Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, vai trò của các DN trong công tác bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở việc đóng góp tài chính mà còn là những hành động cụ thể và bền vững. Việc thúc đẩy vai trò của DN trong bảo vệ môi trường là cần thiết và đòi hỏi một loạt các chính sách, yếu tố hỗ trợ từ cả phía DN và chính phủ.
Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi những sản phẩm xanh
Với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, DN có thể triển khai các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước thải, và quản lý chất thải hiệu quả. Các DN không chỉ liên tục đổi mới công nghệ mà còn quan tâm nâng cao nhận thức của nhân viên và cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, góp phần chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn, nhiều DN đã tổ chức các buổi đào tạo và hội thảo về quản lý môi trường, khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây, dọn rác tại các khu vực công cộng. Ở Việt Nam có thể kể tới Ngân hàng ACB – với hành trình tiên phong thực hiện phát triển bền vững theo tiêu chí ESG (Enviromental - Môi trường; Social - Xã hội; Gorvernance - Quản trị). ACB đã triển khai các chương trình giáo dục môi trường cho nhân viên và khách hàng của mình, đồng thời tài trợ cho các dự án cộng đồng nhằm cải thiện điều kiện sống và bảo vệ môi trường tại các khu vực khó khăn.
Bằng việc hướng tới kinh tế xanh, DN không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài. Những mô hình kinh doanh bền vững như sản xuất sản phẩm hữu cơ, tái chế và tái sử dụng tài nguyên không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn mang lại lợi nhuận và tạo ra một thị trường tiêu dùng mới.
Các DN trong ngành thời trang, như Patagonia, đã tiên phong trong việc sử dụng nguyên liệu tái chế và bền vững, đồng thời khuyến khích khách hàng tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm thay vì mua mới. Nhiều DN lớn đã tham gia vào các cam kết quốc tế về giảm thiểu khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường.
Họ đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện các tiêu chuẩn môi trường cao, tạo ra áp lực tích cực cho các DN khác và chính phủ phải theo đuổi các mục tiêu môi trường nghiêm ngặt hơn. Các tập đoàn đa quốc gia như IKEA và H&M đã cam kết giảm thiểu khí thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, đồng thời đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và phát triển các sản phẩm bền vững.
Tại Việt Nam, các DN lớn như Vinamilk, Toyota Việt Nam, Unilever Việt Nam… đã và đang thực hiện nhiều hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường.
Cụ̣ thể, nhắc đến DN đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, cái tên đầu tiên được nhắc đến là Vinfast (thuộc Tập đoàn Vin Group) với các sản phẩm ô tô điện. Vinamilk đã triển khai chương trình trồng cây trung hòa carbon, góp phần vào mục tiêu Net Zero. Nestlé MILO cũng đã tham gia chương trình "SEA Games 31 nói không với rác thải nhựa" nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tập đoàn Hòa Phát đã thực hiện các biện pháp quản lý và xử lý chất thải tại các nhà máy, bảo đảm các quy chuẩn về môi trường. Trung Nguyên đã phát triển các phương pháp canh tác bền vững trong ngành cà phê, tiết kiệm nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Cần thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp
Rõ ràng, những đóng góp của DN trong công tác bảo vệ môi trường là không hề nhỏ. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của DN trong công tác bảo vệ môi trường, theo các chuyên gia môi trường cần có những yếu tố, chính sách hoặc yêu cầu cụ thể từ cả phía DN và chính phủ.
Về khung pháp lý và chính sách hỗ trợ, chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020. Bộ luật trên đã đưa ra nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò của DN trong công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên để phát huy hiệu quả hỗ trợ và lan tỏa tinh thần, hành động bảo vệ môi trường trong cộng đồng DN, chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào công nghệ xanh, sản xuất sạch và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Các chính sách như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Bên cạnh khung pháp lý và chính sách hỗ trợ DN, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội.
Các DN cần nhận thức rõ việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để nâng cao uy tín, hình ảnh và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các chương trình đào tạo, hội thảo và chiến dịch truyền thông cần được tổ chức thường xuyên để tăng cường nhận thức của cộng đồng DN về vấn đề này.
Đặc biệt, một vấn đề đã được các chuyên gia nói đến rất nhiều trong thời gian qua, đó là chúng ta cần tăng cường sự hợp tác công – tư giữa DN và các tổ chức chính phủ, phi chính phủ. Sự hợp tác này là rất cần thiết để tạo ra những giải pháp hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Các dự án hợp tác như chương trình trồng cây của Vinamilk với Bộ TN&MT, hay các hoạt động làm sạch biển của Unilever Việt Nam đã chứng minh hiệu quả của mô hình hợp tác này.
Về phía các DN, để phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường, các DN cần đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Việc áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất, quản lý chất thải, và sử dụng năng lượng tái tạo là những biện pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường.
Về vấn đề này, một số DN ở nước ta đã và đang làm rất tốt. Có thể kể đến như Toyota Việt Nam đã đầu tư vào các công nghệ sản xuất ô tô tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính hay Tập đoàn Vin Group với các sản phẩm ô tô điện. Song vấn đề cần đặt ra là chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu của Nhà nước, giúp sản phẩm xanh được đông đảo cộng đồng sử dụng. Có như vậy mới nhân lên hành động bảo vệ môi trường từ phía DN.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gây hậu quả nghiêm trọng thì vai trò của DN trong bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng và không thể thay thế. Để phát huy tối đa vai trò này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, DN và cộng đồng, cùng với một khung pháp lý và chính sách hỗ trợ hiệu quả. Các DN cần chủ động đổi mới và áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và đầu tư vào công nghệ xanh. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hướng tới một tương lai bền vững và môi trường sống lành mạnh cho các thế hệ sau.
PGS.TS Bùi Thị An