Kết thúc đại hội cổ đông lần đầu sau khi cổ phần hóa Hapro đã chính thức hoàn tất quá trình chuyển mình sang mô hình mới Công ty cổ phần. Một trong những công việc quan trọng đó là kiện toàn nhân sự đã được đại hội cổ đông thống nhất, theo đó bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG được bầu làm tân Chủ tịch Hapro; ông Vũ Thanh Sơn là Tổng Giám đốc.
Báo cáo kết quả kinh doanh khi công ty tiến hành IPO hồi quý 1/2018 vừa qua cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2018, Hapro tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Kim ngạch xuất khẩu đạt 63,6 triệu USD bằng 143% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 63,1 triệu USD đạt 57% kế hoạch năm bằng 152% so với cùng kỳ 2017. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng xuất khẩu, Hapro đạt tổng doanh thu 2.676 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ 2017.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2018, Hapro kim ngạch xuất khẩu đạt 117 triệu USD bằng 115% so với cùng kỳ 2017, Tổng doanh thu dự kiến ở mức 6.400 tỷ đồng bằng 115% so với cùng kỳ 2017. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của công ty sẽ cán ngưỡng 185 triệu USD tương đương tăng trưởng 34% so với năm 2019 và như vậy, so với năm 2017 thì kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sẽ tăng 110%. Qua đó, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực; trở thành 1 trong 5 đơn vị dẫn đầu Việt Nam về xuất khẩu 5 mặt hàng chủ lực, gồm: Gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê và thủ công mỹ nghệ.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Hapro cho biết: Hapro sẽ tập trung đẩy mạnh xuất nhập khẩu bằng cách phát triển mở rộng thêm các thị trường lớn, có tiềm năng. Hapro phấn đấu đến năm 2020, Hapro có thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới.
Để làm được điều này, Hapro sẽ xây dựng một số nhà máy chế biến hàng nông sản để chủ động về nguồn hàng hóa, đáp ứng được các đơn hàng lớn như: Nhà máy chế biến hạt điều, hạt tiêu; Mở rộng hoạt động của Nhà máy xay sát gạo tại Đồng Tháp,… Phát triển một mặt hàng xuất khẩu mới như mặt hàng chế biến thành phẩm, đóng gói bao bì mang thương hiệu Hapro để đưa trực tiếp vào một số chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị tại các thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, Hapro sẽ tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood và các cửa hàng chuyên doanh tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng sản xuất, chế biến và khai thác nguồn hàng hóa phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước.
Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các địa điểm kinh doanh thương mại, Hapro sẽ quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới kinh doanh. Đồng thời đổi mới, tái cơ cấu hoạt động của các Công ty con, công ty thành viên theo hướng công ty nào giữ vị trí chủ đạo, có thế mạnh sẽ được Hapro tiếp tục tập trung đầu tư phát triển, đưa những đơn vị mạnh này chiếm giữ vị trí then chốt.
Còn những công ty có lĩnh vực kinh doanh không cần thiết, hoặc làm ăn yếu kém thua lỗ thì cần cơ cấu lại, thậm chí thoái hết vốn, rút hết vốn về. Kiên quyết loại bỏ những khâu yếu tạo sức nặng, gây khó khăn cho Tổng công ty cổ phần. “Chú trọng đẩy mạnh phát triển thương hiệu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Xây dựng văn hóa Tổng Công ty có bản sắc riêng biệt, tạo được sức hút đối với khách hàng và đối tác”, ông Vũ Thanh Sơn khẳng định.