Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành động nhỏ ý nghĩa lớn

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh con số này dao động từ 7.000 – 9.000 tấn.

 Đặc biệt, theo thống kê của Bộ TN&MT, với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số… dự báo đến năm 2025, lượng rác thải phát sinh sẽ tăng từ 10 - 16%/năm.

Đoàn Thanh niên báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), UBND phường Láng Hạ, Công ty TNHH XNK cà phê Minh Tiến tổ chức chương trình “Đổi rác tái chế lấy quà tặng” tháng 3/2021
Đoàn Thanh niên báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), UBND phường Láng Hạ, Công ty TNHH XNK cà phê Minh Tiến tổ chức chương trình “Đổi rác tái chế lấy quà tặng” tháng 3/2021

Và trong hoàn cảnh các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp theo phương thức truyền thống, lạc hậu ngày càng quá tải và phát sinh nhiều hệ lụy đối với môi trường thì việc thay đổi phương thức xử lý rác thải là hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Song, trong hoàn cảnh Việt Nam vẫn là nước có tốc độ phát triển kinh tế ở mức trung bình so với thế giới, việc lựa chọn phương án nào để xử lý rác thải cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Trước thực trạng trên, hàng loạt các biện pháp như đốt rác phát điện, chế biến rác thành phân bón… đã được đưa lên bàn cân, bàn bạc, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ở bất cứ phương án nào vấn đề phân loại rác luôn là nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện. Thậm chí, nhiều chuyên gia khẳng định, chỉ khi nào công tác phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện nghiêm túc, bài bản thì chúng ta mới có thể nghĩ đến việc lựa chọn phương án xử lý rác thải để thay thế cho các phương án truyền thống hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua ở Việt Nam rác thải sinh hoạt lẫn lộn rất nhiều thành phần, từ rau, củ quả, bàn ghế cũ, xốp, đệm mút, độ ẩm cao… nếu không được phân loại cẩn thận mà cứ đưa vào lò đốt thì lượng khí thải phát sinh sẽ trở thành chất độc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Từ thực tế trên, giới chuyên môn khẳng định, nếu như ví việc Việt Nam đang đẩy mạnh các biện pháp xử lý rác thải nhằm thay thế cho biện pháp truyền thống – chôn lấp, đã lạc hậu là việc xây một ngôi nhà, thì việc phân loại rác tại nguồn có thể ví như là làm móng. Và chỉ khi có một nền móng vững chắc, ngôi nhà mới có thể bền vững, đủ sức chống chọi được với mưa gió, đảm bảo sức khỏe của người dân.

Được biết, hiện nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội, công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn đã và đang được thực hiện thí điểm ở một số quận trên địa bàn. Song, thực tế cho thấy hiệu quả của chương trình còn khá thấp. Tại một số nơi, người dân không phân loại cũng không có chế tài nhắc nhở, không bị xử phạt. Thậm chí, có nơi người dân phân loại xong, nhân viên thu gom rác thải lại để lẫn các loại rác thải vào với nhau rồi chở đi xử lý.

Do đó, để đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn, các cơ quan chức năng bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng ý thức người dân cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với cá nhân, hộ gia đình, đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý để tạo sức răn đe. Đồng thời, có hình thức biểu dương, khen thương đối với các cá nhân, tổ chức… thực hiện tốt các quy định đề ra.