Hơn 22h30 tối 30/9, trên Quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và tỉnh Long An vẫn có hàng nghìn người và phương tiện (chủ yếu là xe gắn máy) kẹt lại trên đường, gây nên cảnh ùn ứ nghiêm trọng. Lực lượng chức năng đã phải huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ CSCĐ để đảm bảo an ninh khu vực.
Khuya 30/9, trên QL1A đoạn giáp ranh giữa huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và tỉnh Long An vẫn có hàng ngàn người dân tìm đường về quê ở các tỉnh miền Tây (Ảnh: FB Phạm Thế Hà). |
Trao đổi với phóng viên, anh Huỳnh Thạch (quê quán tỉnh Bạc Liêu) cho biết, từ giữa trưa anh đã nắm được thông tin TP Hồ Chí Minh “mở cửa” cho người dân được đi lại tự do (?) nên anh cùng gia đình quyết định về quê.
“Chúng tôi rời đi từ hơn 17 giờ chiều, nhưng đến đây thì bị chặn lại. Nhiều tháng qua gia đình tôi sống nhờ vào khoản cứu trợ, chịu hết nổi rồi. Ở quê thì cha già mẹ yếu, lại đang bệnh, ở lại TP trong lòng không an”- anh Thạch chia sẻ.
Theo anh Thạch cho biết, anh cũng như rất nhiều người dân đang hiện đang có mặt tại đây, đều là người lao động tự do, có cuộc sống bấp bênh ở TP, nên khi có tin TP “mở cửa” là tìm đường về quê sinh sống. “Hết dịch rồi tính, chứ hiện tại chúng tôi có quay về TP cũng không biết ở đâu. Tiền thì đã hết, nhà trọ cũng trả rồi…” – anh Thạch trần tình.
Hàng ngàn người đổ về quê khiến QL1A ùn tắc nghiêm trọng (Ảnh: FB Phạm Thế Hà). |
Người đàn ông tên Thực (quê tỉnh Sóc Trăng) cũng cho biết, dù đường về quê khá xa xôi, nhưng “Thà đi hết đêm còn hơn ở lại TP. Cả nhà tôi thất nghiệp đã mấy tháng nay rồi, giờ ráng về quê chứ ở lại TP không biết lấy gì sống…” – anh Thực nói.
Chứng kiến cảnh tượng hàng nghìn người ùn ứ trên đường khi đêm đã về khuya, nhiều người tỏ ra thương cảm.
“Hàng ngàn người dân hiểu sai chính sách. Nghe nói “nới lỏng” là trả nhà trọ về quê vì “chịu hết nổi”. Ra đến chốt liên tỉnh thì bị chặn không được qua. Tội thật sự. Rồi đêm nay, cả nhà vợ chồng con cái lại đói khát ngủ gầm cầu? Hay ở đây thi gan với cán bộ, làm khổ nhau đến sáng?” – anh P.T.H (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ.
Còn theo anh Đ.N.H (ngụ quận Bình Thạnh): “Người miền Tây tính tình phóng khoáng, họ không giỏi toan tính, tích luỹ, khi gặp tình huống bất ngờ, không trở tay kịp, bế tắc, chỉ còn đường về quê…”.