Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa có tổng hợp kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo, tổng hợp kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 là 274 kiến nghị, trong đó: 67 câu kiến nghị chung đối với UBND TP, 180 câu kiến nghị riêng của từng quận, huyện, thị xã; 18 câu kiến nghị phản hồi trả lời của UBND TP, 9 câu kiến nghị với cấp T.Ư.
Đáng chú ý, các kiến nghị của cử tri trên địa bàn TP chủ yếu tập trung vào các vấn đề đang nhận được nhiều quan tâm như kinh tế, quy hoạch (QH) - trật tự xây dựng - giao thông đô thị, quản lý đất đai - cấp giấy chứng nhận - GPMB - ô nhiễm môi trường, cơ chế chính sách liên quan đến con người…
Người dân nông thôn mong được tiếp tục hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Trong những kiến nghị của cử tri gửi tới UBND TP, nổi bật có nhiều ý kiến của người dân địa bàn các huyện như Ứng Hòa, Chương Mỹ đề nghị UBND TP xem xét, ban hành quyết định về đầu tư xây dựng nông thôn mới, có chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, thay thế Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP về “Ban hành quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016”. Cử tri huyện Thanh Oai cũng đề nghị UBND TP tạo điều kiện về hỗ trợ vay vốn, cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, hỗ trợ nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả SXKD.
Trong khi đó, cử tri huyện Thường Tín phản ánh, liên quan chủ trương của TP trong việc mua sắm tập trung tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động các cơ quan hành chính, ĐVSN nhà nước trên địa bàn TP từ năm 2016 đến nay có rất nhiều bất cập, khi cần thay thế thiết bị hay mua mới tài sản phải chờ có đợt, mất thời gian, hiệu quả công việc không kịp thời. Do đó, đề nghị UBND TP quyết định cho UBND các quận, huyện chủ động thực hiện trực tiếp nhiệm vụ này.
Ngoài ra, cử tri nông thôn cũng kiến nghị, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, UBND TP cần kiểm tra, nắm bắt tình hình để quan tâm chỉ đạo đảm bảo ổn định tình hình giá cả các mặt hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân.
Vẫn nóng vấn đề quy hoạch - đô thị
Liên quan vấn đề QH - đô thị, nhiều cử tri các quận bày tỏ mong muốn TP đẩy nhanh tiến độ QH phân khu đô thị 2 bên sông Hồng. Trong đó, cử tri quận Tây Hồ đề nghị UBND TP có cơ chế quản lý tạm thời (trong khi chờ QH chi tiết) để thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của địa phương. Cử tri quận Hai Bà Trưng đề nghị UBND TP cho biết thông tin về QH, tiến độ triển khai và lợi ích của QH phân khu đô thị Sông Hồng liên quan địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, trong đó có phường Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy. Cử tri quận Hoàn Kiếm lại đề nghị UBND TP sớm ban hành QH chi tiết các phường ngoài đê để kịp thời gỡ vướng trong quá trình quản lý xây dựng phát triển đô thị.
Trong khi, cử tri quận Nam Từ Liêm đề nghị TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, triển khai hạ ngầm các đường điện trung thế để đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người dân; công bố thời gian đưa vào hoạt động tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Cử tri quận Hà Đông đề nghị TP xem xét đánh giá hiệu quả dự án tuyến buýt nhanh (BRT) Yên Nghĩa-Kim Mã, giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và môi trường của dự án.
Trong lĩnh vực QH - đô thị, cử tri một số huyện, thị xã cũng phản ánh, đường tránh Quốc lộ 32 đoạn từ Viện Quân y 105 đi cầu Vĩnh Thịnh bị QH treo rất lâu chưa được đầu tư gây, nên TP cần sớm đầu tư mở rộng theo QH, trong thời gian chờ đầu tư mở rộng cần cho đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho Nhân dân. KCN hỗ trợ Nam Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, khởi công từ năm 2012 đến nay chưa đưa vào khai thác; toàn bộ diện tích đất nông nghiệp xã Đại Xuyên được QH dự án, nên Nhân dân không dồn được thửa nhất là không dám đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, bỏ ruộng không cấy với diện tích lớn rải rác trên 6 thôn. Đề nghị TP có giải pháp phát triển hoặc dừng dự án để Nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhiều kiến nghị liên quan giá đền bù GPMB đất nông nghiệp
Liên quan vấn đề quản lý đất đai, GPMB có nhiều kiến nghị của cử tri các huyện. Trong đó đáng chú ý, cử tri huyện Thanh Trì cho rằng, hiện giá đền bù GPMB đất nông nghiệp rất thấp (153.000-162.000đ/m2), ảnh hưởng tiến độ GPMB, khiếu nại kéo dài. Do đó, đề nghị UBND TP xem xét nâng mức kinh phí hỗ trợ, bồi thường, đền bù GPMB đối với đất nông nghiệp, đất ao, vườn liền kề để đảm bảo quyền lợi người dân bị thu hồi đất.
