Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành trình hơn 20 năm đòi công lý của người phụ nữ Thành Vinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, dư luận tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An "nóng" lên về việc một phụ nữ là con thương binh hàng chục năm qua phải gửi đơn đi khắp các cơ quan từ địa phương đến T.Ư đòi quyền lợi vì chính quyền thu hồi đất, cưỡng chế nhà sai quy định.

Thậm chí, người phụ nữ này còn bị đối tượng tranh chấp đất hành hung gây thương tích nặng. Đó là bà Ngô Thị Hòa (SN 1956) trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh… Sau khi nhận được đơn do bà Hòa gửi đến báo Kinh tế & Đô thị, nhóm phóng viên đã trực tiếp về địa phương điều tra tìm hiểu vụ việc.

Bài 1: Lật lại hồ sơ vụ cưỡng chế đất nhiều khuất tất
Gia đình bà Ngô Thị Hòa và em trai là Ngô Minh Hợp có Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở lại cho rằng, phần đất của gia đình anh Ngô Minh Hợp thuộc đất của Hợp tác xã (HTX) nên đã xử phạt và ra quyết định cưỡng chế khiến gia đình, chị em bà Hòa rơi vào cảnh "tan tác, chia lìa".

 
Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tiếp nhận đơn phản ánh của bà Ngô Thị Hòa, phường Lê Lợi, TP Vinh. Ảnh: Phạm Hùng
Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tiếp nhận đơn phản ánh của bà Ngô Thị Hòa, phường Lê Lợi, TP Vinh. Ảnh: Phạm Hùng
“Họa vô đơn chí”

Sau chặng đường dài vượt hơn 300km từ Hà Nội chúng tôi tìm đến gia đình bà Hòa trên đường Trường Chinh (phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm ven đường, trên tay ôm cả chồng tài liệu, mặc dù vồn vã tiếp chúng tôi nhưng bà Hòa vẫn lộ rõ dáng vẻ mệt mỏi. Bà Hòa cho biết, nguồn gốc ruộng đất của gia đình vốn do cha mẹ để lại. Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 103, ngày 27/5/1956 của Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An chứng nhận ông Ngô Minh Vượng, cụ Lê Thị Tùng (bố mẹ đẻ bà Hòa) được cấp đất canh tác và đất ở. Năm 1972, theo chủ trương dồn điền đổi thửa, đất của gia đình bà Hòa được dồn thành 2 thửa, cụ thể 1 thửa ở phía Đông đường Trường Chinh có diện tích 1.630m2 và 1 thửa ở phía Tây đường Trường Chinh là 14.700m2.

Năm 1989, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An) đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo khu vực phía Nam phường Lê Lợi, TP Vinh. UBND phường Lê Lợi đã bồi thường thành quả lao động và thiệt hại thực tế cho các hộ sản xuất, canh tác trong vùng quy hoạch phố Ga (phía Đông và phía Tây đường Trần Hưng Đạo, nay là đường Trường Chinh). Theo quyết định, diện tích đất thu hồi ở phía Đông đường Trần Hưng Đạo của gia đình cụ Tùng để làm bến xe, tuy nhiên thực tế đã bị chính quyền sở tại chia lô, bán nền. Sau khi bị thu hồi đất, tổng diện đất của gia đình bà Hòa hiện nay ước còn 7.159m2 (diện tích đất này đang được UBND TP Vinh tiến hành các thủ tục cấp sổ đỏ).

 "Năm 1993, cả gia đình tôi (gồm bố mẹ và các em là Ngô Thị Thu, Ngô Minh Hợp) sống và ở ổn định trên phần diện tích ruộng đất nói trên. Và trong năm này, em trai tôi là Ngô Minh Hợp tiến hành xây nhà nhưng UBND phường Lê Lợi cho rằng, việc xây dựng này là trái phép nên đã lập biên bản vi phạm và phạt hành chính. Nhưng em tôi vẫn xây vì diện tích đất đó là của cha mẹ tôi để lại. Sau đó, ngày 17/6/1993, UBND TP Vinh ra quyết định cưỡng chế. Đến ngày 26/6 thì đoàn cán bộ UBND phường cùng nhiều lực lượng và máy móc đến san ủi toàn bộ nhà cửa của em trai tôi. Sau đó, họ còng tay và bắt em trai tôi, mẹ tôi cũng bị nhấc lên thùng xe và đưa về phòng tạm giam. Từ đó cả gia đình tôi rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé…". - Bà Hòa bùi ngùi kể lại.

