Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu quả của việc xử lý thiếu kiên quyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/8, ông Nguyễn Đình Thuận (SN 1968), chủ trang trại chăn nuôi lợn tại cánh đồng Xung, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã đâm trọng thương ông Nguyễn Văn Thông (73 tuổi), ở thôn Hoàng Xá, xã Lại Thượng.

Dân bức xúc vì ô nhiễm

Trực tiếp chứng kiến sự việc, chị Vương Thị Nhàn, thôn Hoàng Xá bàng hoàng cho biết, sáng 14/8, khi phát hiện ông Nguyễn Đình Thuận dùng ô tô chở cám ra khu trang trại, ông Thông và một vài người dân trong thôn đã chặn lại. Trong lúc hai bên giằng co, ông Thuận đã dùng dao đâm ông Thông trọng thương. Ngay sau đó, ông Thông được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 105 Sơn Tây, còn ông Thuận đã bỏ chạy.

 
Chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29C 033.58 chở cám tại hiện trường vụ xô sát..
Chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29C 033.58 chở cám tại hiện trường vụ xô sát..
Trước diễn biến nghiêm trọng của sự việc, sáng nay, bất chấp thời tiết nắng nóng, hàng trăm người dân thôn Hoàng Xá đã tập trung tại đầu đường, lối dẫn ra khu cánh đồng Xung. Tại hiện trường, chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29C 033.58 vẫn đỗ giữa đường, trên xe chất hàng chục bao cám cho lợn. Dưới đất, một số bao cám còn vương vãi, bục rách do va chạm.

Ông Kim Văn Thường, Trưởng thôn Hoàng Xá cho biết, xung đột xảy ra do người dân bức xúc vì các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là từ năm 2012 đến nay. Theo ông Thường, các trang trại thường xả thải vào ban đêm, trực tiếp xuống sông Tích, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân trên địa bàn.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra xung đột giữa các chủ trang trại với người dân thôn Hoàng Xá. Trước đó, một vài lần khi người dân thôn Hoàng Xá ra cản trở việc vận chuyển cám, chủ trang trại cùng người làm đã xô xát nhẹ với người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 2/2007, UBND huyện Thạch Thất có quyết định giao đất cho 3 hộ dân đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Phú Thụ, xã Lại Thượng thuê tại khu đồng Xung với tổng diện tích 23.886,1m2 để làm trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Trong đó, hộ ông Trịnh Văn Kim là 7.677,1m; hộ ông Đinh Xuân Thủy là 7.454,2m2; hộ ông Nguyễn Đình Thuận là 8.754,3m2. Thời hạn sử dụng đất là 30 năm.

Tất cả ba chủ trang đều có cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, các trang trại trên đã không thực hiện đúng cam kết này. Theo kết quả kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thạch Thất, tháng 12/2012, các chỉ tiêu như chất rắn lơ lửng (TSS), BOD5, H2S, N, P tại ba trang trại này đều vượt mức cho phép từ 2 - 5 lần. Kết quả phân tích chất lượng nước thải mới nhất theo đánh giá của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường đối với các trang trại này trong tháng 5/2013 cũng cho thấy, nhiều chỉ tiêu vượt hàng chục lần mức cho phép. Cụ thể, chỉ tiêu BOD5 vượt 9,1 lần; tổng P vượt 19,8 lần; tổng N vượt 8,1 lần...

 
Đông đảo người dân thôn Hoàng Xá tập trung tại hiện trường xảy ra vụ việc sáng 14/8.
Đông đảo người dân thôn Hoàng Xá tập trung tại hiện trường xảy ra vụ việc sáng 14/8.
Thiếu kiên quyết trong quá trình xử lý mâu thuẫn

Trước những vi phạm về môi trường trên, những năm qua, UBND huyện Thạch Thất cũng đã ra nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với chủ các trang trại này. Đơn cử, ngày 22/9/2011, UBND huyện Thạch Thất có 3 Quyết định 6682, 6683, 6684 phạt hành chính đối với các hộ ông Trịnh Văn Kim, Nguyễn Đình Thuận, Đinh Xuân Thủy, mỗi hộ 12.250.000 đồng vì xả nước thải hôi thối vào môi trường; đồng thời yêu cầu các hộ này khắc phục hậu quả. Tiếp đến, ngày 10/1/2013, UBND huyện có 3 Quyết định 323, 324, 325 xử phạt hành chính đối với 3 hộ trên với tổng số tiền là 14 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả.

Trở lại câu chuyện xung đột giữa người dân thôn Hoàng Xá và các chủ trang trại chăn nuôi, từ cuối tháng 3/2013, do quá bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường, người dân thôn Hoàng Xá đã xây dựng cột bê tông chắn đường cản trở việc vận chuyển thức ăn vào và lợn xuất chuồng ra. Trước tình hình căng thẳng, tối 23/4/2013, người dân, đại diện chính quyền xã, thôn và các chủ trang trại đã họp để giải quyết vấn đề. Người dân thôn Hoàng Xá đã thống nhất để cho các trang trại tiếp tục tiếp tục nuôi số lợn đang có ở trại trong vòng 90 ngày và không được nhập giống về nuôi.

Tuy nhiên, tới ngày 24/7, tức là đã qua thời hạn 3 tháng, các trang trại vẫn tiếp tục vận chuyển thức ăn vào khu chăn nuôi. Do chủ trang trại không thực hiện đúng cam kết nên người dân thôn Hoàng Xá tiếp tục túc trực, cản trở việc vận chuyển thức ăn vào trang trại.

Ông Ngô Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Thượng cho biết, các chủ trang trại phản ánh vẫn còn 1.100 con lợn chưa tiêu thụ được nhưng không báo cáo kịp thời để xã giải quyết, dẫn tới mâu thuẫn càng lên cao.

Điều đáng nói là UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã tuyên truyền, giải thích rõ cho nhân dân về chấp hành quy định của pháp luật và tự nguyện tháo dỡ cột bê tông, rào chắn gây cản trở giao thông trên địa bàn trước ngày 24/4/2013. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm xảy ra vụ việc trên, hai cột bê tông vẫn còn tồn tại.

Hơn nữa, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoài, cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thạch Thất, nếu chính quyền địa phương sát sao, giám sát thường xuyên hoạt động sản xuất của các trang trại sẽ nắm bắt sớm hơn thực trạng để có hướng giải quyết kịp thời, trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra.

Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cho biết, huyện đã giao cho Công an huyện điều tra, làm rõ sự việc xô xát, gây thương tích tại thôn Hoàng Xá. Đồng thời, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục giải quyết mâu thuẫn giữa nhân dân thôn Hoàng Xá và các chủ trang trại để sớm lập lại trật tự xã hội tại địa phương.