Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu Giang phát động thu mua nông sản hỗ trợ nông dân

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh tổ chức phát động, đăng ký trong doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hỗ trợ thu mua chôm chôm, dưa lê, nhãn,… giúp nông dân trong lúc tiêu thụ khó khăn.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, hiện nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại giao thương gặp nhiều khó khăn do đang trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân.
Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 52 tấn chôm chôm, 55 tấn dưa lê, 73 tấn nhãn… đang tới vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ, các sản phẩm này tập trung chủ yếu trên địa bàn TP Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A.
Để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các địa phương thống kê số lượng mặt hàng nông sản tồn đọng, có bố trí điểm tập kết thu gom để Sở Công Thương cùng với các đơn vị có liên quan thuận tiện trong việc tổ chức thu mua hỗ trợ nông dân được kịp thời.
Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng Sở NN&PTNT cùng các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh tổ chức phát động, đăng ký trong doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hỗ trợ thu mua chôm chôm, dưa lê, nhãn… giúp nông dân trong lúc tiêu thụ khó khăn.
Thường xuyên theo dõi, báo cáo tiến độ về tiêu thụ các sản phẩm và những khó khăn vướng mắc tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời…
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại giao thương gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân. Ảnh: Giang Lam
Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đã đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thu hoạch lúa vụ Hè Thu đảm bảo phòng, chống dịch; nghiên cứu, đề xuất thành lập các tổ thu hoạch, thu mua nông sản cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lưu ý đảm bảo an toàn phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ lực lượng tham gia.
Các địa phương tổ chức các điểm thu mua tập trung tại các “luồng xanh” kể cả đường bộ lẫn đường thủy; tổng hợp nhu cầu nông sản cung cấp cho các điểm cách ly tập trung trên địa bàn; tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, không để vì nhu cầu thị trường mà sử dụng phương thức canh tác không an toàn, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Được biết, hiện mỗi ngày các địa phương trong tỉnh có khả năng cung cấp khoảng 178 tấn nông sản các loại và một số hợp tác xã vẫn tham gia tiêu thụ nông sản cho nông dân. Dự kiến khả năng sản xuất nông sản trong tháng 8 là trên 262.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh là gần 21.000 tấn nông sản các loại…
Trên thực tế, có không ít hộ đang sinh sống ở địa phương này nhưng lại có đất sản xuất ở địa phương khác nên gặp khó trong việc đi lại khi bị lực lượng chức năng kiểm tra. Ngoài ra, do giá bán các mặt hàng nông sản tại vườn ở mức thấp, trong khi giá vật tư đầu vào cao nên người dân hạn chế tái sản xuất.
Việc thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản cũng gặp khó do vướng các quy định về mặt thủ tục trong phòng, chống dịch Covid-19. Một số địa phương đang thiếu máy thu hoạch lúa, trong khi nhiều cánh đồng đã đến ngày thu hoạch…
Tại cuộc họp sơ kết phòng chống dịch Covid-19 hôm 2/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thu Ánh giao Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh thu gom nông sản và kết nối với Sở Y tế cung cấp cho các khu cách ly để tiêu thụ cho nông dân. Phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện/thị xã/thành phố xác định số lượng, chủng loại nông sản hàng hóa của tỉnh, kết nối cung cấp cho TP Hồ Chí Minh...