Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị phế thải vùi lấp ở phường Kiến Hưng

Đạt Lê – Hoa Vinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ruộng lúa, luống rau mơn mởn hay những bãi đất trống với diện tích hàng nghìn mét vuông bỗng chốc biến thành “bãi đáp” lý tưởng của các đối tượng đổ trộm phế thải xây dựng.

Thực trạng trên đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại địa phận phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Ngang nhiên san lấp “bờ xôi, ruộng mật”

Trong quá trình tìm hiểu về thực trạng xe chở vật liệu gây bụi bẩn “tra tấn” người dân, người đi đường tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Hà Đông như: Ngô Quyền, Lê Trọng Tấn, Tố Hữu, Quang Trung,… phóng viên đã lần theo dấu vết của những binh đoàn siêu trọng tải chở phế thải xây dựng mang đi đổ trộm.
 
 
Theo đó, những đoàn xe “hổ vồ” chở đất phế thải từ khắp các dự án, công trình xây dựng trong, liền kề quận Hà Đông, đa số đều được đổ về một mối, đó là khu vực Đìa Lão, Hàng Bè, khu đất tiếp giáp cầu Thanh Hà (phường Kiến Hưng).
Phế thải xây dựng vùi lấp những ruộng rau muống.
Phế thải xây dựng vùi lấp những ruộng rau muống.
Có mặt tại khu đô thị mới Kiến Hưng, một số người dân khu vực bức xúc phản ánh, tình trạng đổ phế thải tại đây diễn ra từ 2 – 3 năm qua, các công trình nhỏ lẻ đến công trình lớn đều đổ tràn ra ngay bãi đất trồng rau phía đối diện. Được biết, diện tích khu đất này trước đây là cánh đồng canh tác nông nghiệp của người dân phường Kiến Hưng, qua thời gian đã để hoang hóa. Gần đây, người dân đã chuyển sang trồng rau muống, hoa màu,… Thế nhưng, do những đối tượng đã chở phế thải xây dựng, rác thải đổ tràn lan trên các thửa ruộng. Những đống rác thải sau nhiều ngày lưu cữu chất thành từng đống to, nhỏ. Hàng ngày, mùi hôi thối bốc lên từ các bãi rác làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân…

Khi chứng kiến cảnh những ruộng rau muống đang mơn mởn bị phế thải đổ trùm lên khiến nhiều người dân phải thốt lên chua xót. “Cơ man nào là gạch, đất, vôi vữa, rác thải… đều đổ tràn xuống những ruộng rau muống của một số hộ dân đang canh tác. Lượng phế thải lớn thì một số đối tượng đổ trộm vào ban đêm, khi vắng người là chúng chở đến, trút ben rồi bỏ chạy. Dân chúng tôi đã báo chính quyền, công an nhưng không thấy xử lý?”. – Bà Nguyễn L. T (người dân khu vực) bất bình.
Cánh đồng lúa của người dân đang bị phế thải "bức tử".
Cánh đồng lúa của người dân đang bị phế thải "bức tử".
Lần theo con đường đất từ khu đô thị Kiến Hưng sang khu ruộng sát đường tàu, chứng kiến cảnh tượng cả nghìn mét vuông đất nông nghiệp đang bị san lấp chúng tôi cảm thấy xót xa thay cho người nông dân(!). Đập ngay vào trước vào mắt là những bãi phế thải như chiếc lưỡi khổng lồ đáng liếm nát những vạt lúa non xanh. Có những mảng lúa đang chết dần chết mòn vì phế thải… Thấy chúng tôi ghi hình, một người phụ nữ (xin được giấu tên) đang thăm lúa chạy lại chia sẻ bức xúc: “Diện tích ruộng, bờ bãi rộng cả nghìn mét vuông bị phế thải, bê tông thừa (hỏng) vùi lấp rồi. Nguồn nước cho lúa thì ô nhiễm, vừa thum thủm lại xen lẫn mùi nồng của xi măng. Cứ cái đà này chẳng mấy chốc khu ruộng màu mỡ của dân ở đây bị san hết. Họ san lấp có tổ chức, bài bản cả đấy nhưng gần đây dân không dám kêu…”. Khi về người phụ nữ cũng cố dặn chúng tôi đừng đưa thông tin tên tuổi, địa chỉ của chị vì lo ruộng lúa nhà mình bị… phế thải vùi.

Nhức nhối!

