Hậu Giang: Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do hạn và xâm nhập mặn

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 27/3, tin từ UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Trương Cảnh Tuyên vừa ký ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, kế hoạch nêu rõ, để chủ động kịp thời ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023, phục vụ sản xuất và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng bị hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn.

Hậu Giang ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Ảnh minh họa
Hậu Giang ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Ảnh minh họa

Toàn tỉnh có khoảng 90.000 ha đến 100.000 ha vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Ngã Bảy, có nguy cơ hạn. Khoảng 50.000 ha đến 60.000 ha vụ Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, có nguy cơ xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, để đảm bảo đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng bị hạn, xâm nhập mặn; phòng, chống xâm nhập mặn, trữ nước ngọt phục vụ cho diện tích lúa Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Ngã Bảy, huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh đòi hỏi các cơ quan, ban ngành, UBND huyện, thành phố cùng chung tay.

Trong đó, chú trọng thực hiện nạo vét hệ thống các cấp kênh và đắp các đập cải tiến, thời vụ ở các đầu kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng khi độ mặn đạt mức 1,5‰, không để mặn xâm nhập lên đồng. Huy động mọi nguồn lực, mọi phương tiện đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân; có kế hoạch mở rộng đường ống các vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Tận dụng các hệ thống kênh, rạch hiện có để trữ nước ngọt, dẫn ngọt đảm bảo đủ nước ngọt cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Đồng thời, xác định rõ vùng có nguy cơ hạn, vùng nguy cơ mặn, vùng thiếu nước sinh hoạt để có những biện pháp và kế hoạch cụ thể.

Kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có hiệu quả khoảng hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, đắp đập thời vụ và nâng cấp sửa chữa cống ngăn mặn: 312 công trình cống, đập và 138 nắp bọng với kinh phí khoảng 16,8 tỷ đồng. Nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn: 47 công trình kênh, với kinh phí khoảng 23,6 tỷ đồng.