Hấp dẫn lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Linh thiêng phần lễ, rộn rã, náo nức phần hội với nhiều trò vui, Lễ hội Côn Sơn...

Kinhtedothi - Linh thiêng phần lễ, rộn rã, náo nức phần hội với nhiều trò vui, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 hứa hẹn sẽ đầy hấp dẫn với nhiều nét mới. Công tác chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng đảm bảo cho lễ hội diễn ra an toàn, văn minh và trật tự.

Nét mới đặc sắc

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay sẽ diễn ra từ ngày 21/2 đến 1/3 (tức từ ngày 14-23 tháng Giêng). Đây là dịp lễ hội truyền thống nhằm tưởng niệm 682 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334-2016). Đồng thời, trong lễ hội năm nay sẽ có lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia. 
 Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc 2016 hứa hẹn sẽ đầy hấp dẫn với nhiều nét mới.
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 hứa hẹn sẽ đầy hấp dẫn với nhiều nét mới.
Nét mới đặc sắc nhất của phần lễ năm nay là lễ rước nước được tổ chức vào ngày khai hội. Đây là lần đầu tiên lễ rước nước được khôi phục sau nhiều năm thất truyền. Lễ rước nước nhằm mục đích lấy nước làm lễ mộc dục (tắm Phật), có ý nghĩa cầu mùa, cầu nước, cầu bình an, thể hiện sự gắn kết tình cảm của cộng đồng làng xã. Bên cạnh đó, còn các nghi lễ truyền thống khác được tổ chức công phu như lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Trần Nguyên Đán, đền Nguyễn Trãi; đền Kiếp Bạc; lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; Lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn Giả; lễ đàn Mông Sơn thí thực. 
Một phần hấp dẫn không thể thiếu của lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là phần hội với nhiều hội thi dân gian như thi gói bánh chưng, giã bánh giày; liên hoan pháo đất; thi đấu vật dân tộc. Trò chơi pháo đất xưa kia vốn phổ biến trong trẻ em nông thôn nhưng pháo đất ở Hải Dương đặc biệt khác lạ bởi kích cỡ mâm pháo to cực đại, cách làm pháo cầu kỳ, tỉ mỉ và mang tính “gia truyền”. Liên hoan pháo đất luôn hấp dẫn bởi tính đua tranh và sự bất ngờ trong kết quả.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay được trang hoàng rực rỡ hơn mọi năm và có nhiều đổi mới trong hỗ trợ khách tham quan. Ban Quản lý di tích đã lắp đặt 9 bộ dàn ảnh với trên 1.000 ảnh kích thước 25x30cm về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội, các sự kiện, các giá trị vật thể, các hiện vật trong các đợt khai quật khảo cổ học… 300 cờ hội được cắm tại đường dẫn từ hồ Côn Sơn vào chùa phục vụ nghi lễ rước nước. 1.000m cờ dây, 500 đèn lồng đã được treo tại khu vực nội tự di tích. Điểm mới trong công tác tuyên truyền trực quan năm nay là các bảng, biển, nội dung giới thiệu về lễ hội, di tích được dịch ra tiếng Anh. Khách tham quan nếu có nhu cầu sẽ được thuyết minh, hướng dẫn về di tích và lễ hội. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống,... đã chủ động xây dựng kế hoạch sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Đảm bảo an toàn

Đảm bảo an toàn cho du khách, an ninh trật tự tại lễ hội là nhiệm vụ luôn được Ban tổ chức lễ hội đề cao và chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước và trong lễ hội, lực lượng Công an thị xã Chí Linh tăng cường tuần tra, kiểm soát quanh khu vực tổ chức lễ hội, không để xảy ra các vụ trọng án, hỏa hoạn, tệ nạn xã hội. Đội Cảnh sát giao thông (Công an Chí Linh) tăng cường tuần tra lưu động trên các tuyến đường dẫn vào các khu di tích, tránh tình trạng ùn tắc giao thông. Công an thị xã cũng chỉ đạo Công an phường Cộng Hòa, Công an 2 xã Lê Lợi, Hưng Đạo và phối hợp với Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh và du khách tuân thủ nội quy của khu di tích, phòng chống cháy, nổ. Công an thị xã Chí Linh tích cực phối hợp với các đơn vị của Công an tỉnh tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội.

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cử 2 xe chữa cháy và cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các khu di tích. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt xây dựng phương án, triển khai công tác phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến trọng điểm; bố trí lực lượng chốt tại các điểm giao thông trọng điểm, kịp thời phân luồng, không để xảy ra ùn tắc giao thông.

Tiểu ban An ninh trật tự cũng đã sắp xếp, duy trì các hoạt động dịch vụ, hàng quán, xe ôm, trong khu vực lễ hội; có các biện pháp ngăn chặn các hành vi lừa dối, ép giá khách, hiện tượng trộm cắp, cướp giật tài sản và lừa đảo trá hình qua các trò chơi cá cược, đánh bài, úp xu, bán thuốc rong… Nếu du khách thấy có dấu hiệu bị lừa dối, ép giá, hãy phản ánh với Ban tổ chức để được xử lý kịp thời.

Ban Tổ chức cho biết, hiện công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho một mùa lễ hội an toàn, văn minh và trật tự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần