Hậu quả nhãn tiền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tuần sau khi gói trừng phạt bổ sung của Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác nhằm vào Nga có hiệu lực, những hậu quả nhãn tiền khi áp đặt trừng phạt Moscow đã buộc các quốc gia phương Tây phải tính toán lại đối sách.

Theo kế hoạch vừa được bà Kotsyanchich Maya - phát ngôn viên của người đứng đầu Hội đồng Đối ngoại EU đưa ra hôm 23/9, EU có thể nhóm họp vào ngày 30/9 để xem xét lại các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga và thảo luận về kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Động thái này cho thấy, khi gây sức ép với Nga trong vấn đề Ukraine, châu Âu đã không lường trước được rằng các thành viên của EU sẽ bị thiệt đơn, thiệt kép khi bị Nga tung đòn đáp trả, trước hết trong lĩnh vực năng lượng. Vì thế, nhiều nhà phân tích nhận định, rất có thể, các thành viên EU sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ dần dần một số lệnh trừng phạt.

 
Khí đốt luôn là con át chủ bài để Nga đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Ảnh: AP
Khí đốt luôn là con át chủ bài để Nga đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Ảnh: AP
Trong khi đó, với Ukriane - nhân vật chính của cuộc chơi trừng phạt, trả đũa giữa Nga - EU, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua cho thấy nước này sẽ tiếp tục phải nếm trải "trái đắng" từ các đòn trả đũa của Moscow. Bên cạnh việc tìm cách trấn an các thị trường tài chính bằng cách cam kết hỗ trợ đồng nội tệ hryvnia vốn đã xuống đến mức thấp kỷ lục so với các đồng tiền khác do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự ở miền Đông, các nhà lãnh đạo Ukraine phát đi thông điệp cho rằng Ukraine sẵn sàng chấp nhận mua khí đốt của Nga với mức giá thị trường, cao hơn mức giá mà nước này muốn mua. Trên thực tế, Ukraine không có một lựa chọn nào khác khi Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết, do thiếu hụt khí đốt để sưởi ấm, trong mùa đông tới, nhiệt độ tiêu chuẩn trong các căn hộ ở thủ đô sẽ giảm từ 1 - 2 độ, và có nguy cơ ngừng cung cấp nước nóng tới các tòa nhà. Nhằm tiết kiệm nguồn khí đốt ông Prodan tuyên bố tất cả mọi người dân Ukraine cần phải trả tiền mua khí đốt theo mức giá thị trường - điều mà chắc chắn không phải người nào cũng có thể thực hiện được trong tình thế khó khăn hiện nay.

Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine Yuri Prodan cho biết các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân nước này đã ký thỏa thuận nhập khẩu 5,6 triệu tấn than của Nga, Nam Phi nhằm đảm bảo hoạt động cho các nhà máy nhiệt điện trong điều kiện Nga đang cắt nguồn cung cấp khí đốt do Ukraine chưa trả nợ. Đồng thời, kỳ vọng nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc tranh chấp năng lượng Nga - Ukraine có thể được giải quyết tại cuộc gặp 3 bên cấp bộ trưởng (giữa EU, Nga và Ukraine) bàn về vấn đề năng lượng diễn ra tại Thủ đô Berlin (Đức) vào ngày 26/9 tới. Ông Prodan nhấn mạnh Ukraine ủng hộ các đề xuất thỏa hiệp với Nga do EU đề xuất, đồng thời Kiev cũng đang tham vấn với EU để xây dựng các thỏa hiệp.

Trước đó, hôm 23/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, việc cần làm ngay lúc này là khẩn trương giải quyết vụ tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine. Cùng ngày, Cao ủy phụ trách năng lượng châu Âu, ông Gunther Oettinger cho biết, hiện các bên đang tìm kiếm một giải pháp tạm thời cho mùa Đông tới cho đến tháng 4 sang năm, giúp Ukraine có thể mua vài tỷ mét khối khí đốt của Nga theo giá thị trường tạm thời trong lúc chờ đợi Tòa án Trọng tài Stockholms ra phán quyết. Ông Oettinger cũng phản đối áp dụng biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực khí đốt, cũng như sử dụng tính chất thông suốt trong cung cấp năng lượng như một công cụ chính trị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần