Quy Nhơn được biết đến là TP biển hiền hòa, xinh đẹp, thủ phủ của miền đất võ Bình Định - nơi từng là kinh đô của Vương quốc Chăm Pa. Biển đảo Quy Nhơn được thiên nhiên ban tặng nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp với làn nước trong xanh, những rặng san hô và ghềnh đá - là nơi rùa biển tìm về đẻ trứng, những cồn cát được tôn vinh đẹp nhất Việt Nam... Ngoài ra, được mệnh danh là "đất võ - trời văn", Quy Nhơn - Bình Định sở hữu nhiều di tích lịch sử chứa đựng những bằng chứng khảo cổ phong phú, được bảo tồn và xếp hạng…
Cùng với đó, sự thật thà, thân thiện và mến khách của người dân địa phương cũng là một tiềm năng du lịch thu hút và tạo được nhiều ấn tượng tốt đối với khách du lịch. Phần lớn người dân ở các điểm du lịch xứ này đã tham gia cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch và họ đã nhận thức được lợi ích từ phát triển bền vững, do vậy mà hiện tượng chộp giật trong các dịch vụ ở địa phương gần như không có.
Tuy nhiên, hiện du lịch Quy Nhơn – Bình Định chưa phát triển xứng với tiềm năng và so với các địa phương khác trong vùng do còn tồn tại một số khó khăn như: Thiếu thông tin du lịch địa phương; Không tối ưu chất lượng dịch vụ; Dịch vụ không đủ cung cấp vào mùa cao điểm; Một số tuyến điểm du lịch xa trung tâm, giao thông còn khó khăn; Đa phần các doanh nghiệp du lịch địa phương đều siêu nhỏ, thiếu kinh nghiệm; Thiếu nhân sự giỏi và tổng đạo diễn chương trình.
Để thực hiện mục tiêu đón hơn 4 triệu lượt khách, tăng 9%, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 340.000 lượt khách, tăng 30% so với năm 2017, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đến năm 2020, ngành du lịch tỉnh đã đưa ra nhiều phương án nhằm kích cầu du lịch.
Nhiều điểm đến được khảo sát đưa vào xây dựng sản phẩm du lịch như khu vực Nhà in Làng Sông trong Tiểu chủng viện Làng Sông (một trong 3 nơi đầu tiên truyền bá, phát triển chữ Quốc ngữ); sản phẩm du lịch trải nghiệm học võ cổ truyền Bình Định; khảo sát và xây dựng mới các sản phẩm làng nghề cùng các tour, tuyến du lịch mới ở phía Bắc tỉnh…
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Xuân Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho biết, hiện Hiệp hội Du lịch Bình Định đang xúc tiến mở nhiều tour liên kết để giải bài toán khát vé, tăng giá vé hàng không mùa cao điểm 2018.
Cụ thể, thay vì phải chi trả một khoản tiền lớn khi sử dụng đường bay thẳng, khách du lịch có thể có nhiều lựa chọn khi bay đến các sân bay lân cận như Pleiku, Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa… với mức giá phù hợp cùng nhiều khung giờ bay linh hoạt.
Với số tiền tiết kiệm được từ chi phí vé máy bay, du khách có thể khám phá được nhiều điểm đến hơn, từ biển xanh Quy Nhơn đến miền đất Tuy Hòa - Phú Yên hoa vàng trên cỏ xanh rồi lên Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ…
Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL Bình Định đã trình UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng mở tuyến bay từ sân bay Phù Cát đi quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Tăng cường quảng bá các sản phẩm, sự kiện du lịch Bình Định. Tổ chức giới thiệu du lịch Bình Định tại thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là về ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch nước ngoài…