Độc đáo tour Hát Xoan làng cổ
Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan đã được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được duy trì và phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy và kế cận.
Hát Xoan cũng được đưa về cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ câu hát có từ thời Hùng Vương. Từ các phường Xoan gốc, khúc hát môn đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành.
Nổi bật là sản phẩm du lịch "Hát Xoan làng cổ" gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa được Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ triển khai từ năm 2023. Trong một ngày, du khách sẽ được tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thực hành các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta; tham quan Bảo tàng Hùng Vương, tìm hiểu không gian trưng bày về thiên nhiên, lịch sử văn hóa vùng đất Tổ qua các thời kỳ từ sơ sử đến hiện đại; tham quan đình cổ Hùng Lô (ngôi đình 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô) và làng cổ Hùng Lô với góc chợ quê, nhà cổ, trải nghiệm gói bánh chưng, giã bánh dày truyền thống… Điểm cuối, du khách sẽ được tham quan miếu Lãi Lèn, nơi phát tích của hát Xoan Phú Thọ và được thưởng thức các làn điệu Xoan cổ mượt mà do các nghệ nhân các phường Xoan trình bày.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch (phường Xoan An Thái, phường Phượng Lâu) cho biết: Chương trình "Hát Xoan làng cổ" được tổ chức dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy cũng như giới thiệu, quảng bá di sản Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Bởi vậy, cả phường Xoan Phượng Lâu luôn cố gắng làm hết sức mình, mang đến những làn điệu Xoan hay và ý nghĩa nhất để phục vụ du khách gần xa hành hương về đất Tổ.
Giữ làn điệu hát Xoan
Đến nay, sản phẩm "Hát Xoan làng cổ" để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách. Mỗi năm, các làng Xoan gốc đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách về tham quan, công tác tổ chức biểu diễn và thuyết minh hướng dẫn đã sẵn sàng và chuyên nghiệp.
Ước tính, trung bình mỗi năm Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ thực hiện tư vấn, hỗ trợ thông tin, phục vụ đón tiếp, thuyết minh hướng dẫn tham quan du lịch Phú Thọ cho trên 500 đoàn khách, với tổng số trên 2 triệu lượt khách.
Trong đó, du khách lựa chọn chủ yếu các điểm tham quan, trải nghiệm như: Đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn (TP Việt Trì), đình Do Nghĩa (huyện Lâm Thao), đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy).
Đặc biệt, các ngôi đền - không gian diễn xướng của hát Xoan được tu bổ, phục dựng. Đây là thành tựu lớn lao, mang lại niềm tự hào, niềm vui không kể xiết của nhân dân vùng bảo tồn đặc biệt của hát Xoan và của nhân dân trên toàn tỉnh Phú Thọ, chủ nhân của di sản quý báu của dân tộc.
Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, ngành du lịch nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung đã đưa hát Xoan trở thành món ăn tinh thần, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, riêng có của tỉnh Phú Thọ mà du khách trong nước và quốc tế không thể bỏ qua. Đây chính là cơ sở để hát Xoan Phú Thọ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được lưu truyền và quảng bá ra thế giới rộng hơn.
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thuỷ, tỉnh đã triển khai đồng bộ, bài bản các chương trình, dự án bảo tồn hát Xoan. Trong số đó, tỉnh xác định rõ việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản hát Xoan là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Qua đó, di sản hát Xoan được bảo tồn, phát huy giá trị trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Phú Thọ xác định các nghệ nhận hát Xoan chính là những “báu vật nhân văn sống” là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản hát Xoan. Bởi vậy, tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hằng ngày cho nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho các phường Xoan gây quỹ hoạt động, tổ chức sinh hoạt, truyền dạy, mua sắm thiết bị.
Năm nay, hát Xoan tiếp tục được đưa vào biểu diễn trong dịp lễ Giỗ Tổ, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến và cảm nhận nét văn hoá của hát Xoan Phú Thọ, loại hình nghệ thuật có từ thời Văn Lang - Âu Lạc.