũng có thể giặt, là quần áo cũ của mình để bán hoặc quyên góp cho các tổ chức, cá nhân làm từ thiện. Ở Cana da, cho tặng quần áo như là một ứng xử của xã hội. Một cuộc khảo sát gần đây cho biết, có 90% số người ở Ontario được hỏi cho biết họ đồng ý, tặng cho quần áo của họ.
Cuối cùng, khi mua sắm quần áo, bạn hãy chọn chất lượng hơn số lượng. Đồ có chất lượng sẽ sử dụng được thời gian dài, có nghĩa là vòng đời của nó sẽ rộng hơn. Điều đáng lo là nhiều người đang thích dùng đồ quần áo thời trang giá rẻ, thậm chí chỉ dùng một lần rồi bỏ. Giá cả hàng may mặc ngày càng rẻ đang thúc đẩy sự ăn mặc phung phí này.
Như vậy, cùng với chính sách của các quốc gia, các công ty thời trang, dệt may và ứng xử của mỗi cá nhân, việc giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên tiền bạc trong tiết kiệm, tái chế hàng may mặc sẽ thành hiện thực.

Tái chế dệt may ngoài việc tiết kiệm được số tiền không lồ, hàng trăm tỷ đô la Mỹ, còn mang lại những lợi ích môi trường: Giảm yêu cầu không gian chôn lấp (lưu ý rằng các sản phẩm sợi tổng hợp không bị phân hủy và các sợi tự nhiên có thể giải phóng khí nhà kính); giảm nhu cầu nguyên liệu sợi; giảm tiêu thụ năng lượng và nước; giảm nhu cầu thuốc nhuộm… Điều đáng nói, hàng dệt may gần như có thể tái chế được 99%.