Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu Giang: Tăng trưởng nông nghiệp cao nhất 10 năm qua

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Hậu Giang cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó, ngành nông nghiệp đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Thông tin được báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra sáng 4/7.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, nửa đầu năm 2022, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng.

Kinh tế đã phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11%, cao nhất vùng ĐBSCL và xếp thứ 8 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người 58,37 triệu đồng, tăng 19% so cùng kỳ, đạt gần 97% kế hoạch.

Trong đó, công nghiệp tăng trưởng đột phá hơn 30%, do có đóng góp của nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 21,26% (cùng kỳ năm trước) lên 25,52%.

Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Giang Lam
Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Giang Lam

Đối với khu vực nông nghiệp, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng nhìn chung ngành nông nghiệp đã vươn lên như một điểm sáng, với mức tăng trưởng 4,49% (cùng kỳ 2,33%; kế hoạch là 3%). Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Diện tích rau màu, cây ăn trái tăng mạnh, chất lượng và giá trị nông sản tăng so với cùng kỳ.

Các địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 35/51 xã đạt chuẩn NTM, có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 105 sản phẩm OCOP, tăng 59 sản phẩm so cùng kỳ, trong đó có 48 sản phẩm 4 sao, 57 sản phẩm 3 sao…

Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn 3.126 tỷ đồng, đạt gần 69% dự toán trung ương giao và đạt hơn 65% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa 2.786 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu 340 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách địa phương 4.565 tỷ đồng, đạt hơn 59% dự toán trung ương và đạt hơn 57% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển 2.543 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp (DN) phát triển nhanh, vượt kế hoạch cả năm, cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm có thêm 412 DN thành lập với tổng số vốn đăng ký 2.758 tỷ đồng, tăng 13% về số DN và tăng gấp 2,8 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, bình quân quy mô vốn khoảng 6,7 tỷ đồng/DN. Số DN hoạt động và kê khai thuế đến nay là 3.050 DN, tăng 335 DN so cùng kỳ, vượt gần 3,4% kế hoạch năm.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hậu Giang có 138 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 51% so cùng kỳ), 64 DN giải thể (tăng 10%) do kinh doanh không hiệu quả, tập trung phần lớn thuộc lĩnh vực xây dựng và thương mại.

Bên cạnh những mặt đạt được, tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như khu vực thương mại dịch vụ chậm phục hồi; các khu, cụm công nghiệp không thu hút được dự án đầu tư mới, nhất là dự án FDI; tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng làm giá thành sản xuất tăng làm giảm sức cạnh tranh; tình hình thời tiết phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân…

Tỉnh Hậu Giang chuẩn bị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” với nhiều hoạt động. Sự kiện nhằm quảng bá các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh…