Hậu quả của tình trạng mua dao, kiếm quá dễ ở Lạng Sơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ các thành phố lớn mà ngay ở Lạng Sơn tình trạng các băng ổ nhóm, thậm chí là cá nhân thanh toán lẫn nhau bằng dao kiếm, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn diễn ra khá phổ biến.

KTĐT - Không chỉ các thành phố lớn mà ngay ở Lạng Sơn tình trạng các băng ổ nhóm, thậm chí là cá nhân thanh toán lẫn nhau bằng dao kiếm, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn diễn ra khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do “cơ chế” mua dao kiếm trên địa bàn này diễn ra quá “thống thoáng”.

Những vụ đâm chém nhau kinh hoàng

Qua tìm hiểu về nguồn gốc của một số hung khí trong những vụ án đâm chém nhau kinh hoàng xảy ra gần đây xảy ra trên đất Lạng Sơn chúng tôi được biết, hiện nay một bộ phận thanh thiếu niên hay đi chơi đêm trên địa bàn thường mua sẵn một số dao kiếm giấu trong người hoặc xe máy để đi chơi cho "yên tâm". Nhóm thanh niên nào đi chơi đêm cũng giấu “hàng lạnh” bên người, hễ có mâu thuẫn là rút dao kiếm ra lao vào đâm chém nhau như những con thiêu thân.

Những mâu thuẫn ấy có khi đơn giản chỉ là va quệt giao thông, nhìn đểu, cười khẩy… là dẫn đến ẩu đả, đâm chém nhau đến mức tao sống mày chết. Điều đáng nói, hầu hết các vụ phạm tội cố ý gây thương tích trên địa bàn đều sử dụng hung khí nhập lậu, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Các vụ việc xảy ra gây chấn động dư luận có thể kẻ đến vụ việc xảy ra vào hồi 14h ngày 11/4/2010, tại khu nhà trọ ở ngõ 7, Phai Vệ, phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn đã xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng. Hậu quả 1 người chết, 1 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến vụ án trên bắt nguồn từ việc trưa ngày 11/4, Lê Tiến Quang, sinh năm 1990 ở số 23/4B đường Phai Vệ điều khiển xe máy BKS 12K4-1735 khi qua ngã tư Lê Lợi – Bà Triệu đã va quệt nhẹ với xe Taxi Hồng Hải biển kiển soát 30T-4658 do Nguyễn Duy Đức, sinh năm 1988 thường trú ở Khu 2 Nông trường chè Thái Bình, Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn điều khiển. Chỉ là va quệt nhẹ nhưng hai bên đã xảy ra xô xát. Quang bị lái xe taxi và người trên xe hành hung nên đã nghĩ chuyện trả thù. Sau đó, Quang cùng cậu ruột là Hải Văn Nghĩa và Vy Hồng Táy (đều sinh năm 1980 trú tại đường Phai Vệ, Tp. Lạng Sơn) đến ngõ 7 đường Phai Vệ, chỗ trọ của lái xe Đức để "nói chuyện phải trái". Đức phản ứng lại và hai bên đã xảy ẩu đả. Hậu quả, lái xe taxi Nguyễn Duy Đức bị đâm chết, Hải Văn Nghĩa bị thương nặng.

Khi dư luận chưa hết bàng hoàng vì vụ án mạng trên thì đến đầu tháng 7/2010, một lần nữa quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn lại choáng váng vì cuộc "tập trận" của hơn 14 đối tượng thanh thiếu niên. Khi đang làm nhiệm vụ tại ngã tư đường Trần Đăng Ninh và đường Lê Hồng Phong thuộc phường Hoàng Văn Thụ, TP.Lạng Sơn, tổ công tác Công an Thành phố Lạng Sơn phát hiện 2 nhóm đối tượng mang theo dao nhọn, dao quắm, gậy để tổ chức đánh nhau. Hậu quả làm Hoàng Xuân Hòa, trú tại Bản Viển, xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn, bị chém nhiều nhát vào người phải điều trị tại bệnh viện đa khoa Lạng Sơn, một số đối tượng khác bị thương. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, tổ công tác đã nhanh chóng triển khai lực lượng tiến hành ngăn chặn và bắt giữ được 3 đối tượng gồm Đoàn Đức Định SN1992, trú tại số 27A, đường Lý Thường Kiệt, phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn, Thi Minh Tuấn SN1991, trú tại số 35, tổ 1, khối 1, và Giang Văn Đạt SN1994, trú tại khu Tát Là, cùng thuộc thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Qua đấu tranh khai thác, CATP Lạng Sơn bắt giữ thêm 11 đối tượng khác và thu giữ tang vật gồm 4 xe máy đã được dùng báo để che BKS, 6 con dao, 2 cái xẻng, 3 chai xăng. Khi tìm hiểu về nguyên nhân, được biết trong khi đi chơi hai nhóm đã xảy ra mâu thuẫn và 14 thanh niên này đã hẹn nhau đến địa điểm trên dùng hung khí trên để phân biệt... kẻ đúng, người sai!

Vì mua hung khí quá dễ

Vòng quanh các khu chợ trung tâm, chợ cửa khẩu, biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chúng tôi thấy, tuy không còn tình trạng bày bán các loại “hung khí” dao kiếm, công cụ hỗ trợ công khai nhưng vẫn còn những hộ kinh doanh ngẫm ngầm tàng trữ loại hàng đặc biệt này sẵn sang phục vụ thượng đế. Việc mua bán diễn ra rất bí mật và cẩn trọng. Thường thì các chủ hàng không dại gì mà để dao kiếm, công cụ hỗ trợ tại quầy mà cất giấu trong kho hoặc đâu đó. Khi có khách đến hỏi mua, họ phải để ý kĩ càng xem khách có thực sự có nhu cầu không. Nếu chắc chắn người đó là khách muốn mua hàng chứ không hỏi bâng quơ hay là người của cơ quan chức năng, họ mới đồng ý bán. Nếu là khách quen thì sẽ được dẫn đến nơi cất "hàng" để xem xét trước rồi mới ngã giá. Còn bình thường, hầu hết hai bên phải đi đến thoả thuận cuối cùng thì khách mới được xem và nhận hàng.

Chính vì sự bí mật và cẩn trọng này của các chủ hàng, nên không cơ quan chức năng nào có thể thống kê chính xác hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có bao nhiêu vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được bán trôi nổi trên thị trường. Cũng không ai có thể biết trong dòng người tấp nập đi lại trên đường, có bao nhiêu người, bao nhiêu chiếc xe được chủ nhân nó "găm" những hung khí có thể cướp đoạt sinh mạng của người khác chỉ bằng một nhát chém vô tình để giải quyết mâu thuẫn không đâu.

Ngoài các loại vũ khí hay gặp là dao, phớ, đao, kiếm…, chủng loại của các mặt hàng này còn vô cùng phong phú và đa dạng, như: Bình xịt hơi cay, súng bắn điện, dùi cui điện, kìm chích điện, súng đạn nhựa… Tuy không có mức sát thương như dao kiếm, song các loại súng điện có thể phóng ra một luồng điện có công suất lớn, đủ khiến một người trưởng thành khoẻ mạnh ngất xỉu ngay tại chỗ. Các loại súng đạn nhựa có lực ép khá lớn khiến người trúng đạn có thể bị thương, chưa kể bắn vào mắt hoặc các phần yếu huyệt thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Để xảy ra tình trạng buôn bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ phổ biến là do một phần đặc thù Lạng Sơn là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, hệ thống đường mòn, đường tắt qua lại biên giới. Vì vậy các đối tượng dễ dàng vận chuyển hàng hoá nhập lậu, trong đó có các loại vũ khí và công cụ hỗ trợ, từ Trung Quốc vào Việt Nam. Mặt khác, việc kinh doanh mặt hàng này đạt lợi nhuận cao, do đó các chủ hàng đã bất chấp hậu quả để lén lút tiến hành kinh doanh buôn bán.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn – Phó trưởng Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, dao kiếm được các con buôn cất dấu nhỏ lẻ tại các khe núi, các kho hàng khi có khách đặt mua các đối tượng mới lấy về giao cho khách. Bên cạnh đó, tại chợ Tân Thanh còn một số người bán hàng rong luôn thường trực chào mời khách du lịch mua hàng “lạnh”. Nếu khách có nhu cầu chỉ cần đợi 15 phút, họ đã có thể qua cửa khẩu lấy hàng hoặc đến địa điểm chúng đã cất giấu đem đến giao cho người mua. Ngoài ra, do chế tài xử phạt chưa tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi buôn bán, vận chuyển vũ khí thô sơ nên chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng buôn bán mặt hàng này vẫn thu hút được nhiều tiểu thương tham gia, gây phức tạp thêm tình hình.

Truy quét

Để lập lại tình hình ANTT trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường truy quét, bắt giữ được 31 vụ, tang vật thu giữ gồm 450 đao kiếm các loại, 125 dùi cui điện, 04 súng bắn điện, 114 bình xịt hơi cay, 48 gậy sắt, 2.600 khẩu súng đồ chơi nguy hiểm, 128kg đạn nhựa, 30 đôi côn sắt… Trong đó, điển hình ngày 17/8/2010, Công an huyện Văn Lãng đã liên tiếp bắt giữ 2 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ do Nguyễn Thị Vân Anh SN 1988, trú tại đường Nhánh Bắc, khu 1, Tân Thanh làm chủ. Qua kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 67 đao kiếm các loại, 22 dùi cui điện, 16 khẩu súng bắn đạn nhựa; 180 hộp và 09 vỉ thuốc tân dược không rõ nguồn gốc. Cùng thời điểm, tổ công tác Công an Đồn Tân Thanh phát hiện và bắt quả tang tại chỗ ở của Lô Văn Tú SN1986, tạm trú tại thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn đang tàng trữ trái phép 6 đao kiếm các loại, 10 dùi cui điện, 2 súng bắn điện, 1 súng bắn đạn hơi cay và 3 viên đạn, đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số tang vật trên và đưa các đối tượng về trụ sở để điều tra, làm rõ. Tại cơ quan điều tra các đối tượng khai nhận toàn bộ số vũ khí thô sơ trên được Vân Anh và Lô Văn Tú mua từ Trung Quốc, sau đó vận chuyển về Việt Nam và lén lút bán cho khách du lịch kiếm lời. 

Bên cạnh công tác đấu tranh với các hành vi buôn bán trái phép Công an Lạng Sơn cũng tăng cường vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo Nghị định 47/CP của Chính phủ, cơ bản thu hồi số vũ khí thô sơ trong dân với hơn 6.000 khẩu súng các loại, gần 200 lựu đạn cùng nhiều dao kiếm, dùi cui, súng điện do nước người sản xuất.

Tuy nhiên, để công tác đấu tranh với hành vi buôn bán trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ thực sự đạt được hiệu quả lâu dài đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể, lực lượng chức năng và nhà trường cần huy động sức mạnh tổng hợp để từng bước đẩy lùi tiến tới bài trừ các hành vi buôn bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc hình sự liên quan đến sử dụng “vũ khí lạnh”, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần