Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đã đề ra những giải pháp khá cụ thể. Trong đó được đặc biệt quan tâm là việc dự kiến đến năm 2030 sẽ tổ chức 10 làn đường ưu tiên cho xe buýt. Trước mắt, giai đoạn 2021 - 2025 nghiên cứu để tổ chức 5 làn ưu tiên với tổng chiều dài gần 23km trên các tuyến đường: Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng, Xã Đàn, Võ Chí Công,Võ Văn Kiệt. Giai đoạn 2026 - 2030, thêm 5 làn trên các tuyến: Nhổn - Hồ Tùng Mậu, Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín, Trần Duy Hưng - Hòa Lạc, Mỹ Đình - Nội Bài, Thường Tín - Phú Xuyên. Bên cạnh giải pháp thiết lập làn đường ưu tiên, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường, tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị, số hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt, xây dựng các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho hành khách đi xe buýt… nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Có khá nhiều ý kiến bàn thảo về kế hoạch này, đặc biệt là tính khả thi của giải pháp thiết lập làn đường ưu tiên dành cho xe buýt. Song có thể khẳng định, đây là những công việc cấp thiết nếu muốn giải quyết các vấn đề của giao thông thành phố như nạn ùn tắc, tai nạn giao thông… Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng, có một vấn đề cũng rất cần quan tâm, đó là vai trò của người dân trong việc biến những mục tiêu trên thành hiện thực. Lâu nay chúng ta vẫn có quan niệm cho rằng, người dân sẽ từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là xe gắn máy để đến với các phương tiện vận tải công cộng, đặc biệt là xe buýt, khi họ thấy được sự tiện lợi của nó. Đó là một quy luật. Nhưng có lẽ cũng nên nghĩ tới một quy luật khác ở chiều ngược lại. Một loại hình vận tải công cộng, mà cụ thể ở đây là xe buýt chỉ có thể phát triển, nếu được người dân ủng hộ, lựa chọn. Chắc chắn là người dân Hà Nội cũng như một số thành phố khác đều thấy rõ được cái lợi to lớn của việc xây dựng, phát triển và sử dụng hệ thống vận tải công cộng, trong đó có xe buýt. Họ chưa mặn mà với xe buýt là bởi chưa thật sự thuận lợi. Nhưng cũng cũng có một thực tế là trong quá khứ, có những thời gian xe buýt còn kém thuận lợi hơn rất nhiều so với hiện nay, nhưng người dân chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, thậm chí cả các vị giáo sư khả kính vẫn chọn xe buýt là phương tiện đi lại. Đơn giản là họ không có lựa chọn nào khác tiện lợi hơn. Và đó là lý do trong những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, các tuyến xe buýt của Hà Nội vẫn phát triển dù người đi phải chen chúc, thậm chí chỉ đứng một chân suốt chặng đường dài, phải đi bộ cả cây số để tới bến đỗ… Mục tiêu của chúng ta là hướng tới một hệ thống vận tải công cộng tiện ích, hiện đại, phục vụ thật tốt cho người dân. Nhưng như trên đã nói, để mục tiêu đó trở thành hiện thực, rất cần sự vào cuộc, ủng hộ của người dân. Vậy thì nên chăng, cùng với các biện pháp nỗ lực của chính quyền, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trong cả nước mở một cuộc vận động người dân đi xe buýt, giống như cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã rất thành công? Làm sao để mỗi người dân hiểu và chấp nhận đôi chút bất tiện của xe buýt hiện tại, ủng hộ nó để nó ngày một trở nên thuận tiện hơn, thay vì ngồi đợi đến khi nó được như mong muốn. Đó cũng là cách người dân chung tay với chính quyền để Hà Nội và các đô thị trong cả nước ngày một văn minh, hiện đại hơn!