Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HĐND đổi mới chung sức vào sự phát triển Thủ đô

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

KTDT - Thời gian qua, HĐND TP Hà Nội đã làm tròn vai trò cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương, được cử tri và Nhân dân Thủ đô tin tưởng, đánh giá cao.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND TP được thể hiện qua việc ban hành các nghị quyết đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, chung sức thúc đẩy sự phát triển Thủ đô.

Các nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn

HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong thời điểm hết sức đặc biệt: dịch Covid-19 bùng phát, phức tạp. Trước bối cảnh đó, cùng với các biện pháp phòng chống dịch được triển khai thì các nhiệm vụ của nhiệm kỳ vẫn cần được bảo đảm, do đó, HĐND TP đã linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động giám sát, tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến; trực tuyến kết hợp trực tiếp tuỳ theo diễn biến dịch bệnh.

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại huyện Gia Lâm (tháng 5/2023).
Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại huyện Gia Lâm (tháng 5/2023).

Cùng với đó, công tác chuẩn bị cho các kỳ họp được thực hiện từ sớm, từ xa. Các kỳ họp đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, thiết thực về các cơ chế, chính sách, có tác động sâu rộng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của TP.

Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND TP luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với thực tiễn của TP.

Riêng trong năm 2023, HĐND TP đã thông qua hơn 80 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng về các cơ chế, chính sách, có tác động sâu rộng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của TP. Có thể kể đến một số nghị quyết tiêu biểu như Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với 24 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm; triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Các nghị quyết chuyên đề HĐND TP thông qua như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới; Tổng biên chế hành chính sự nghiệp; Sáp nhập thôn, tổ dân phố; Các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo; Các lực lượng, cán bộ làm việc tại cơ sở… Đây là những chính sách quan trọng, tác động sâu rộng, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Thủ đô.

Trước đó tại các kỳ họp, HĐND TP ban hành Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội từ nguồn vốn ngân sách TP. Đây là dự án quan trọng Quốc gia và Thường trực HĐND TP, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP thường xuyên giám sát thực hiện Nghị quyết.

Và thực tế dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khởi công và đang thực hiện đúng tiến độ. Hay các đề án phân cấp, ủy quyền; đề án quản lý, khai thác tài sản công; đề án cải tạo chung cư cũ; kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ các di tích lịch sử văn hóa... cùng nhiều đề án quan trọng khác trên các lĩnh vực đã được thực hiện có hiệu quả, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Rõ hiệu quả hoạt động chất vấn, giám sát

Để bảo đảm các nghị quyết phát huy hiệu quả khi đi vào cuộc sống, HĐND TP đã có cơ chế giám sát chặt chẽ dưới nhiều hình thức khác nhau như: giám sát chuyên đề; giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát thông qua kênh tiếp xúc cử tri...

Đặc biệt, từ năm 2022, HĐND TP đã áp dụng linh hoạt, có hiệu quả "cẩm nang" là Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND với nhiều đổi mới, đúng trọng tâm, trọng điểm thuộc lĩnh vực quan trọng.

Sau mỗi kỳ họp, HĐND TP đều lựa chọn chuyên đề giám sát và đưa vào kế hoạch của năm tiếp sau tập trung vào những vấn đề nóng, cấp bách, được nhiều cử tri quan tâm. Qua giám sát đã kịp thời đôn đốc, thúc đẩy tiến độ cũng như chấn chỉnh kịp thời những đơn vị làm chưa đúng, từ đó, bảo đảm nghị quyết phát huy được hiệu quả khi đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, hoạt động giám sát trực tiếp tại kỳ họp luôn được HĐND TP đề cao, tập trung vào các vấn đề dân sinh bức xúc, “truy” trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực phụ trách để cử tri cùng theo dõi, giám sát.

Sau mỗi phiên chất vấn, tái chất vấn, HĐND đã ban hành nghị quyết riêng, trong đó có nêu rõ nội dung cam kết, đơn vị cam kết, mốc thời gian cam kết hoàn thành. Đây là cơ sở để Thường trực và các Ban HĐND, các đại biểu HĐND làm căn cứ giám sát. Do vậy, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án luôn được theo dõi sát sao; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn TP Hà Nội”, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp TP Hà Nội đã được tăng lên rõ rệt.

Tích cực xây dựng và triển khai thực hiện Luật Thủ đô

Thời gian qua, HĐND TP đã tham gia đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật Thủ đô 2024 được thông qua với 9 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, tăng thẩm quyền cho TP Hà Nội. Những chính sách trong Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát huy tốt mọi tiềm năng, thế mạnh; huy động hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 đã chính thức luật hóa mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội; tăng thẩm quyền cho HĐNĐ, UBND; quy định bổ sung thẩm quyền của Thường trực HĐND; tăng số lượng đại biểu HĐND, trong đó tăng 25% số đại biểu chuyên trách... Đồng thời, số lượng Phó Chủ tịch và thành viên Thường trực HĐND cũng tăng lên.

Cùng với việc tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách sẽ thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp; bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Để phát huy những thẩm quyền được trao góp phần đưa Luật vào cuộc sống, tạo tiền đề để đưa Thủ đô phát triển bứt phá, thời gian tới HĐND TP sẽ ban hành các nghị quyết để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách.

Đồng thời HĐND các cấp TP Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới trong công tác giám sát để phù hợp, đáp ứng yêu cầu mới về thẩm quyền gắn liền với trách nhiệm của HĐND các cấp theo mô hình chính quyền đô thị với những đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội.

Tất cả những thay đổi đều tiếp tục bám sát các tiêu chí: thực chất, cụ thể, rõ hiệu quả, rõ địa chỉ, “gọi tên” được những tác động của từng nội dung giám sát, chất vấn, tái giám sát và tái chất vấn. 

 

Từ những kết quả nổi bật, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của HĐND TP đã để lại dấu ấn đậm nét. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, hoạt động của HĐND các cấp TP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao, là “làn gió tươi mới", là "hình mẫu", "điểm sáng" trong hoạt động của các cơ quan dân cử cả nước.