KTĐT - Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lớn nhưng số doanh nghiệp tồn tại được trên thực tế được ước tính xấp xỉ 50%.
Việt Nam chỉ có khoảng 50% số DN ra đời, đăng ký kinh doanh còn trụ lại và phát triển trên thị trường. Kết quả đánh giá về hoạt động của kinh tế tư nhân của Tổ thi hành Luật DN và Luật Đầu tư mới đây cho biết.
Theo số liệu mà Chính phủ và Bộ KH-ĐT thường công bố hàng năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp tính đến 31/12/2008 là gần 380 ngàn doanh nghiệp. Với hơn 83 ngàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trong năm 2009, con số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đến 12/2009 đạt 460 ngàn doanh nghiệp.
Nếu chỉ tính về số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, từ số lượng khoảng 31.000 doanh nghiệp vào năm 2000, thì số lượng hiện nay đã tăng lên 15 lần trong 9 năm. Đây là một tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Tuy nhiên, số liệu tổng điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2009 cho thấy, cả nước tính đến thời điểm 31/12/2008 có 178.852 doanh nghiệp dân doanh trong tổng số 201.112 doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế trên cả nước. Đây có thể coi là những doanh nghiệp đã đăng ký và vẫn còn tồn tại và đang hoạt động.
Bên cạnh đó, số liệu từ Tổng cục Thuế cho hay, tính đến hết tháng 3 năm 2009, cả nước có 272.680 doanh nghiệp dân doanh trong tổng số 289.672 doanh nghiệp khác nhau.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lớn nhưng số doanh nghiệp tồn tại được trên thực tế được ước tính xấp xỉ 50%.
Tuy nhiên, so với mức trung bình trên thế giới, tỉ lệ đó là hoàn toàn bình thường và không thể được coi là một chỉ số phản ánh chất lượng thấp của các doanh nghiệp được đăng ký.
Theo tổng kết của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các doanh nghiệp trên thế giới ra đời phần nhiều là nhỏ, sau 3 năm khoảng 25% doanh nghiệp không tồn tại được. Sau 5 năm, số đó còn khoảng 50%, còn 50% giải thể, sau 10 năm số tồn tại được chỉ còn 30% tiếp tục phát triển theo đúng con đường của mình.