Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành khách quyết định sự sống còn của xe ghép

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp cho rằng, xe ghép, xe tiện chuyến là một xu hướng mới, không dễ để dùng các chế tài kiểm soát.

Tuy nhiên, chính hành khách là những người quyết định sự sống còn của xe ghép.

Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp.
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp.

Ông nhận định như thế nào về dịch vụ vận chuyển hành khách liên tỉnh theo hình thức xe ghép, xe tiện chuyến?

- Với góc độ quản lý Nhà nước, tôi phải khẳng định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo hình thức xe ghép, xe tiện chuyến là trái với quy định của pháp luật. Bởi nhiều xe không đăng ký kinh doanh, không thực hiện và được giám sát thực hiện đầy đủ quy định về vận tải hành khách, vận hành không theo sự sắp xếp chung dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, ATGT. Việc kinh doanh không đăng ký tất nhiên sẽ dẫn tới trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận rằng xe ghép, xe tiện chuyến đang được không ít người dân ưa chuộng bởi tính tiện dụng, cơ động của nó. Chưa thể khẳng định loại hình này có tồn tại bền vững và trở thành xu thế mới hay không, nhưng trước mắt xe ghép, xe tiện chuyến đang gây rất nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước, DN chính thống, và tiềm ẩn không ít nguy cơ cho người dân.

Những khó khăn và nguy cơ đó là gì thưa ông?

- Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, xe ghép, xe tiện chuyến rất khó quản lý, giám sát. Hầu hết là xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh, hoạt động tùy theo nhu cầu của hành khách. Muốn chạy thì chạy, muốn dừng thì dừng, đỗ xe đón trả khách khắp nơi, gây mất trật tự, ATGT. Quan trọng hơn nữa là câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi xảy ra rủi ro.

Giả sử một chuyến xe ghép gặp rủi ro trong mưa bão, gây thương vong về người, chắc chắn cơ quan quản lý Nhà nước không thể từ chối trách nhiệm, dù rằng giao kết giữa nhà xe và hành khách bản chất là hoạt động “chui”. Mặt khác, xe ghép là xe kinh doanh vận tải khách không đủ điều kiện theo pháp luật, gây rối loạn thị trường, khó khăn cho công tác quản lý.

Đối với DN, xe ghép, xe tiện chuyến đang bóp nghẹt cả xe khách liên tỉnh lẫn xe hợp đồng, xe taxi. Do không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế, xe ghép có chi phí thấp hơn, đủ sức hạ giá cước để tranh giành thị phần một cách không lành mạnh, đẩy các DN làm ăn chân chính đến mức khó khăn, thậm chí là bấp bênh, sụp đổ.

Còn với người dân do thiếu hiểu biết về pháp luật, không ít người vẫn chủ quan với sự an toàn và quyền lợi của bản thân. Khi lựa chọn xe ghép, chẳng mấy ai nghĩ tới việc các lái xe này không được đào tạo để phục vụ xe kinh doanh vận tải, kỹ năng và chất lượng dịch vụ không thể chuẩn chỉ như các loại xe có kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Mặt khác, khi xe ghép, xe tiện chuyến gặp rủi ro, không có vé, không có hợp đồng vận chuyển, người dân không có căn cứ, cơ sở nào để yêu cầu chủ xe có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ. Như vậy lợi ích nhà xe hưởng, nhưng rủi ro lại luôn có thể phủi bỏ trách nhiệm với hành khách.

Vậy có nên hay không nên cho phát triển dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến thưa ông?

- Bất cứ một loại hình kinh doanh dịch vụ nào, nếu đem lại lợi ích cho người dân thì đều nên khuyến khích. Nhưng kinh doanh “chui”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy cho xã hội thì phải cấm, phải xử lý. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Riêng tôi cho rằng chính người dân sẽ định đoạt số phận của xe ghép, xe tiện chuyến. Loại hình này có phát triển được hay không sẽ tùy thuộc vào chính những khách hàng họ phục vụ.

Cụ thể thì người dân sẽ ảnh hưởng như thế nào về sự tồn tại của xe ghép, xe tiện chuyến?

- Thứ nhất, rõ ràng người dân là khách hàng, mang đến doanh thu cho xe ghép, xe tiện chuyến. Chừng nào còn có người đi, có cầu thì ắt sẽ có cung. Bởi vậy, muốn định hình, quản lý xe ghép, xe tiện chuyến trước hết phải bắt đầu từ việc tác động đến nhận thức của người dân.

Người dân cần nhận thức rõ rằng sử dụng xe ghép, xe tiện chuyến, thực chất là đang đi xe không đủ điều kiện kinh doanh theo pháp luật, không có bất cứ một sự bảo đảm nào về pháp luật trước những rủi ro như: thu giá cước cao; nhồi nhét, bỏ khách giữa đường; đặc biệt là khi bị tai nạn, thương vong… Cơ quan chức năng có trách nhiệm tuyên truyền rõ để người dân biết những rủi ro này để đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn nhất.

Thứ hai là việc trả tiền không lấy vé, hóa đơn của hành khách thực chất đang tiếp tay cho chủ xe trốn thuế. Liên hệ đến một số nước phát triển có thể thấy, người dân luôn đòi hỏi được cung cấp hóa đơn, biên lai mỗi khi mua hàng, để họ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Việc đòi hỏi vé, hóa đơn khi sử dụng dịch vụ xe rất bình thường và minh bạch. Nếu ở ta người dân cũng đòi hỏi phải có vé, xuất hóa đơn, chắc chắn xe ghép, xe tiện chuyến sẽ khó lòng đáp ứng được; các loại hình xe hợp pháp, hợp thức sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Thứ ba là mỗi người dân cần nêu cao ý thức vì cái chung, vì TP. Đến bến xe, mua vé đi xe, hoặc ký kết hợp đồng vận chuyển theo quy định của pháp luật, là hành động thiết thực để giữ gìn văn minh, trật tự cho Thủ đô, hạn chế xe dù bến cóc, xe ghép, xe trá hình. Hơn nữa, còn giúp chi phí tiêu dùng luân chuyển minh bạch, không còn hiện tượng xe kinh doanh vận tải trốn thuế.

Có thể thấy, người dân là chủ thể giữ vai trò quyết định cho sự tồn tại của xe ghép, xe tiện chuyến. Bên cạnh đó, các DN vận tải cũng cần làm hết sức mình để nâng cao chất lượng xe và dịch vụ, chiếm được sự tin tưởng của khách hàng.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm gì để hạn chế vi phạm của xe ghép, xe tiện chuyến thưa ông?

- Theo tôi, đầu tiên các bộ, ngành liên quan phải có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ loại hình kinh doanh này. Đã là kinh doanh thì phải nộp thuế, phải chấp hành các quy định chung của pháp luật. Nếu có thể định danh loại hình kinh doanh này và đưa ra chế tài phù hợp thì nên nhanh chóng xây dựng để quản lý.

Trước mắt cần có hướng dẫn cụ thể để lực lượng chức năng trên đường có cơ sở pháp lý chắc chắn kiểm tra, xử lý vi phạm. Hiện nay xử lý loại hình này rất khó, biết là vi phạm nhưng không đủ căn cứ pháp lý để phạt, khiến lực lượng chức năng rất bối rối. Và quan trọng hơn nữa là phải đẩy mạnh một cách có hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không sử dụng dịch vụ vận chuyển không đúng quy định của pháp luật vì chính lợi ích của bản thân và gia đình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!