Hàng Việt yếu cạnh tranh vì thiếu quy chuẩn, liên kết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dù đã tạo được sự quan tâm của người tiêu dùng (NTD) với hàng nội, tuy nhiên, một số DN vẫn chưa thực sự đầu tư thương hiệu Việt cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, sản xuất của các DN trong nước còn manh mún là nguyên nhân khiến hàng Việt vẫn chưa tạo được thế cạnh tranh thực sự với hàng ngoại.

Có thể cổ vũ… nhầm!

Tại Hội nghị tập huấn Tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Huỳnh Đắc Thắng cho biết: Hiện, bộ quy chuẩn Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng là máy móc, thiết bị sản xuất..., trong khi nhiều mặt hàng vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn để làm căn cứ xác định đâu là hàng Việt. "Chúng ta phải đặt quyền lợi NTD là trên hết, đã làm 6 - 7 năm rồi nhưng định nghĩa chuẩn về hàng Việt Nam vẫn chưa có" - ông Thắng nêu vấn đề.
Người tiêu dùng chọn mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. 	Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng chọn mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế cho thấy, mặc dù NTD rất ủng hộ cuộc vận động nhưng đều có chung nỗi băn khoăn, thế nào là hàng Việt Nam khi DN nước ngoài đưa sản phẩm vào Việt Nam gia công và có những chiến lược xây dựng thương hiệu Việt Nam thì có được coi là hàng Việt không? Chẳng hạn, Công ty Samsung (Hàn Quốc) đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, điện thoại Samsung mặc dù ghi rõ "Made in Việt Nam" nhưng NTD đều hiểu đây là sản phẩm Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam chứ không phải hàng Việt Nam 100%. Chính vì thế nếu không có những tiêu chuẩn cụ thể để phân biệt được rõ đâu là hàng Việt, hàng ngoại sản xuất tại Việt Nam thì có thể sẽ dẫn tới việc… cổ vũ nhầm!

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra một thách thức khi đề cập đến chất lượng cũng như mẫu mã của một số sản phẩm được sản xuất trong nước hiện nay. Ông Hải dẫn chứng về 2 sản phẩm trà nhúng (một sản xuất trong nước và một sản xuất ở nước ngoài) được hàng không Việt Nam sử dụng dù chất lượng hàng Việt không thua kém nhưng mẫu mã bao bì không hấp dẫn bằng hàng ngoại. Từ thực tế trên, ông Hải đặt câu hỏi, liệu các DN Việt Nam có chấp nhận đầu tư nâng cao chất lượng mẫu mã bao bì cho sản phẩm của mình hay không, nếu không đầu tư mẫu mã, bao bì thì khó có thể kêu gọi người Việt chấp nhận sử dụng hàng Việt.

Mất thị phần vì sản xuất manh mún

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tại các siêu thị như BigC, Coop.Mart, Metro..., tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 80% cơ cấu hàng hóa. Tuy đang chiếm tỷ lệ cao, nhưng nếu không có sự kết nối từ sản xuất đến phân phối, lưu thông tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín thì sản phẩm nông, lâm, thủy sản sẽ khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập khi mở cửa thị trường cho các DN nước ngoài.

Mặc dù hàng Việt đã dần chiếm lĩnh thị trường nhưng thực tế cho thấy, việc đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị vẫn chỉ là nỗ lực đơn lẻ từ chính bản thân DN. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: Theo quy định, hàng hóa đặc biệt là hàng nông, thủy sản muốn vào siêu thị tiêu thụ phải đáp ứng một loạt tiêu chí, từ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu rồi chứng nhận ATTP..., nhưng với bà con nông dân thì đây là vấn đề rất khó khăn bởi sản xuất manh mún, sản phẩm có chất lượng không đồng đều. Còn theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Tại mỗi vùng miền đều có những loại đặc sản ngon, giá trị cao, nhưng nhiều DN chưa biết cách xây dựng, quảng bá thương hiệu nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, với việc mở cửa thị trường bán lẻ, các sản phẩm nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam, nên muốn giữ thị phần đòi hỏi DN phải tập trung hơn cho việc xây dựng thương hiệu.

Tại Liên hoan đặc sản vùng miền do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, NTD có chung nhận xét: Mặc dù DN đã phần nào chú trọng đến mẫu mã, bao bì nhưng lại không để tâm đến việc cung cấp thông tin sản phẩm tới NTD. Thậm chí, một số DN mặc định NTD nếu mua sản phẩm thì phải biết cách sử dụng, nhưng với đặc sản vùng miền, người ở địa phương khác sẽ khó biết cách sử dụng sao cho phù hợp. Thực tế cho thấy một số sản phẩm nông sản chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VIETGAP, nên về cảm quan có thể là hàng ngon, hàng đẹp nhưng lại không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị muốn nhận tiêu thụ lại không thể ký kết được.

Để hàng Việt có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Nhà nước phải tổ chức các vùng sản xuất theo quy trình và cấp chứng chỉ để từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, chính bản thân DN cần đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đó hướng dẫn người sản xuất quy cách đóng gói bao bì, xuất xứ hàng hóa, đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.