Quá trình tìm hiểu của phóng viên được biết, những phản ánh và sự lo sợ của người dân trước tình trạng san lấp đổ trộm phế thải là hoàn toàn có cơ sở. Bởi tình trạng này diễn ra từ 2014 đến nay. Và đặc biệt, trong thời gian từ đầu năm 2016 nạn san lấp càng diễn ra ngang nhiên. Trước vấn nạn này, người dân đã nhiều lần có ý kiến đến các cấp chính quyền địa phương nhưng thực trạng vẫn tiếp diễn, không có gì chuyển biến(?).
Người dân bức xúc vì vấn nạn đổ trộm phế thải diễn ra ngang nhiên. Người dân bức xúc vì vấn nạn đổ trộm phế thải diễn ra ngang nhiên.
Người dân bức xúc vì vấn nạn đổ trộm phế thải diễn ra ngang nhiên. Người dân bức xúc vì vấn nạn đổ trộm phế thải diễn ra ngang nhiên.
Quan sát thực tế, tại khu đất ruộng sát đường tàu cho thấy, ngoài những đống phế thải đổ ven đường tàu thì cả một khu đất rộng đến nghìn mét vuông có những chỗ đã được san khá bằng phẳng. Những vết xe ủi, san lấp phế thải hướng ra cánh đồng lúa vẫn hằn rõ. Một số đối tượng còn xẻ rãnh tạo lối thoát nước cho bãi đất vừa được san. Người dân địa phương tiết lộ, những năm trước, việc đổ trộm phế thải là tự phát, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây vấn nạn này trở nên có tổ chức và rất bài bản, xuất hiện các đối tượng “hoa tiêu” cho những tài xế chở phế thải. Đêm đến chúng lượn quanh khu vực dẫn đường cho xe vào đổ và thu “phế”. Thậm chí phân chia địa phận để thu tiền, khi lượng phế thải nhiều, chúng cho máy ủi vào san lấp tạo mặt bằng. Các đối tượng “xã hội” bảo kê nên người dân trồng lúa đành “ngậm bồ hòn” không dám ra mặt lên tiếng về vấn đề này.

Trước vấn nạn đổ trộm phế thải làm ô nhiễm môi trường, san lấp ruộng, lúa của người dân tại địa phương, ông Nguyễn Duy Uyển – Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng thừa nhận về tình trạng trên. Theo ông Uyển, thời gian qua người dân cũng đã có ý kiến phản ánh, UBND phường đã nắm bắt được vấn đề này. Khi phóng viên đề cập đến tình trạng đổ phế thải, san lấp tràn lan tại khu vực ruộng lúa sát đường tàu, ông Uyển cho biết, khu vực đó là đất công ích 5% của UBND phường. Diện tích đất nông nghiệp này giao cho một số hộ dân canh tác lúa. Thời gian qua có hiện tượng đổ trộm phế thải, UBND phường đã họp và thành lập tổ công tác và chỉ đạo công an phường kết hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Công an phường đã bắt được 4 - 5 trường hợp, lập biên bản và xử phạt…

 Đối với tình trạng nêu trên, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, công tác xử lý vi phạm cũng đang bị… bỏ ngỏ nên dẫn đến tình trạng đổ trộm phế thải, san lấp đất nông nghiệp diễn ra tràn lan (?).

Công tác quản lý đất nông nghiệp của các cấp chính quyền quận Hà Đông ra sao? Để xảy ra tình trạng trên, việc xử lý như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm?

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, phóng viên còn phát hiện nhiều khu vực trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải, san lấp lấn chiếm đất nông nghiệp.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này.

Một số hình ảnh phóng viên ghi lại về tình trạng san lấp phế thải xây dựng trên địa bàn phường Kiến Hưng:
Các đối tượng san đường vào bãi đổ phế thải.
Các đối tượng san đường vào bãi đổ phế thải.
Hàng nghìn khối đất đá, rác thải, bê tông đổ tràn lan ra khu đất ruộng.
Hàng nghìn khối đất đá, rác thải, bê tông đổ tràn lan ra khu đất ruộng.
Diện tích lúa bị vùi lấp, chết dần chết mòn vì phế thải.
Diện tích lúa bị vùi lấp, chết dần chết mòn vì phế thải.

 
San lấp có hệ thống và rất bài bản.
Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị phế thải vùi lấp ở phường Kiến Hưng - Ảnh 1

San lấp cả nghìn mét vuông đất nông nghiệp có hệ thống và rất bài bản.
Ao hồ cũng đang bị phế thải bức tử.
Ao hồ cũng đang bị phế thải bức tử.
Hệ lụy hiện hữu của tốc độ đô thị hóa và việc buông lỏng quản lý đất nông nghiệp?
Hệ lụy hiện hữu của tốc độ đô thị hóa và việc buông lỏng quản lý đất nông nghiệp?