Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng tồn kho bất động sản TP Hồ Chí Minh: Bộ Xây dựng nói còn rất ít, HoREA bảo còn rất nhiều

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi Bộ Xây dựng cho rằng số lượng hàng tồn kho bất động sản đã giảm mạnh, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) lại nhận định tình hình thực tế lượng hàng tồn kho còn rất lớn, cần phải đặc biệt quan tâm giải quyết.

Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/12/2018, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%).
Trong khi đó, ngày 10/6 theo HoREA cho biết, cuối năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng thì Sở Xây dựng và HoREA đã khảo sát 45 dự án trong tổng số 1.207 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố. Và chỉ có số liệu thống kê của 36 dự án, nên số liệu tổng hợp của thành phố và của Bộ Xây dựng chưa phản ánh đầy đủ số lượng hàng tồn kho bất động sản tại thời điểm khảo sát năm 2012.
 Thực tế lượng hàng tồn kho bất động sản còn rất lớn, cần phải được quan tâm giải quyết.
Nhờ có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước, nên thị trường bất động sản đã phục hồi và tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013 và đến nay đã giải quyết được lượng hàng tồn kho cũ như Bộ Xây dựng đã báo cáo trên đây.
HoREA cho rằng số liệu chưa được cập nhật, bổ sung, là dữ liệu cũ từ năm 2013. Theo đó, thống kê năm 2018 từ 65 doanh nghiệp niêm yết cho thấy giá trị tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với số liệu từ Bộ Xây dựng đưa ra.
Đến cuối quý I/2019, tính riêng giá trị hàng tồn kho của 20 “đại gia” bất động sản đã là 174.711 tỉ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Cơ cấu hàng tồn kho này bao gồm: Hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông; hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đánh giá nhận định của Bộ Xây dựng có thể dẫn đến ngộ nhận là lượng hàng tồn kho bất động sản hiện nay còn rất ít, không đáng quan ngại, trong lúc tình hình thực tế còn rất lớn, cần đặc biệt quan tâm giải quyết, để đảm bảo thanh khoản và sự phát triển ổn định, lành mạnh của doanh nghiệp và thị trường.
Từ đó, HoREA đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm xử lý hàng tồn kho đi đôi với xử lý các khoản nợ xấu trong đó, doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường nhà có giá vừa túi tiền; tính toán giảm giá bán, thậm chí chấp nhận cả giải pháp bán lỗ để cắt lỗ để sớm xử lý hàng tồn kho.