“Nóng” với vi phạm tại tập đoàn kinh tế
Theo giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án tại 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kiểm tra trách nhiệm phòng chống tham nhũng của 6 đơn vị khác, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện khuyết điểm, vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 4.000 tỷ đồng, kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và xem xét, xử lý xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc.
Các dạng vi phạm chủ yếu bị phát hiện là vi phạm về thẩm quyền như sử dụng tiền cổ phần hóa phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn, mua tài sản có giá trị lớn khi chưa được Thủ tướng chấp thuận, chỉ định thầu không đúng với quy định. Nhiều tập đoàn khi thực hiện dự án đầu tư, mua sắm tài sản không đúng trình tự, thủ tục; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sai với thực tế…
Với những dẫn chứng rất cụ thể, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu 3 vấn đề, trong đó có 2 vấn đề liên quan đến vụ việc tiêu cực tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). “Tổng Thanh tra có khẳng định việc thanh tra hoàn toàn theo pháp luật, vậy tại sao kết luận thanh tra lại không đề cập đến trách nhiệm của các bộ ngành trong vụ Vinalines như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vì sao trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ không thông tin cho các cơ quan liên quan, dẫn đến việc ông Dương Chí Dũng tiếp tục được bổ nhiệm”? ĐB Nga không ngần ngại bình luận, trong khá nhiều trường hợp, việc ban hành kết luận thanh tra thiếu kịp thời, có dấu hiệu trì hoãn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Trả lời về trách nhiệm của các bộ ngành trong vụ Vinalines, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, khi thực hiện thanh tra các tập đoàn, thông thường kết luận thanh tra chỉ ra các đơn vị có liên quan và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. “Ở đây có 3 Bộ, trong đó Bộ Giao thông Vận tải, Nội vụ và Tài chính có trách nhiệm xem xét lại các quy định về quản lý vốn và điều động, đề bạt cán bộ”.
Không thỏa mãn với giải đáp này, ĐB Lê Thị Nga phát biểu lại: “Tôi đề nghị Tổng Thanh tra xác định trách nhiệm của các bộ theo quy định của pháp luật chứ không phải theo thông lệ, thông thường! Và Luật Thanh tra vừa rồi đã quy định rất rõ về điều này.
Việc “kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý” khác với chỉ rõ trách nhiệm trực tiếp của các bộ trong việc không hành động để gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị cần tăng chế tài và thành lập một Vụ Giám sát kết luận thanh tra để đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra. - Ảnh: VGP/Thành Chung.
Công tác chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu
Công tác phòng chống tham nhũng được nhìn nhận là “chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước
Chất vấn vấn đề này, ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi: “Tại sao trong số các vụ việc vi phạm được thanh tra phát hiện chỉ có chưa đến 1% chuyển cơ quan điều tra, còn lại đều xử lý hành chính, trong khi những vi phạm này có liên quan đến hàng nghìn ha đất, hàng chục nghìn tỷ đồng. Có hay không xu hướng hành chính hóa án hình sự?”.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh khẳng định, Thanh tra Chính phủ và bản thân ông “luôn thực hiện công việc thanh tra theo đúng pháp luật, không chịu bất cứ áp lực nào, không né tránh va chạm. Chưa có sự can thiệp nào nhằm làm thay đổi kết luận thanh tra”. Số vụ việc tham nhũng chuyển cơ quan điều tra ít có nguyên nhân chủ quan là năng lực phát hiện của cơ quan thanh tra còn hạn chế, trong quá trình thanh tra chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng.
Tuy nhiên, ra kết luận thanh tra là việc làm cần thận trọng và phải tuân thủ quy trình lấy ý kiến trao đổi của cơ quan liên quan, thông báo, tạo sự đồng thuận của đối tượng được thanh tra… Trong khi đó, “có trường hợp chúng tôi xin ý kiến cơ quan chức năng tới 2 tháng mà chưa được trả lời”. Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành được hỏi nhanh chóng trả lời trong thời hạn xác định.
Chưa thấy hài lòng với câu trả lời nhận được, ĐB Lê Như Tiến tiếp tục đặt câu hỏi: “Vấn đề tôi đưa ra chưa được Tổng Thanh tra làm rõ, đó là có hay không xu hướng hành chính hóa trong việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật ? Doanh nghiệp, cử tri phản ánh, khi nhận được thông báo thanh tra, họ rất lo lắng, ngoài việc chuẩn bị báo cáo, còn phải lo hành xử thế nào với thanh tra viên, từ đón tiếp hoành tráng đến kính gửi đậm đà, tiễn đưa hậu hĩnh. Đây có phải nguyên nhân của hàng trăm cuộc thanh tra mà không phát hiện được gì hay không. Tổng Thanh tra có nên phát động phong trào "thanh tra đức" để nâng cao đạo đức ngành thanh tra?”.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng nhận xét: “Tôi rất buồn với phần báo cáo về phòng, chống tham nhũng với vẻn vẹn 2,5 trang và cũng rất chung chung. Đây là công việc hệ trọng, được đại đa số nhân dân và cử tri rất quan tâm lại không được báo cáo rõ ràng. Đọc báo cáo chung chung như thế này thì không thấy tham nhũng ở đâu cả”!
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền có quan điểm tương tự: “Qua 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng thì tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng phức tạp, trong khi xử lý thì lại năm sau giảm hơn năm trước. Hiệu quả của công tác thanh tra như thế nào”?
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải thích: Việc phát hiện tham nhũng ít là do thời gian dài trước đây chưa có thống kê nên nhiều vụ tồn đọng kéo dài. Ngoài ra, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi do người vi phạm thường có chức vụ quyền hạn. Việc tố cáo tham nhũng ngày càng ít. Việc giải quyết phòng chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ nên thời gian qua đã xử lý kịp thời một số vụ. Tuy số vụ tham nhũng giảm nhưng tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.