HĐND huyện Gia Lâm tán thành chủ trương thành lập 4 đơn vị hành chính cơ sở
Kinhtedothi-Ngày 25/4, HĐND huyện Gia Lâm khóa XX, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 22 (Kỳ họp chuyên đề) xem xét, quyết nghị thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Gia Lâm theo quy định và thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND huyện.

Các đại biểu dự Kỳ họp.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết: Ngày 20/4/2025, toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã đồng loạt tổ chức việc lấy ý kiến của cử tri về phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã và dự kiến tên gọi các đơn vị hành chính mới. Kết quả, số cử tri đồng ý đạt 98,32% đã thể hiện sự tin tưởng, đồng thuận, thống nhất cao của cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.
Đồng thời, kết quả các kỳ họp HĐND của 17 xã, thị trấn đã thống nhất 100% về việc tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã TP Hà Nội trên địa bàn huyện Gia Lâm theo quy định.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.
Theo thẩm quyền, Kỳ họp thứ 22, HĐND huyện sẽ xem xét, thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Gia Lâm. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Cũng tại kỳ họp này, HĐND huyện sẽ xem xét thông qua quyết toán thu, chi ngân sách huyện Gia Lâm năm 2024.
Báo cáo của UBND huyện Gia Lâm cho thấy, UBND TP Hà Nội đã thống nhất phương án sắp xếp lại 17 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Gia Lâm, thành lập 04 đơn vị hành chính cơ sở gồm:
Thành lập đơn vị hành chính cơ sở Phù Đổng với diện tích tự nhiên trên 44,50km2; quy mô dân số hơn 117.000 người; bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã: Yên Thường, Yên Viên, Thiên Đức, Ninh Hiệp, Phù Đổng và thị trấn Yên Viên; một phần diện tích tự nhiên, dân số của các xã Cổ Bi, Đặng Xá. Dự kiến trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị hành chính cơ sở Phù Đổng đặt tại xã Thiên Đức hiện nay.
Thành lập đơn vị hành chính cơ sở Thuận An với diện tích tự nhiên 32,53km2; quy mô dân số 86.137 người. Địa giới hành chính gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã Lệ Chi, Dương Quang (Gia Lâm); phần lớn diện tích tự nhiên, dân số các xã Phú Sơn, Đặng Xá, Cổ Bi (Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên, dân số xã Dương Xá (Gia Lâm). Dự kiến trụ sở của Đảng uỷ, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đặt tại Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đặng Xá hiện nay.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền phát biểu tại Kỳ họp.
Thành lập đơn vị hành chính cơ sở Gia Lâm với diện tích tự nhiên 21,33km2; quy mô dân số 56.480 người; bao gồm phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Trâu Quỳ và các xã: Kiêu Kỵ, Dương Xá, Cổ Bi (Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thạch Bàn (Long Biên) và các xã Đặng Xá, Phú Sơn, Đa Tốn, Bát Tràng (Gia Lâm). Dự kiến trụ sở của Đảng uỷ, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đặt tại trụ sở Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện hiện nay.
Thành lập đơn vị hành chính cơ sở Bát Tràng với diện tích tự nhiên trên 22km2; quy mô dân số hơn 58.000 người; bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã Kim Đức; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Bát Tràng, xã Đa Tốn; một phần diện tích tự nhiên, dân số các phường Cự Khối, Thạch Bàn (quận Long Biên) và thị trấn Trâu Quỳ, xã Kiêu Kỵ. Dự kiến trụ sở của Đảng uỷ, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của ĐVHC cơ sở Bát Tràng đặt tại xã Bát Tràng hiện nay.
Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND huyện đã tập trung thảo luận, đề xuất một số điều chỉnh về ranh giới hành chính giữa các xã mới cho phù hợp với thực tế và biểu quyết thông qua Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội đối với huyện Gia Lâm.

Đối với nội dung Quyết toán NSNN huyện Gia Lâm năm 2024, kết quả thu NSNN trên địa bàn năm 2024 hoàn thành vượt cao so với dự toán giao (đạt 147,6%). Về chi ngân sách, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thu, chi ngân sách, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, linh hoạt, cân đối ngân sách; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư XDCB, điều chỉnh, điều hòa kế hoạch đầu tư công kịp thời so với tiến độ thu ngân sách trong đó có thu tiền sử dụng đất…
Ngay sau kỳ họp, HĐND, UBND huyện cần hoàn thiện hồ sơ có liên quan theo quy định kèm theo nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của HĐND huyện, trình HĐND TP thông qua, báo cáo Bộ Nội vụ và trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Huyện Gia Lâm dự kiến thành lập 4 xã sau sắp xếp
Kinhtedothi-Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội về việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, huyện Gia Lâm đã vào cuộc triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện một cách bài bản, khoa học.

Huyện Gia Lâm: gặp mặt các đại biểu trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ
Kinhtedothi-Ngày 23/4, Huyện ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị gặp mặt đại biểu là cựu chiến binh (CCB), cựu Công an Nhân dân (CAND), cựu thanh niên xung phong (TNXP) trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Huyện Gia Lâm: các xã, thị trấn thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Kinhtedothi-Ngày 24/4, HĐND các xã, thị trấn huyện Gia Lâm đồng loạt tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp cơ sở trên địa bàn huyện và xem xét quyết định một số nội dung quan trọng khác.