Cử tri huyện Phúc Thọ thì phản ánh, năm 2008 thực hiện Quyết định 1098/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây về thu hồi đất làm đường khai thác cát của Công ty Nam Cường, trong quá trình thực hiện với các hộ có diện tích thu hồi được hưởng đất dịch vụ 10% theo quyết định, còn diện tích thu hồi chọn thửa không được hưởng đất dịch vụ 10%. Nên UBND TP cần chỉ đạo Sở TN&MT xem xét giải quyết.
Bên cạnh đó, cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị TP chỉ đạo Sở TN&MT hướng dẫn người dân việc thực hiện đăng ký biến động với những trường hợp GCN quyền sử dụng đất ở được cấp vượt hạn mức đất ở để đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân lý do là hiện nay đang bị tạm dừng. Cử tri huyện Đan Phượng đề nghị TP xem xét, điều chỉnh, bổ sung kinh phí GPMB đất phải thu để làm đường hoặc các công trình phúc lợi để Nhân dân đồng thuận, nhất trí thì việc thực hiện các dự án mới đạt kết cao. Theo cử tri, hiện mức chi bồi thường GPMB gần đạt 1,7 triệu đồng/m2 đất thổ cư là quá thấp so với giá mặt bằng chung của xã hội.
Trong công tác quản lý môi trường, đáng chú ý cử tri một số quận huyện tiếp tục đề nghị TP xem xét, sớm có kế hoạch cải tạo sông Tô Lịch vì hiện quá ô nhiễm môi trường (học tập mô hình sông Thị Nghè ở TP Hồ Chí Minh)…
Tiếp tục quan tâm chế độ cho cán bộ cơ sở
Trong các nhóm kiến nghị cử tri gửi tới UBND TP, đáng chú ý còn có nhiều kiến nghị liên quan cơ chế chính sách cho cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Cử tri các quận Thanh Xuân, Đống Đa cho rằng, quy định cán bộ chủ chốt lãnh đạo Hội đoàn thể các cấp phải đảm bảo điều kiện có độ tuổi QH lần đầu không quá 65 là rất khó thực hiện trong công tác cán bộ của các Hội vì không có lực lượng trẻ kế cận để lãnh đạo. Do đó, đề nghị TP nghiên cứu, xem xét có quy định mở trong công tác nhân sự các chức danh chủ chốt của các Hội để đảm bảo đáp ứng tình hình thực tế, tạo điều kiện cho các Hội hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, cử tri nhiều quận, huyện tiếp tục đề nghị TP quan tâm nâng mức phụ cấp đến đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, chi hội trưởng ở thôn, quan tâm có phụ cấp cho ban Thanh tra nhân dân; cán bộ thôn, tổ dân phố chưa được công bằng giữa các thôn, tổ dân phố ít hộ dân với thôn, tổ dân phổ nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn... Thực hiện tinh giản biên chế và nâng cao kiêm nhiệm, song về chính sách chế độ đối với cán bộ, cán bộ không chuyên trách đang kiêm nhiệm được hưởng 50% mức phụ cấp như hiện nay là rất bất cập, nên đề nghị TP xem xét điều chỉnh chính sách chế độ đối với cán bộ không chuyên trách giữ chức danh kiêm nhiệm lên 70-100% để khuyến khích cán bộ.
Ngoài ra, cử tri nhiều quận đề nghị TP xem xét chính sách đãi ngộ, điều chỉnh tăng thêm phụ cấp và mức bồi dưỡng hằng tháng đối với tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, cán bộ cơ sở tổ dân phố; bổ sung quy định về mức bồi dưỡng hằng tháng đối với phó các Chi hội CCB và Phụ nữ ở tổ dân phố…