Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng trăm nghìn người không đủ điều kiện hành nghề môi giới bất động sản

Bài và Ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số gần 400.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản (BĐS) thì có chưa đầy 10% là có chứng chỉ, đủ điều kiện hành nghề.

Cấp thiết hòa thiện điều kiện hành nghề
Ngày 27/6, tại Hà Nội, Hội môi giới BĐS Việt Nam đã phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, tổ chức Hội thảo “Vai trò của hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã bàn luận về những khó khăn của công tác hành nghề môi giới BĐS, những tác động của dịch Covid-19 đối với những người làm nghề môi giới, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện nghề môi giới BĐS trong thời gian tới.
Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, TS Trần Hữu Hà cho biết, thống kê hiện nay có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động môi giới BĐS tại Việt Nam, tuy nhiên con số thực tế có khoảng 400.000 người. Trong 3 năm trở lại đây, mức độ tăng trưởng của môi giới BĐS trên thị trường đạt bình quân 15%/năm, đi liền với đó là yêu cầu cấp thiết cần hoàn thiện hoạt động hành nghề.
Quang cảnh hội thảo.
“Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 30.000 - 35.000 người đủ điều kiện cấp chứng chỉ, có nghĩa là chỉ chiếm khoảng 10% số lượng hành nghề thực tế” - ông Trần Hữu Hà cho hay.
Từ việc chưa được đào tạo bài bản, nên đội ngũ hành nghề môi giới yếu về chuyên môn, xem nhẹ đạo đức, các quy định quản lý. Một lượng lớn sản phẩm BĐS được chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sự sai lệch thông tin, giá cả hoặc thông tin về pháp lý, quy hoạch không đạt độ tin cậy… Trong khi đó, hiện nay pháp luật không yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ để hành nghề môi giới BĐS.
“Tính chuyên nghiệp của môi giới BĐS sẽ nâng tầm và vai trò của nghề môi giới, có như vậy, nghề môi giới mới thực sự trở thành nghề có chuyên môn cao và tính chuyên nghiệp trong phát triển, hội nhập. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, bài bản cho nhà môi giới BĐS là cần thiết” - ông Trần Hữu Hà cho biết thêm.
Đề xuất giao dịch bắt buộc phải qua sàn giao dịch
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Nguyễn Văn Đính cho biết, hiện nay, sản phẩm BĐS trên thị trường được chia làm 2 loại: Sản phẩm đã hình thành và có sổ đỏ; sản phẩm chưa hình thành và chưa có sổ đỏ. Đối với sản phẩm chưa hình thành khi giao dịch sẽ có mức độ rủi ro cao.
“Vì vậy, chúng tôi đề xuất trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước bổ sung vấn đề yêu cầu bắt buộc các sản phẩm BĐS khi giao dịch sẽ phải qua các sàn BĐS vào luật. Các sàn giao dịch sẽ chịu trách nhiệm như phòng công chứng hiện nay, đồng thời sẽ công khai được các thông tin, tránh xảy ra những tiêu cực trong quá trình giao dịch” - ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Người hành nghề môi giới BĐS cần được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, TS Lưu Đức Minh cho biết, với một thị trường còn thiếu thông tin thì vai trò của môi giới BĐS rất quan trọng. Để hoàn thiện dịch vụ môi giới BĐS và nâng tầm của nghề để bắt kịp với xu thế quốc tế cần phải có những giải pháp.
“Theo tôi quan trọng nhất là phải nhanh chóng hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật cho hoạt động môi giới BĐS. Cùng với đó các cơ quan Nhà nước cần phải tăng cường kiểm soát các hoạt động của các trung tâm môi giới hiện nay; thực hiện công khai thông tin quy hoạch, thành lập các trung tâm môi giới BĐS và đẩy mạnh hơn nữa hệ thống hạ tầng cho đào tạo môi giới BĐS trong thời gian tới” - ông Lưu Đức Minh nói.