Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạnh phúc khi sinh 2 con gái

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạnh phúc không phải vì tiền, vì những chuyến đi du lịch vi vu khắp đó đây, mà với gia đình anh Tuấn Anh - chị Kim Khánh (số nhà 41, ngõ 29, phường Trúc Bạch), hạnh phúc đến từ 2 cô con gái nhỏ.

Cũng tương tự vậy, hạnh phúc của gia đình anh Hà - chị Thảo (Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công) cũng được nhân đôi kể từ khi đón cô con gái thứ hai chào đời. Đây là 2 trong số 100 gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu được TP Hà Nội biểu dương sáng nay (7/10) nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10.
Quyết không nghe bố vợ

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở 29 Cửa Bắc, căn nhà số 41 của vợ chồng anh Tuấn Anh - chị Khánh luôn rộn rã tiếng cười của hai bé gái Zin và Bông. Chị Zin năm nay học lớp 5, còn em Bông cũng đã lên lớp 2, trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba. Bố mẹ đều là nhân viên văn phòng, nên việc chăm sóc, đưa đón hai bé hàng ngày đều do một tay bà nội. Ôm bé Bông vào lòng, anh Tuấn Anh kể với chúng tôi, lúc vợ mới mang bầu anh cũng mong Bông là một “thằng cu” để cho “có nếp, có tẻ”, nhưng khi biết là con gái thì người vui mừng và hạnh phúc nhất lại chính là bà nội. Chẳng là bà Nguyễn Thị Lợi – bà nội của bé Zin và Bông sinh được hai người con trai, bố của Bông là con trai lớn, nên lúc nào bà cũng mong có thêm cháu gái trong nhà. Bà Lợi tâm sự: “Nhà có hai thằng con trai nên mình thành “osin” chính hiệu, việc gì trong nhà cũng phải đến tay nên khi thấy hai đứa cháu nội đều là gái tôi mừng lắm, giờ hai cháu đã lớn vừa chơi với bà vừa giúp đỡ được bà việc nhà, các cháu lại đều ngoan ngoãn học giỏi nên tôi luôn động viên vợ chồng nó dừng ở đây để nuôi dạy hai đứa cho tốt”.

Gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh trò chuyện cùng cán bộ dân số quận Ba Đình.  Ảnh: Hà Ngân

Bà nội thì khuyên vậy, nhưng ông bà ngoại hai bé Zin và Bông lại luôn thúc giục vợ chồng anh cố kiếm thêm một thằng cu nữa. Có suy nghĩ như vậy âu cũng vì ông bà ngoại Bông có 3 cô con gái và cố mãi để có được một cậu con trai. Anh Tuấn Anh cười vui: “Hai vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau chỉ cần có hai bé Zin và Bông nên mỗi lần ngồi uống rượu với bố vợ là lại bị ca “bài ca” cãi lời bố vợ. Thời gian đầu ông bà ngoại còn treo giải cho hai vợ chồng nếu quyết đẻ con trai, nhưng giờ thấy Bông và Zin đáng yêu quá nên ông bà cũng không nhắc đến chuyện đó nữa”. Là con gái nên góc học tập của Bông và Zin cũng gọn gàng hơn, bà nội có hai cô cháu gái nên lại càng thêm động lực đi tuyên truyền công tác dân số trên địa bàn phường. Ngôi nhà 41 sống tới 3 thế hệ nhưng luôn đầm ấm, hạnh phúc.

“Con gái quý hơn vàng”

Chia tay vợ chồng anh Tuấn Anh, chúng tôi đến với gia đình anh Trần Nam Hà và chị Lương Thị Thanh Thảo ở một căn hộ nhỏ trên tầng 3 khu tập thể Thành Công. Có hai cô con gái lớn, một cô vừa tốt nghiệp đại học, một cô đang học lớp 8 nên lúc nào nhà cửa cũng sạch sẽ tinh tươm, góc nhà được trang trí bằng hoa tươi, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng. Hai chị em Trần Thanh Hằng, Trần Thanh Hiền cách nhau tới 9 tuổi nhưng vóc người cũng gần bằng nhau. Chị Thảo kể, hai đứa con gái đi học thì thôi chứ về nhà là hai chị em lại ríu rít kể chuyện với nhau, cô chị từ đồ dùng học tập, quần áo đều sẵn sàng chia sẻ với em. Hai chị em cách nhau nhiều tuổi vậy cũng bởi lẽ vợ chồng chị Thảo ý định ban đầu sẽ dừng sinh khi đã có con gái đầu lòng. Cho đến khi nhà ngoại xảy ra biến cố, người em trai ruột của chị Thảo mắc bệnh qua đời, mặc dầu ông bà ngoại vẫn còn tới 4 người con gái nhưng vẫn thấy nhà neo người. Lúc ấy, thấy mình có mỗi mụn con thì ít quá nên anh chị quyết sinh thêm đứa nữa.

