“Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” sẽ hướng du khách tìm hiểu 5 di tích lịch sử cố đô của Việt Nam gồm: Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Hoa Lư (Ninh Bình), Đền Hùng (Phú Thọ) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Đây đều là những công trình giàu giá trị văn hóa với tiềm năng khai thác lớn, đặc biệt là với khách nội địa từ tháng 9 – 12 hàng năm.
|
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là điểm đến hấp dẫn trong “Hành trình qua các Kinh đô Việt cổ”. |
Ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Long Phú, Nha Trang gợi ý: Các hãng lữ hành có thể khai thác 5 điểm đến này theo 2 cụm: Hà Nội - Ninh Bình - Phú Thọ hoặc Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An để tận dụng lợi thế về giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển. Nhưng để làm được các tour đó, cơ quan quản lý và điểm đến cần kết nối với hãng lữ hành nâng cao chất lượng sản phẩm, bao gồm chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, vệ sinh môi trường, cảnh quan, giao thông, lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí…
Qua khảo sát thực tế, bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch quốc tế Hoàng Sơn nhận thấy các bài thuyết minh tại điểm đến còn nặng thông tin về giá trị khảo cổ, trong khi du khách quan tâm đến giá trị về cảnh quan, kiến trúc. Bởi vậy, giới lữ hành mong muốn sớm có bộ tài liệu thuyết minh thống nhất cho các hướng dẫn viên tại điểm, đồng thời, phối hợp đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chất lượng cao.
Chuyên nghiệp hóa dịch vụTính chuyên nghiệp tại điểm đến là một trong những vấn đề được nhiều DN quan tâm. Theo bà Hoa, tại Đền Hùng (Phú Thọ), hệ thống khách sạn chưa đáp ứng được yêu cầu nếu có những đoàn khách đông, bởi khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 4 sao không phù hợp túi tiền khách nội địa, còn khách sạn 2 - 3 sao lại rất ít. Tại Hoàng thành Thăng Long, nhà vệ sinh ít và quá nhỏ, ở Đền Hùng và Thành Nhà Hồ lại đặt quá xa khu trung tâm…
Bên cạnh đó, bà Lê Nem - Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn Luxury cho rằng, “Hành trình qua các Kinh đô Việt cổ” cần có những hoạt động thương mại mang tính đặc thù địa phương làm "mềm" hơn chương trình, đồng thời giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể. Chẳng hạn, nên tổ chức xen kẽ các chương trình tham quan làng nghề, cho du khách tham gia vào các chương trình văn nghệ địa phương… Đối với thị trường quốc tế, ông Mai Tiến Dũng – nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng, du khách Nhật Bản và Pháp rất thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử, chắc chắn họ sẽ quan tâm đến tour này. Vì thế, tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2018 diễn ra cuối tháng 3 tới hay Hội chợ quốc tế Jata (Nhật Bản), Hội chợ quốc tế Top Resa (Pháp), Sở Du lịch Hà Nội nên cùng các địa phương làm gian hàng chủ đề này để quảng bá và xúc tiến tới đông đảo du khách, DN du lịch tại các thị trường trọng điểm.
Để “Hành trình qua các Kinh đô Việt cổ” sớm được các DN du lịch khai thác, Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị Ban quản lý các khu di tích chuẩn hóa các bài thuyết minh, cung cấp tư liệu và tạo điều kiện cho các DN, báo giới xây dựng sản phẩm cũng như quảng bá. Đồng thời, cải tạo, chỉnh trang nhà vệ sinh cùng những tồn tại mà các DN đã góp ý nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Dù là bước khởi đầu nhưng hầu hết DN tham gia đoàn khảo sát khẳng định sẽ tổ chức tour “Hành trình qua các Kinh đô Việt cổ”, nhất là vào dịp thấp điểm. Với cái bắt tay chặt chẽ, hy vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn, giảm tính “mùa vụ” cho các địa phương trong khai thác du lịch.