Hành động vì một Phú Quốc xanh, không phát thải
Kinhtedothi - Chiều 10/6, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn ra Hội thảo “Hành động vì một Phú Quốc xanh, không phát thải”, với thông điệp “Xanh hôm nay, bền vững ngày mai”. Sự kiện do Báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Phú Quốc Lê Quốc Anh cho biết, hội thảo chia sẻ các giải pháp, sáng kiến cụ thể cho Phú Quốc, nhằm kêu gọi các DN, du khách, người dân đồng hành cùng các cấp chính quyền thực hiện phát triển và chuyển đổi giao thông xanh, du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, giảm thiểu rác thải cho đảo ngọc Phú Quốc. Đồng thời, khẳng định vai trò tiên phong của Phú Quốc trong chuyển đổi xanh, giao thông xanh chuẩn bị cho Tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC năm 2027.

Bí thư Thành ủy Phú Quốc Lê Quốc Anh phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Lê Quốc Anh, để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC 2027, riêng lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phú Quốc đầu tư các dự án, gồm: khu xử lý rác Bãi Bổn (Hàm Ninh), diện tích 15 ha, công suất 250 tấn/ngày; nhà máy điện rác Bãi Bổn (Hàm Ninh), diện tích 10 ha, công suất 4MW (từ 200 - 300 tấn/ngày); nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt An Thới, công suất 110 tấn/ngày, diện tích 4,2ha; nhà máy xử lý nước thải tập trung khu vực An Thới, 2 trạm công suất 15.000 m³/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải tập trung khu vực Dương Đông, trạm công suất 15.000 - 20.000 m³/ngày đêm…
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các diễn giả mang đến những góc nhìn đa chiều về chiến lược xây dựng đô thị không phát thải, phát triển giao thông xanh, giảm thiểu rác thải và thúc đẩy du lịch bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi xanh toàn diện, từ hạ tầng, giao thông, rác thải đến mô hình du lịch bền vững, thông minh, chuẩn bị cho APEC 2027 và xa hơn là mục tiêu phát triển bền vững TP biển đảo Phú Quốc.

Theo đó, Tiến sĩ Phạm Văn Đại, giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, với tham luận “Thành phố không phát thải - Từ bài học quốc tế đến cơ hội cho Phú Quốc”, nêu bật những kinh nghiệm đi trước từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là mô hình đảo Hải Nam (Trung Quốc), từ đó, đề xuất lộ trình khả thi để Phú Quốc từng bước trở thành TP không phát thải đầu tiên của Việt Nam.
“Giao thông xanh là lựa chọn mang tính xu hướng của các điểm đến du lịch; chính sách phải kết hợp cả phía cung và phía cầu; lộ trình chuyển đồi từng bước rõ ràng; hỗ trợ đổi xe cũ sang xe điện; tính toán phụ tải điện và giải pháp giá điện linh hoạt; phát triển hạ tầng sạc có vai trò then chốt; cơ chế thử nghiệm đặc thù để phát triển giao thông xanh…” - Tiến sĩ Phạm Văn Đại nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Giám đốc Điều hành GSM thị trường Việt Nam cho biết, Vingroup đã xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông TP biển đảo Phú Quốc. Theo đó, từ năm 2025, Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng Phú Quốc chuyển đổi 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, có 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tập đoàn tiếp tục duy trì và mở rộng tuyến vận tải xanh từ sân bay - cảng biển - điểm du lịch lớn; triển khai lắp đặt mạng lưới trạm sạc tại resort, khu dân cư, trung tâm du lịch, cảng du lịch.
Đề xuất giải pháp phát triển Phú Quốc xanh tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung, Bộ Nông nghiệp và Môi Trường cho rằng, cần xác lập kinh tế tuần hoàn là mô hình chủ đạo trong quản lý tài nguyên, đặc biệt là tái chế, tuần hoàn chất thải.
"Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, phải được áp dụng triệt để. Phát triển đồng bộ hạ tầng xanh, thông minh và bền vững, là huyết mạch của một đô thị xanh và Phú Quốc cần đi đầu trong việc phát triển mạng lưới giao thông xanh" - Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung nhấn mạnh.
Theo ông Hồ Kiên Trung, cần có lộ trình cụ thể, với các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt, taxi, xe dịch vụ sang sử dụng điện và các dạng năng lượng sạch khác trong giai đoạn 2025 - 2026. Đi cùng với đó là quy hoạch và đầu tư hạ tầng sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, là lợi thế của Phú Quốc. Đồng thời, xây dựng du lịch sinh thái giá trị cao cần gắn liền với bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Dịp này, tại hội thảo cũng diễn ra ký kết “Tuyên bố cùng hành động vì Phú Quốc xanh” giữa đại diện chính quyền, DN và các tổ chức nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải, xây dựng đô thị xanh và bền vững.

Tín hiệu tốt giao dịch đất nền tại Phú Quốc
Kinhtedothi - Trước thông tin Phú Quốc (Kiên Giang) được chọn là nơi diễn ra sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2027 và sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Phú Quốc trở thành đặc khu khiến cho thị trường bất động sản đảo ngọc đang ảm đạm nhiều năm nay trở nên ấm dần, nhiều nhà đầu tư từ các TP lớn lùng sục để tìm đất nền tốt để kinh doanh và xây dựng nhà ở.

Đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc
Kinhtedothi - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/2025/NQ-CP ngày 1/6/2025 về đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Hướng tới Đảo Phú Quốc không có xe chạy bằng xăng, dầu
Kinhtedothi - Phú Quốc phải tiên phong đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi xanh trước năm 2030; hướng tới Đảo Phú Quốc không có xe sử dụng nhiên liệu xăng, dầu, là một trong những hòn đảo có môi trường tốt nhất thế giới.