Biết con thứ hai là gái, anh Hà ban đầu cũng có chút buồn nhưng rồi hai vợ chồng lại động viên, bảo ban nhau “con nào cũng được, miễn là con khỏe mạnh và ngoan ngoãn”. Bây giờ, sau gần 20 năm nuôi dạy 2 cô con gái, anh Hà luôn tự hào với anh em nội ngoại và bạn bè về 2 công chúa nhà mình. “Các cụ bảo “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” nhưng đến con gái thứ hai thì đúng là còn “quý hơn cả vàng”” – Anh Hà tâm sự. Hai cô con gái vừa xinh, vừa ngoan, vừa học giỏi nên 2 năm liền gần đây, gia đình anh Hà chị Thảo đều được nhận Giấy khen gia đình hiếu học của quận. Cũng nhờ hai cô con gái lớn, vợ chồng anh có thêm nhiều thời gian dành cho nhau trong các chuyến du lịch xa, chị Thảo cũng có thêm nhiều chuyến đi từ thiện ở vùng cao với Hội từ thiện mà chị là thành viên chủ chốt.

Em Trần Thanh Hiền (con gái chị Thảo) giúp mẹ chia quà trước chuyến đi từ thiện.           Ảnh: Hà Ngân

Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Ba Đình Trần Thị Tố Tâm cho biết, 100 gia đình được biểu dương trong dịp này mỗi nhà một vẻ nhưng nhà nào cũng rất mãn nguyện và hạnh phúc khi sinh con gái một bề. “Trong số các gia đình được biểu dương, nhiều gia đình rất có điều kiện kinh tế để có thể sinh con lựa chọn giới tính hay có thể sẵn sàng sinh thêm con thứ ba nhưng họ đều dừng lại ở hai con gái. Để có được những thành tích này, một phần là nhờ vào sự tư vấn, tuyên truyền kịp thời của các cán bộ dân số phường giúp nâng cao hiểu biết của người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh, không lựa chọn giới tính thai nhi” – bà Trần Thị Tố Tâm cho hay.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của ngành dân số Hà Nội sẽ có thêm hàng nghìn gia đình sinh con một bề gái như gia đình anh Tuấn Anh, gia đình anh Hà, chị Thảo được biểu dương kịp thời. Để từ đó, Chiến dịch truyền thông về Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ được nhiều người dân biết đến, góp phần chung tay giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính như hiện nay.
Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, biện pháp bền vững vẫn là thay đổi tư tưởng quan niệm trọng nam khinh nữ và các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi đồng thời đẩy mạnh việc bình đẳng giới, bảo đảm nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ và trẻ em gái. Bảo đảm hơn nữa chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, để cho mỗi người dân không còn lo lắng khi về già không có người chăm sóc. 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh
Trước kia, công tác tuyên truyền đến người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh gặp rất nhiều khó khăn vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình Việt, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Thậm chí, có nhà sinh 3, 4 con gái rồi, khi chúng tôi đến vận động, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, gia đình họ làm ầm lên, cho rằng, đây là việc riêng của họ, không ảnh hưởng đến ai. Nhưng thời gian gần đây, tư tưởng ấy đã "thoáng" hơn, nhiều gia đình khá giả, có thể can thiệp để sinh thêm con trai thứ 3, nhưng họ nhất quyết không sinh, mà quan niệm, trai hay gái đều là "của trời cho", yêu thương như nhau. Vậy nên, công tác tuyên truyền đối với chúng tôi cũng thuận lợi hơn.
Nguyễn Thị Phượng 

Cán bộ dân số thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì