Mưa liên tục cả tháng trời, gây lũ cao, sạt lở đất, gió giật với bao nhiêu thiệt hại. Cũng chưa bao giờ, một cơn bão nhỏ tưởng đi qua rồi thôi mà ảnh hưởng nặng nề đến thế.
Với Hà Nội, cơn bão đi qua, hoàn lưu sau bão là những cơn mưa như trút nước, làm ngập nhà cửa, trường học, đường phố, khu chung cư, khu vui chơi giải trí... Đã trở thành quy luật mới: Bão không gây thiệt hại bằng hoàn lưu bão. Tình trạng ngập úng xảy ra nghiêm trọng, không phải chỉ là vài chục điểm trước đây hễ mưa là ngập, mà còn thêm hàng chục điểm khác, nhất là các đường phố, nhà cửa ở các khu đô thị mới xây dựng.
Một hiện tượng mới, đó là không chỉ các tầng hầm khu chung cư mới xây nữa, mà cả đường hầm Kim Liên, nhà cửa, đường phố, khu chung cư mới xây dựng cũng bị ngập. Càng ra mạn Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoài Đức,… như khu đô thị mới Văn Phú, Yên Phú hay Định Công, Yên Hòa, Nhân Chính, Lê Trọng Tấn… úng ngập càng tăng. Ở các khu phố cổ, khu trung tâm cũ, tình trạng làm đường cao hơn nền nhà, biến nhà thành hầm như ở phố Nguyễn Khuyến, Thụy Khuê, Đội Cấn khá phổ biến. Người dân các khu phố này phải cắt điện, tát nước, be bậu cửa, thuê thuyền chở về nhà, thuê gửi xe, chuyển đồ đạc, thậm chí là sơ tán tạm. Các phố Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Trường Chinh, Giải Phóng, Dương Đình Nghệ, Lương Thế Vinh… nước ngập sâu đến nửa mét, khiến các phương tiện không thể qua lại được.
Có người phát biểu trên báo chí cho rằng tại quy hoạch, mỗi vùng một quy hoạch, không có “cốt” thống nhất, nên nông nỗi này. Có người cho rằng các quy hoạch “đá nhau”, quy hoạch này chắn đường nước thoát của quy hoạch kia. Có thể những ý kiến ấy có lý đúng. Nhưng nhìn tổng thể vẫn là chúng ta phát triển đô thị quá nóng, không chú trọng đến chất lượng, nhất là chất lượng các công trình ngầm là nguyên nhân chính của tình trạng hiện nay.
Bây giờ, với những đường phố, những chung cư… kết quả của lối làm ăn tắc trách, không nghĩ đến lợi ích chung, sửa chữa chắc sẽ rất khó, có thể nói là không làm được nữa. Vấn đề còn lại là với những công trình đang làm hoặc sẽ làm, phải chu đáo và có trách nhiệm hơn. Cụ thể là UBND TP chỉ cho phép những công trình nhà ở được xây lên khi phù hợp với quy hoạch chung, đã có hạ tầng thoát nước đầy đủ và phải đẩy mạnh dự án thoát nước giai đoạn 2 trước mùa bão năm nay. Vẫn biết Hà Nội trong một vùng đất yếu, bốn bề bao bọc bởi sông, cốt đất của Hà Nội còn thấp hơn đáy sông, nhưng vì cuộc sống của gần 8 triệu người, vì Thủ đô của cả nước mà suy nghĩ và hành động.
Mùa mưa bão đã đến, chẳng lẽ cứ mỗi đợt mưa, báo chí cả nước lại nhằm vào những bất cập ngày càng tăng của Hà Nội để nói.