Hapro khai phá thị trường mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều cơ hội, lợi thế có thể giúp tăng trưởng xuất khẩu (XK) cho TP trong thời gian tới từ những thị trường mới, đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Hapro khai phá thị trường mới - Ảnh 1
Trong năm 2015, nhiều DN Hà Nội rất ngạc nhiên khi có tin Hapro tổ chức khai thác thị trường châu Phi, Cuba… Lý do nào khiến Hapro quan tâm đến những thị trường này, thưa ông?

- Lâu nay, Hapro vẫn trung thành với các thị trường XK truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản - những thị trường đã làm nên thương hiệu Hapro nhiều năm qua. Nhưng thế giới rộng mở, chúng tôi không muốn giới hạn vùng ảnh hưởng của Hapro, nhất là khi cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng. Chính vì vậy, Hapro xác định châu Phi, Cuba, Myanmar… mặc dù có nhiều thách thức nhưng sẽ là thị trường đầy tiềm năng. Tiềm năng vì là thị trường khá dễ tính, nhu cầu hàng hóa lớn với số dân đông, sản xuất chưa phát triển nên hàng gì đưa sang thị trường này cũng có thể bán được. Do đó, với tư cách là DN kinh doanh thương mại, nếu còn những thị trường có thể khai phá thì DN không nên bỏ qua, bởi lợi nhuận ở những thị trường truyền thống có thể ổn định nhưng không tạo ra cơ hội để DN đột phá trong quá trình phát triển.

Châu Phi là thị trường mới, trong quá trình đầu tư, khai thác, Hapro gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

- Châu Phi có dân số trên 1 tỷ người, chiếm 20% dân số thế giới nhưng kinh tế kém phát triển, có thể nói châu Phi nghèo nhưng nhiều quốc gia ở châu lục này có tiềm năng lớn về khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên… Nếu biết liên kết để khai thác, tổ chức sản xuất, cơ hội kinh doanh có thể nói là không có biên giới. Điểm mạnh nữa là hàng Việt Nam có thể tham gia hầu hết các phân khúc và được người tiêu dùng ở đây chấp nhận. Những sản phẩm thu hút được nhiều sự chú ý gồm các loại gạo, hàng lương thực, đồ khô, bánh phở khô, mỳ gói, cà phê Trung Nguyên, chè Kim Anh…

Nhưng điểm yếu khi khai thác thị trường này là khoảng cách khá xa nên chi phí vận chuyển lớn, đây là “vùng đất mới” nên không phải DN nào cũng thấu hiểu thông thổ, đặc biệt là chưa liên kết được với nhau để giảm thiểu rủi ro, nhân sức mạnh để cạnh tranh. Đồng thời, nhiều nước đang trong giai đoạn phát triển nên hệ thống chính trị, pháp luật... chưa hoàn thiện, do đó sự an toàn trong các thương vụ kinh doanh không cao… Vấn đề là Hapro nhìn thấy cơ hội và phải tận dụng được những cơ hội này. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thị trường, thúc đẩy các hoạt động thương mại tại khu vực thị trường châu Phi.
Khách hàng tham quan gian hàng của Hapro tại Hội chợ Quốc tế Nam Phi.
Khách hàng tham quan gian hàng của Hapro tại Hội chợ Quốc tế Nam Phi.
Vậy, Hapro sẽ đầu tư, khai thác tiêu thụ hàng Việt ở thị trường châu Phi như thế nào trong thời gian tới?

- Cho đến thời điểm này, Hapro đã có mặt tại hơn 70 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng châu Phi vẫn đang là vùng đất mới, có những nơi rất ít người Việt Nam biết tới, chứ chưa nói đến người của Hapro. Trước mắt, tại các nước Angola, Mozambique…, các công ty thành viên của Hapro đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc, chế biến thực phẩm, xây dựng kho và mạng lưới cửa hàng, khách hàng, qua đó tiêu thụ gạo và hàng nhu yếu phẩm sản xuất tại Việt Nam... Trong kế hoạch tầm trung, Hapro sẽ đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt cá và chế biến hải sản đi đôi với các dự án trồng rau, hoa, phát triển và thu mua hạt điều tại một số nước. Tuy nhiên, những thị trường này chỉ là bước đầu cho kế hoạch đặt chân sâu hơn vào thị trường châu Phi.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần