Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy để người tiêu dùng lựa chọn

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/2, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức đối thoại với các DN, hiệp hội, Bộ, ngành… liên quan đến Nghị định 116/2017/NĐ - CP về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô còn nhiều tranh cãi.

Xung quanh những quy định này, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có không ít phản hồi về tính khả thi. 
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đến nay, qua gần 2 tháng Nghị định có hiệu lực (từ 1/1/2018), vẫn chưa có DN ô tô nào đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu trên. Nhiều DN nhập khẩu ô tô than quy định ngặt nghèo trong nhập khẩu khẩu ô tô theo Nghị định 116. Thông tin mới được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, mới chỉ 27 xe con nhập về sau ngày 1/1/2018.

Chủ trương ban đầu của chính sách là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy DN đầu tư dài hạn phát triển ngành ô tô trong nước, cân đối nguồn cung xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu, nâng cao chất lượng ô tô và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng tăng cơ hội sở hữu xe chất lượng ngày càng tốt hơn. Song thực tế, nhìn vào giá bán xe được nhiều nhà sản xuất công bố cho năm 2018 có thể thấy rõ những kỳ vọng của người dân về việc giá xe giảm sâu đã không diễn ra. Một số “hàng rào kỹ thuật mới” khiến cho mỗi một lô xe nhập khẩu về bị đội thêm hàng loạt chi phí.

Thị trường ô tô muốn có lợi cho người tiêu dùng, Chính phủ thu được thuế thì phải giải quyết được rào cản về giá và tạo lập thị trường có sự cạnh tranh bình đẳng, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết. Vì chỉ có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có nhiều cơ hội sở hữu xe phù với giá phù hợp. Để tạo cạnh tranh tự do, thị trường cần có cả xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, lựa chọn xe nào là quyết định của người tiêu dùng. Do vậy, nên để người tiêu dùng được chủ động lựa chọn hàng hóa tốt hơn, với giá thành rẻ hơn, thay vì điều tiết tiêu dùng thông qua công cụ chính sách.

Hài hòa lợi ích các bên và phù hợp các cam kết, thông lệ quốc tế phải là căn cứ chủ đạo trong định hướng hoàn thiện chính sách quản lý Nhà nước trong quá trình hội nhập. Việc sản xuất lắp ráp hay nhập khẩu nên là vấn đề của thị trường, nghĩa là sự điều tiết mối quan hệ của nhà sản xuất và người tiêu dùng, chứ không nên là của người làm luật. Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiệm cận thế giới và thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế toàn diện của Chính phủ, cần tuân thủ những khái niệm, chuẩn mực quốc tế đã ban hành.