Hàng trăm cổ phiếu tăng trần, tìm mã "thần tài" năm 2022

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khai xuân Nhâm Dần có lúc tăng hơn 25 điểm, hàng trăm mã tăng trần. Và chọn ba chữ cái nào để đầu tư rước Thần tài vào nhà là câu chuyện đầu Xuân đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phiên giao dịch đầu năm mới 7/2 diễn ra tích cực với sắc xanh ngập tràn ngay từ những phút mở cửa. Đà tăng lan tỏa ra nhiều nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản, thép, hàng không… giúp thị trường giao dịch khá sôi động. VN-Index có thời điểm đã tăng tới 26 điểm để vượt qua ngưỡng 1.500 điểm.

Kết phiên, VN-Index vẫn đi lên với mức tăng 18,7 điểm (1,26%), đạt 1.497,66 điểm. Toàn sàn có 382 mã tăng, 91 mã giảm và 32 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,6 điểm (0,62%) lên 419,33 điểm. Toàn sàn có 197 mã tăng, 48 mã giảm và 28 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (0,93%) lên 110,75 điểm.

Khối ngoại mua ròng hơn 300 tỷ đồng ở sàn HOSE, trong đó, tập trung gom các mã như VHM, KBC, SSI... Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh với 300 tỷ đồng.

Động lực tăng điểm đến từ toàn thị thường ở nhiều nhóm ngành quan trọng như bất động sản, thép, hàng không, chứng khoán, phân bón... từ nhóm vốn hóa lớn đến các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cả đầu cơ.

Nhóm vốn hóa lớn nhất VN30 ghi nhận mức tăng hơn 9 điểm (0,59%) khi có 23/30 mã tăng giá, nổi bật là VJC tăng trần. Rổ này có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số với các mã dẫn đầu như VCB, GAS và VHM.

Ở chiều ngược lại, VIC của Vingroup bất ngờ giảm sâu đến 6% dù đã có thời điểm lấy được sắc xanh. Đây là mã có tác động tiêu cực nhất khi làm mất gần 5,8 điểm lên chỉ số.

Ở các nhóm khác, nổi bật nhất là cổ phiếu ngành hàng không như HVN, VJC, AST, VTD kết phiên trong sắc tím, mã ACV tăng 7,2%, SAS tăng 7,9% hay NCT tăng 4%... khi lượng khách nội địa bắt đầu tăng cao cùng kỳ vọng sớm mở cửa du lịch quốc tế.

Nhóm cổ phiếu bất động cũng giao dịch tích cực trở lại khi sắc xanh chiếm chủ đạo, thậm chí nhiều mã kết phiên tăng hết biên độ như QCG, SCR, LDG, PVL, VPH, HAR...

Năm 2022, theo các chuyên gia phân tích, TTCK vẫn được dự báo tiếp tục lạc quan.  Nguyên nhân được là từ việc người dân, nền kinh tế đã “rèn” được khả năng “sống chung với Covid-19”, Chính phủ sẽ tiếp tục có các gói kích cầu hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, tỷ lệ bao phủ vaccine tốt hơn.

Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, VN-Index được dự báo dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm. “Mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020 - 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới”- chuyên gia VDSC cho hay.

Và đầu tư gì trong năm mới tiếp tục là câu chuyện được quan tâm. Dựa trên 2 tiêu chí chính là ngành còn dư địa tăng trưởng (hưởng lợi từ vĩ mô, chu kỳ ngành phục hồi…) và định giá ngành còn đủ hấp dẫn, CEO Công ty Take Profit Phan Linh khuyến nghị các nhóm ngành có thể đầu tư năm 2022 gồm: DN xây dựng xây lắp hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công; DN bất động sản thương mại, DN bất động sản khu công nghiệp; dầu khí; bảo hiểm.

Còn Công ty chứng khoán Agriseco Research chỉ điểm 5 chủ đề đầu tư trong năm mới Nhâm Dần. Đó là việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng qua đó thúc đẩy tăng trưởng nhóm xây dựng; thép và vật liệu xây dựng; bất động sản. Thứ hai, triển vọng phục hồi sau đại dịch COVID được kỳ vọng tạo ra dư địa cho các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, cảng biển tăng trưởng.

Thứ ba, ngành ngân hàng được xem là một điểm sáng của năm 2022 với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tích cực, NIM có thể đi ngang, thu nhập dịch vụ tăng trong khi nợ xấu được kiểm soát, kèm theo là câu chuyện tăng vốn.

Thứ tư chính là động lực từ IPO, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước liên quan. Thứ năm, nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định và định giá hấp dẫn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành điện khi kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm tới trên mức nền thấp của 2021 và theo đà hồi phục của nền kinh tế.

Theo Chủ tịch UBCK Nhà nước Trần Văn Dũng, đến nay, TTCK đã tích lũy được thành quả về cả "lượng và chất", tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài. Do đó, với những yếu tố khách quan hỗ trợ và bản thân nội lực, TTCK trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực. “Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch; đồng thời, chúng tôi cũng rất mong các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro"- ông Dũng cho biết.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần