“Hành lang thép” đảm bảo an toàn giao thông ngày Tết

Quý Nguyễn/GTHN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) dịp Tết Nhâm Dần 2022 đã có thêm công cụ trợ giúp đắc lực về hành lang pháp lý, đó chính là Nghị định 123/2021 vừa được Chính phủ ban hành.

Những "hành lang thép" về luật pháp trong lĩnh vực giao thông như Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021 mang tới hiệu quả rõ rệt trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT và kiềm chế vi phạm giao thông.
Những "hành lang thép" về luật pháp trong lĩnh vực giao thông như Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021 mang tới hiệu quả rõ rệt trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT và kiềm chế vi phạm giao thông.

Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số hành vi để phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó mức phạt sẽ được tăng nặng hơn so với Nghị định 100/2019.

Chế tài mạnh để kiềm chế vi phạm

Cụ thể, Nghị định 123/2021 điều chỉnh mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô thực hiện các hành vi như: dùng tay sử dụng điện thoại di động; đi vào đường cấm; các quy định về dừng xe, đỗ xe, lùi xe từ 1 - 2 triệu đồng lên 2 - 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các hành vi không chấp hành hiệu lệnh; đi ngược chiều; đi không đúng làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ từ 10 km/h đến 20 km/h cũng được điều chỉnh mức xử phạt tăng nặng từ 3 - 5 triệu đồng lên 4 - 6 triệu đồng.

Hay như hành vi người điều khiển ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ cũng được tăng mức xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 2 - 4 tháng tăng lên 6 - 8 triệu đồng và tước tước GPLX 2 - 4 tháng.

Cũng tại Nghị định 123, người vi phạm bị phạt 4 - 6 triệu đồng (trước đây là 800 nghìn - 1 triệu đồng) với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi như: điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.

Nghị định cũng bổ sung hành vi phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí.

Ngoài ra, Nghị định 123/2021 cũng tăng mức phạt tiền lên rất nhiều đối với nhiều hành vi vi phạm khác như người lái xe ô tô sử dụng GPLX hết hạn dưới 3 tháng, GPLX bị tẩy xóa; sử dụng GPLX không hợp lệ...

Các chuyên gia cùng chung nhận định, tăng chế tài xử phạt sẽ giúp tăng tính răn đe và từ đó thay đổi nhận thức cũng như hành vi của người tham gia giao thông, đặc biệt là những người trực tiếp điều khiển phương tiện.

Xây dựng được "Văn hóa giao thông" trong cộng đồng vẫn là đích đến cuối cùng của công tác đảm bảo trật tự, ATGT. 
Xây dựng được "Văn hóa giao thông" trong cộng đồng vẫn là đích đến cuối cùng của công tác đảm bảo trật tự, ATGT. 

Mục tiêu cao nhất là xây dựng được “Văn hóa giao thông”

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, Nghị định 100/2019 đã đưa ra những chế tài xử phạt tăng nặng hơn nhiều so với nhiều văn bản luật trước kia. Tuy nhiên, trên thực tế sau một thời gian áp dụng cho thấy một số hành vi vẫn cần tăng nặng thêm chế tài. Đó chính là lý do Nghị định 123/2021 ra đời.

“Lúc mới ban hành, Nghị định 100/2019 đã mang đến hiệu quả thấy rõ trong việc thay đổi hành vi và kiềm chế vi phạm của người tham gia giao thông. Điển hình nhất là vi phạm nồng độ cồn” – chuyên gia Bùi Danh Liên nói và kỳ vọng Nghị định 123/2021 với nhiều chế tài xử phạt tăng nặng hơn cũng sẽ mang đến hiệu quả rõ rệt như thế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên cũng không quên nhấn mạnh, chế tài xử phạt chỉ là giải pháp ngắn hạn chứ không phải chiến lược lâu dài trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT.

“Chế tài xử phạt có thể mang đến hiệu quả tức thời song nếu cần một giải pháp lâu dài, bền vững thì công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông và xây dựng được văn hóa giao thông trong cộng đồng vẫn luôn là chiến lược quan trọng nhất” – ông Bùi Danh Liên khẳng định.

Trong khi đó, bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính hiện nay chưa phù hợp nên điều chỉnh cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

“Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, bảo đảm tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông” – bà Hoàng Hồng Hạnh nhận định.

Bà Hoàng Hồng Hạnh cũng không quên lưu ý rằng, Nghị định 123/2021 vừa được Chính phủ ban hành chỉ sửa đổi, bổ sung một số hành vi để phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt một số hành vi vi phạm chưa điều chỉnh tại Nghị định 123 nên vẫn thực hiện theo Nghị định 100/2019.

 

Ngoài “hành lang thép” là Nghị định 123/2021, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự, ATGT để bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2022. Cao điểm triển khai từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022.

Ngoài việc xử phạt vi phạm, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định về giao thông và phòng chống Covid-19 khi đi đường với những nội dung như: Đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.