Hậu quả của sự lộng quyền

Bà Hòa khiếu nại việc Nhà nước 3 lần thu hồi đất nông nghiệp của gia đình bà với tổng diện tích 4.181,5m2 nhưng không có quyết định thu hồi bằng văn bản của cấp có thẩm quyền (Trong đó, năm 1989 Nhà nước thu hồi 1.566m2 phía Đông đường Trường Chinh, năm 1992 thu hồi 2.000m2 phía Tây đường Trường Chinh, và năm 2.000 thu hồi 615,5m2 đất nông nghiệp ở phía Tây đường Trường Chinh). Việc thu hồi đất nông nghiệp của gia đình bà, đền bù cho gia đình không thỏa đáng theo chính sách của Nhà nước. Năm 2002 Nhà nước thu hồi 615,5m2 đất nông nghiệp ở phía Tây đường Trường Chinh nhưng không đền bù.

Chính quyền địa phương cho rằng, ruộng đất của gia đình bà Hòa đã nhập vào HTX Xuân Thành, đất đã bị thu hồi từ năm 1989 để thực hiện quy hoạch phố Ga và việc thu hồi đất này đã được đền bù. Cụ thể, chính quyền cho rằng, Nhà nước đã thực hiện đền bù thiệt hại cho gia đình cụ Tùng từ năm 1989 với diện tích 1.566m2 phía Đông đường Trường Chinh và diện tích 2.000m2 phía Tây đường Trường Chinh với tổng số tiền là hơn 2 triệu đồng theo thỏa thuận. Cụ Tùng đã thống nhất nhận tiền bồi hoàn và trả đất cho Nhà nước quy hoạch phố Ga. Việc bà Hòa khiếu nại Nhà nước thu hồi đất của gia đình bà đền bù chưa thỏa đáng là không có cơ sở.

Tuy nhiên, về việc này bà Hòa cho rằng, số tiền hơn 2 triệu đồng gia đình nhận chỉ là tiền đền bù về hoa màu, còn gia đình chưa được đền bù về đất. Trong khi, đất của gia đình bà Hòa đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng…

Thêm nữa, bà Hòa cung cấp một số tài liệu là giấy nộp thuế đất từ năm 1989 - 1992 do mẹ bà là cụ Lê Thị Tùng nộp. Trong đó có một bản giấy viết tay: "Tên tôi là Lê Thị Liên, làm việc tại UBND phường Lê Lợi, được sự phân công của UBND từ năm 1989 đến 1992 tôi đã thu thuế đất nông nghiệp của bà Lê Thị Tùng, số tiền thuế thu được tôi đã nạp cho phường Lê Lợi. Ngày 12/3/1997. Người nhận (ký tên): Liên". Cũng tại bản giấy có ghi: "Tôi là Hồ Minh Giang 45 tuổi, trú tại khối 13, phường Đông Vĩnh, nguyên là ủy viên ban quản lý phụ trách nông nghiệp HTX Xuân Thành từ năm 1983 - 1995 xác nhận, bà Lê Thị Tùng nộp thuế nông nghiệp hàng năm đầy đủ"… Ở đây, câu hỏi đặt ra là nếu gia đình cụ Tùng đã nhận tiền đền bù và trả đất cho HTX thì tại sao từ năm 1989 đến năm 1992, gia đình cụ Tùng vẫn phải nộp thuế đất nông nghiệp(?). Từ những căn cứ, tài liệu có thể thấy sự khuất tất, sai trái trong việc thu hồi cũng như vụ việc cưỡng chế đối với em trai bà Hòa (anh Ngô Minh Hợp).

Đối với vụ việc này, sau khi gia đình bà Hòa có đơn khiếu nại đòi quyền lợi đến các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An và cơ quan T.Ư, Văn phòng Quốc hội, Viện KSND Tối cao đã có công văn gửi UBND TP Vinh và Viện KSND tỉnh Nghệ An đề nghị làm rõ sự việc. Tháng 5/1994, Công an TP Vinh đã khởi tố và thực hiện bắt tạm giam đối với 4 đối tượng là cán bộ chủ chốt của UBND phường Lê Lợi gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, kế toán trưởng và thủ quỹ. Đến tháng 10/1995, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử, các đối tượng đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

(Còn nữa)