Sụt giảm 2/3 số hành khách chỉ sau một ngày
Ngày 27/7, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Đà Nẵng đánh dấu sự quay trở lại lần thứ 2 của dịch bệnh nguy hiểm này ở Việt Nam. Gần như ngay lập tức, các hoạt động vận tải hành khách bị ngưng trệ khi người dân hạn chế đi lại và các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí cũng buộc phải tạm thời đóng cửa.
Cũng giống như đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu năm, việc Covid-19 xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7 vừa qua đã ngay lập tức cho thấy mức độ ảnh hưởng khủng khiếp đến hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô. Dịch bệnh bùng phát đúng vào lúc cao điểm mùa Hè, khi tất cả các hoạt động vận tải hành khách đang trong giai đoạn “ăn nên làm ra” nhất càng khiến các DN vận tải lao đao, trở tay không kịp.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (DN sở hữu hãng xe Sao Việt) cho biết, ngay khi phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Đà Nẵng, lượng hành khách đi xe của hãng đã giảm tới 70% chỉ sau một ngày. “Đúng là thảm họa. Hành khách sụt giảm quá nhanh khiến chúng tôi phải cắt giảm một nửa chuyến để tránh lỗ sâu” - ông Đỗ Văn Bằng nói; đồng thời cho biết, dù đã trải qua dịch bệnh trước đó, hiểu rõ sức tàn phá khủng khiếp của Covid-19 đối với hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô nhưng “sức công phá” lần này của virus SARS-CoV-2 vẫn khiến ông và nhiều DN vận tải khác phải choáng váng.
“Bây giờ DN chúng tôi cũng đang loay hoay không biết phải làm thế nào tiếp theo. Trước mắt chỉ có thể cắt giảm chuyến để giảm lỗ thôi. Mà kể cả bây giờ chỉ chạy một nửa xe cũng vẫn lỗ vì không có người đi. Cứ tưởng tượng, một xe 40 - 50 chỗ mà chỉ có 4 - 5 người đi thì sẽ như thế nào?” - ông Đỗ Văn Bằng ngao ngán.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh (DN sở hữu hãng xe Ninh Quỳnh) khẳng định, lượng khách đi xe của hãng sụt giảm một cách thê thảm ngay khi Covid-19 xuất hiện trở lại. Thậm chí, mức sụt giảm của hãng còn lớn hơn người đồng nghiệp Sao Việt. “Chỉ ít ngày khi Đà Nẵng có dịch, hành khách đi xe của hãng đã giảm đến 80% dù chúng tôi không có tuyến nào chạy vào trong đó” - ông Nguyễn Duy Ninh nói.
Để đối phó với tình hình mới khi dịch bệnh tái bùng phát, DN vận tải này không còn giải pháp nào khác ngoài cắt giảm chuyến và tuyến để đưa hoạt động của hãng trở lại trạng thái “cầm chừng và cầm cự”. “Hiện nay, chúng tôi đã cắt toàn bộ tuyến chạy về Quảng Ninh. Còn các tuyến khác như Hải Phòng, Lạng Sơn cũng duy trì hoạt động... cầm chừng. Cái chính là cầm cự, không để lỗ nặng bởi thực tế dù xe có chạy nhưng chủ yếu là xe rỗng, không có khách” - ông Nguyễn Duy Ninh cho hay.
Càng chạy càng lỗ
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan ra nhiều tỉnh, TP, với trên 10 địa phương. Sự việc này càng khiến bức tranh tối màu của hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô thêm phần u ám. Sau đợt dịch bệnh đầu tiên, tất cả các hoạt động vận tải hành khách đều được phục hồi và trở lại bình thường từ đầu tháng 5/2020.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô mới chỉ thực sự sôi động từ đầu tháng 7/2020. “Tháng 5, tháng 6 vừa qua chủ yếu là hoạt động... dai dẳng trung bình thôi. Chủ yếu là từ tháng 7/2020, khi lượng hành khách du lịch nội địa tăng, chúng tôi mới gọi là sôi động hơn chút. Tuy nhiên, “những ngày tươi đẹp” này cũng chỉ kéo dài chưa đầy một tháng thì tắt" - ông Đỗ Văn Bằng chia sẻ.
Tình hình đối với hãng xe Ninh Quỳnh thậm chí còn ảm đạm hơn khi chủ yếu dựa vào hoạt động của cửa khẩu ở Lạng Sơn, nhưng các cửa khẩu đều đóng cửa từ đầu năm đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại. “Từ tháng 5/2020 đến giờ, chúng tôi chỉ duy trì hoạt động bình thường chứ chưa thể gọi là phục hồi được. Để phục hồi thì còn lâu lắm” - ông Nguyễn Duy Ninh - chủ hãng xe Ninh Quỳnh nói.
Tất cả đại diện DN vận tải đều cho rằng, tốt nhất để đảm bảo cho hoạt động vận tải hành khách nói chung và hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô nói riêng có điều kiện phục hồi sản xuất chính là giải quyết xong dịch bệnh. Chỉ khi nào xã hội hết dịch bệnh thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường.
Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, các DN vận tải hiện nay vẫn chỉ có một cách là duy trì hoạt động cầm chừng. Họ cắt giảm chuyến với hy vọng hạn chế phần nào thua lỗ. Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận, nếu cứ để tình hình này tiếp diễn, các DN vận tải hành khách bằng ô tô càng chạy sẽ càng lỗ.
Chủ hãng xe Sao Việt cho biết: “Giờ chúng tôi vẫn đang chờ quyết sách của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt là UBND các tỉnh, TP. Chắc chắn các địa phương sẽ có những quyết sách phù hợp với tình hình dịch bệnh. Căn cứ vào những quyết sách đó, DN vận tải chúng tôi sẽ điều chỉnh hoạt động cho phù hợp”.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm cho thấy, những ngày gần đây vắng khách hơn hẳn. Điều này trái ngược hoàn toàn với cảnh nhộn nhịp, chen chúc hơn chục ngày trước đó. Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, tính từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại chưa được bao lâu nhưng vận tải đường bộ đã bắt đầu “thấm mệt”.
Tại bến xe phía Nam, có 3 DN chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng với 10 chuyến/ngày đã tạm dừng hoạt động. Dù mỗi ngày tại bến xe này vẫn có khoảng 800 lượt xe xuất bến đi các tỉnh thành, song lượng khách bắt đầu thưa dần.
“Người dân cũng lo ngại dịch nên đang hạn chế di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nếu cả chiều đi và chiều về đều vắng khách, không biết thời gian tới các DN vận tải còn trụ được không” - ông Nguyễn Anh Toàn cho hay. Tại Bến xe Nước Ngầm, tình hình cũng không khả quan hơn là bao khi đây là nơi phần lớn các chuyến xe đều chạy tuyến từ miền Trung đổ vào.
"Việc dịch bệnh quay trở lại trong bối cảnh các DN vận tải vừa hồi phục sau đợt bùng phát lần đầu chưa được bao lâu đã vô tình đẩy DN đứng trước nguy cơ phá sản. Tại Bến xe Nước Ngầm, tần suất xe chạy trong những ngày gần đây bắt đầu giảm vì không có khách đi" - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Quang Lập |