Hậu thu hồi đất cần cái nhìn đúng tầm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vấn đề bồi thường, tái định cư, giúp người dân ổn định cuộc sống sau thu hồi đất là một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi ngày 19/11.

>>>Công tác quản lý đất đai còn thiếu và yếu

ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng cần xem xét một cách kỹ lưỡng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế. Chúng ta đã thu hồi quá nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân goft và một số các dự án khác. Song sau đó vì nhiều lý do khác nhau, một số dự án để hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người nông dân không có đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài”.

Do đó, đại biểu đề nghị: Để đảm bảo tính hợp hiến, dự thảo luật sửa đổi nên quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA thì sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất.

ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng cho rằng nên áp dụng bằng cơ chế trưng mua. Ngoài ra, với các dự án kinh tế, nên áp dụng cơ chế thỏa thuận, để nhà đầu tư và người dân cùng thực hiện thỏa thuận, kể cả việc cho mượn, cho thuê hay góp vốn bằng các thủ tục hành chính. Riêng đất nông nghiệp, khi nhà nước trưng mua, trưng dụng thì nên bồi thường thỏa đáng cho dân. Đồng thời, nên áp dụng hình thức chuyển thành cổ phiếu cho người dân khi họ không còn đất để sản xuất.

Nhấn mạnh đến việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa tạo ra bước đột phá trong những quy định về vấn đề này, các ĐBQH cho rằng, điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi thì dự thảo luật lại chưa tính đến cụ thể và chỉ quy định như: trường hợp bố trí vào khu tái định cư thì khu tái định cư phải bảo đảm có điều kiện kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

ĐB Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh: “Tôi cho rằng khi tính toán bồi thường tái định cư chúng ta phải tính toán đến điều đó, đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà thành không có nhà sau khi bị thu hồi đất”.

Đại biểu lấy ví dụ: Một gia đình có 4 nhân khẩu chung sống trong một căn hộ gắn liền với mảnh đất có diện tích khoảng 50m2, khi Nhà nước thu hồi đất họ được bồi thường khoảng 400 triệu đồng và được cấp một mảnh đất định cư gần 100m2 với hạ tầng kỹ thuật tốt nhưng phải nộp thêm 300 triệu đồng, vậy họ sẽ lấy đâu tiền để xây nhà? Phương án họ phải lựa chọn hoặc là phải vay tiền để xây nhà hoặc là phải bán lúa non để mua một mảnh đất khác phù hợp với túi tiền. Điều đó vô hình chung lại đẩy họ vào tình trạng khó khăn hơn trước gấp nhiều lần.

Nhiều ĐB cho rằng, việc di chuyển chỗ ở gây ra những xáo trộn đời sống của người dân, có những thiệt hại hữu hình như nhà ở, đất đai, đồng ruộng nhưng cũng có những thiệt hại vô hình về tâm lý an cư, các mối quan hệ cuộc sống, cơ hội làm ăn, phát triển mà người dân đã tạo lập, hoàn thiện dần và dày công vun đắp tại nơi ở cũ.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nhấn mạnh: Trong vấn đề tái định cư, tiền bồi thường, đền bù không phải quan trọng nhất mà là công ăn việc làm. Đây vẫn là vấn đề gây băn khoăn nhất cho người dân. Với các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt khai khoáng, đại biểu cho rằng cần đưa ra quy định về chia sẻ lợi ích với dự án. Buộc phải lập tổ chức quan hệ cộng đồng để nghiên cứu tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân hoặc ít nhất cho cộng đồng dân cư của khu vực chịu tác động của dự án. Như vậy sẽ có hướng tổ chức công ăn việc làm cho người dân ở vùng bị mất đất.

Các ĐB cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng chỉ dừng ở mức xem xét, hỗ trợ người bị thu hồi đất tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống. Quy định như vậy vừa không ràng buộc trách nhiệm, vừa thiếu cụ thể trong việc bảo đảm sinh kế của người bị thu hồi đất vì vẫn chỉ coi đó là khoản hỗ trợ được xem xét. Đây là vấn đề cần lưu ý và xem xét kỹ lưỡng.