Quỹ nhà tái định cư để trống còn khá nhiều gây lãng phí
Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Bích Thuỷ (quận Cầu Giấy) chất vấn, công tác quản lý, sử dụng, khai thác quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được TP quan tâm và ban hành nhiều văn bản quy định về công tác quản lý.
Tuy niên, qua hoạt động kiểm tra, giám sát cho thấy thực trạng công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn TP vẫn còn thiếu dẫn đến vi phạm. Trong tổng số 199 toà nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ thì có tới 650 căn hộ có vi phạm khi đơn vị quản lý tự ý cho vào ở trong khi các hộ chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê nhà. Hiện nay mới khắc phục được 396 căn.
Đề nghị, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng công tác kiểm tra, thanh tra của Sở khi xảy ra những vi phạm đã nêu? Đối với những căn hộ chưa khắc phục Sở đã tham mưu và có những giải pháp gì để giải quyết dứt điểm?
ĐB Lâm Thị Quỳnh Giao (quận Nam Từ Liêm) chất vấn, qua giám sát HĐND TP thấy quỹ nhà tái định cư để trống còn khá nhiều gây lãng phí tài sản Nhà nước. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng và trách nhiệm của đơn vị nào khi quỹ nhà chưa bàn giao đã xuống cấp? Bên cạnh đó, hiện có khoảng hơn 700m2 diện tích tầng 1 nhà chung cư tái định cư sử dụng sai phép. Đề nghị Sở cho biết trách nhiệm của Sở và việc xử lý vi phạm này bao giờ hoàn thành?
ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng (quận Đống Đa) nêu vấn đề, theo báo cáo Sở Xây dựng tháng 5/2022 về công tác quản lý tài sản công thì hiện nay trên địa bàn TP có hơn 15.000m2 tầng 1 nhà chung cư tái định cư, nhà ở xã hội TP giao cho các đơn vị kinh doanh, quản lý, cho thuê còn để trống. Trong khi đó nhiều nơi phần diện tích này đang bị lấn chiếm. Đề nghị, Sở với trách nhiệm của mình cho biết nguyên nhân, trách nhiệm trong việc để lãng phí diện tích này và hướng tham mưu cho TP xử lý đối với vấn đề này?
ĐB Lê Như Đức (huyện Quốc Oai) chất vấn, qua nghiên cứu thấy Quyết định số 03 của UBND TP đã quy định rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng là đề xuất, hoàn chỉnh phương án giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ hàng năm. Tuy nhiên đến nay TP chưa ban hành quyết định gây lãng phí. Đề nghị, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Sở và giải pháp để khắc phục vấn đề trên?
ĐB Trần Khánh Hưng nêu vấn đề, quỹ nhà tái định cư bị trống, trong khi đó, theo chương trình phát triển nhà đến năm 2030 rất lớn, nhưng lý do tại sao quỹ nhà trống lại lớn như vậy? Việc triển khai thí điểm đặt mua nhà tái định cư đã được TP, Thành ủy triển khai từ nhiều năm qua, vậy tiến độ thực hiện ra sao?
ĐB Nguyễn Quang Thắng (Long Biên) cho rằng, hiện nay diện tích kinh doanh tầng 1 nhà tái định cư là hơn 15.000m2 nhưng chưa được cho thuê, gây lãng phí ngân sách. Vậy trách nhiệm thuộc đơn vị nào, trách nhiệm của Sở Xây dựng đến đâu?
Sở Xây dựng được giao đấu giá quyền kinh doanh dịch vụ tại các khu tái định cư, vậy lộ trình thực hiện ra sao, trách nhiệm của Sở Xây dựng thế nào?
Qua giám sát, tại các quận nội thành thiết chế văn hóa tại các khu tái định cư rất kém, người dân có ý kiến dành 1 phần diện tích tầng 1 tại khu tái định cư làm nhà sinh hoạt cộng đồng, ý kiến của Sở Xây dựng về vấn đề này như thế nào?
Trong 650 căn hộ có vi phạm, đã khắc phục được 396 căn, còn 254 căn
Trả lời chất vấn về nội dung nhà tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong nêu rõ trách nhiệm về 254 căn nhà tái định cư.
Theo quy định của TP, cơ quan tiếp nhận quản lý các căn hộ tái định cư giao cho Công ty quản lý phát triển Nhà Hà Nội. Trong 650 căn hộ có vi phạm, đã khắc phục được 396 căn, còn 254 căn.
Về trách nhiệm của Sở, Sở đã ban hành kế hoạch và quyết định tổ công tác đôn đốc Công ty xử lý vi phạm bố trí và sử dụng các căn hộ tái định cư. Về lộ trình, Sở tiếp tục đôn đốc Công ty rà soát và đôn đốc xử lý thu các trường hợp chưa nộp. Theo kế hoạch của Công ty Nhà, đến năm 2022 cơ bản xử lý xong vi phạm.
Đối với các trường hợp chây ì trong việc nộp tiền hoặc ký hợp đồng mua nhà, Sở sẽ kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ, trong trường hợp vi phạm chiếm dụng tài sản nhà nước thì phải xử lý theo quy định.
Về 700m2 đang sử dụng sai tại 17T10 Trung Hòa Nhân Chính và N01 Láng Thượng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đã thiết lập hồ sơ trình UBND TP quyết định thu hồi 2 trường hợp này.
Sở đã phối hợp với Công ty Nhà, UBND quận Đống Đa, UBND quận Cầu Giấy để triển khai công tác thu hồi. Tuy nhiên việc thu hồi đang gặp khó khăn, vì vậy Sở đang thiết lập hồ sơ trình UBND TP để ra quyết định cưỡng chế thu hồi.Về diện tích 15 nghìn m3 tầng 1 đang để trống và đề xuất phương án giá cho thuê, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, 15.000 m2 tầng 1 hình thành từ qua công tác đấu giá thuê tầng 1 của chung cư tái định cư không thành công (khoảng 4.800m2).
Ngoài ra còn từ việc thu hồi tại 28 điểm vi phạm (khoảng 5.500m2); thu hồi từ 13 vị trí nhà chung cư có vi phạm trong thời gian vừa qua (không nộp tiền thuê, sử dụng sai mục đích).
Vừa qua, các diện tích tầng 1 này có 118 điểm, trong đó có 66 điểm đang cho thuê ổn định. Để xác định giá cho thuê, bao giờ sắp kết thúc hợp đồng thì sẽ xác định giá để thực hiện đấu thầu cho thuê cho giai đoạn tiếp theo. Còn 52 trường hợp còn lại, TP đã ban hành giá cho thuê để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn đơn vị thuê theo quy định.
Còn 424 căn hộ tái định cư trống
Trả lời ý kiến ĐB Trần Khánh Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội có 17.957 căn hộ tái định cư; phần lớn đã bán và bố trí cho các dự án GPMB, hiện còn 424 căn hộ trống chưa bố trí cho dự án nào. Đối với quỹ nhà trống, chưa có người vào ở do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, các chủ đầu tư được TP bố trí quỹ nhà tái định cư, đang trong quá trình thực hiện GPMB nên chưa trình UBND TP để ra quyết định bán nhà.
Thứ hai, các hộ dân được bố trí nhà tái định cư còn có vấn đề liên quan khiếu nại, kiến nghị liên quan trong công tác GPMB, liên quan chế độ, chính sách.
Thứ ba, người dân được bố trí nhà tái định cư, nhưng lại trả lại nhà, đề nghị hỗ trợ tiền. Về bản chất, còn hơn 400 căn hộ trống, còn lại các căn hộ đã bán, hoặc đã bố trí GPMB.
Liên quan các dự án bố trí thiếu vốn, triển khai thi công kéo dài nhiều năm, một trong những giải pháp là kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án, đảm bảo chất lượng công trình, đây là trách nhiệm của Sở Xây dựng.
Liên quan quỹ nhà trên địa bàn quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc, yêu cầu sớm đưa các công trình này vào sử dụng. Đây là các quỹ nhà bố trí các dự án, có những dự án trọng điểm của TP.
Liên quan điều chỉnh quy trình bố trí tái định cư, giữa việc nhận tiền, nhận nhà, cần phải động viên, vận động người dân, có cách thức hỗ trợ đơn giản, hiệu quả.
Hiện nay còn 424 căn hộ tái định cư trống, trong khi nhiệm kỳ 2021-2030, trên địa bàn xây dựng nhiều công trình trọng điểm, lên đến 16.000 căn hộ tái định cư cần bố trí; đồng thời, chuẩn bị quỹ tạm cư xây nhà chung cư cũ…
Để xảy ra một loạt tồn đọng, trách nhiệm thuộc về ai?
Về quỹ nhà ở bằng ngân sách TP, ĐB Phạm Thanh Hương nêu về sự chậm trễ trong phê duyệt dự toán thu chi hàng năm ở dự án nhà ở CT19A Việt Hưng, đề nghị Giám đốc Sở Tài chính làm rõ sự chậm trễ trong việc phê duyệt dự toán? Để xảy ra một loạt tồn đọng trên trách nhiệm thuộc về ai?
ĐB Nguyễn Lan Hương đặt câu hỏi về dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp còn 2 khối nhà A2, A3 đã bị dừng thi công 10 năm nay; A4 trong giai đoạn GPMB. Đề nghị Giám đốc Sở KHĐT cho biết kế hoạch đầu tư với dự án này, giải pháp để thực hiện, dự kiến tiến độ cụ thể để đưa dự án vào sử dụng.
ĐB Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Xây dựng về số căn hộ trống ở nhà CT19A Việt Hưng cho thuê, chưa khai thác là 60 căn, trong đó 57 căn đã có quyết định của UBND TP, 3 căn hộ đã thanh lý hợp đồng. Đồng thời, toàn bộ diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 vẫn để trống chưa đưa vào khai thác nên rất lãng phí.
Ngoài ra, diện tích kinh doanh tầng 1 tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh hiện không khai thác nhưng chưa được thu hồi để đấu giá. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân để trống quỹ nhà gây lãng phí, giải pháp đưa quỹ nhà vào sử dụng trong thời gian tới?
ĐB Trần Ngọc Dũng hỏi Giám đốc Sở Xây dựng về quỹ đất 20-25% nhà ở xã hội, TP đã dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên việc này chưa đáp ứng được. TP cũng đã làm việc với Chính phủ và có thông báo nội dung kết luận của buổi làm việc về xử lý quỹ đất 20-25% để phát triển nhà ở xã hội. ĐB hỏi trách nhiệm của Sở Xây dựng cũng như tiến độ thực hiện theo kết luận trong thông báo của Chính phủ?
ĐB Hoàng Thị Tú Anh chất vấn về việc có 2 dự án thuộc quỹ đất 20-25% đã tiếp nhận, chưa sử dụng; có 3 lô đất là 36.725m2. Mặc dù UBND TP đã thu hồi và giao 2 dự án này cho Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đưa vào triển khai dự án. Đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết trách nhiệm thuộc về ai, bao giờ dự án được triển khai?
Khó khăn trong thu tiền thuê nhà do dịch Covid-19
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, đối với khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp được phê duyệt từ 2009, theo nguồn ngân sách T.Ư và TP. Trong giai đoạn đầu, tại khu Pháp Vân – Tứ Hiệp chỉ thu hút được khoảng 60% sinh viên về ở.
Tiếp đó, các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai xây dựng các tòa nhà tiếp theo. Trước tình trạng trên, TP đã giao Sở KH&ĐT điều chỉnh kế hoạch mục tiêu. Từ đó, TP đã có văn bản tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại dự án nhà Pháp Vân -Tứ Hiệp. Trong đó, sở đã yêu cầu Ban Dân dụng làm rõ 3 vấn đề điều chỉnh, và Ban Dân dụng đã thông báo sẽ báo cáo, trình TP phê duyệt trong tháng 9/2022.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đối với Khu nhà ở Kim Chung (huyện Đông Anh), thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19, bị phong tỏa nên đơn vị phải đóng cửa, ngừng hoạt động, khó khăn trong thu tiền thuê nhà. Sở đã có tờ trình trình UBND TP đề xuất thu hồi, Sở sẽ phối hợp với huyện Đông Anh, Công ty Quản lý nhà thu hồi, đấu giá quyền thuê.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đối với phát triển nhà ở xã hội, trên địa bàn TP giai đoạn vừa qua có 25 dự án hoàn thành với diện tích 1,2 triệu m2 sàn. Có 52 dự án đang triển khai với quy mô 4,1 triệu m2.
TP ngoài việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên các quỹ đất 20-25%, đối với các dự án được thực hiện nghĩa vụ tài chính với diện tích tương đương giá trị 25% đất, đã thu được 47 dự án với tổng số 3.564 tỷ đồng. Triển khai các dự án này, TP cũng giải quyết cho các dự án vay triển khai thực hiện các dự án, đồng thời cho các cá nhân vay mua nhà ở xã hội với 538 lượt khách hàng.
Triển khai chính sách phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, Sở Xây dựng đã và đang tham mưu UBND TP xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, bám sát chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và các định hướng của Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời về việc rà soát theo Thông báo 508 của Thủ tướng liên quan thí điểm triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội tập trung.
Sau khi có thông báo, TP Hà Nội đã dự kiến triển khai thực hiện 5 khu nhà ở tập trung, trong đó có 3 khu nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, 1 tại huyện Gia Lâm và 1 ở huyện Thanh Trì. Để triển khai thực hiện, TP đã có chỉ đạo và đến nay có 2/5 khu đã được TP phê duyệt 1/500 và hiện 3 khu đang triển khai nghiên cứu.
Thành phố đã gửi báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng cho Hà Nội sử dụng các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/5000 để thực hiện làm để xác định thông tin, quy hoạch kiến trúc để tổ chức lập hồ sơ đề xuất, chấp thuận chủ trương đầu tư và hồ sơ yêu cầu làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Qua trao đổi, Bộ Xây dựng vấn yêu cầu Hà Nội phải thực hiện theo Thông tư 09 và Nghị định 100 của Chính phủ. Đối với 2 khu đã có quy hoạch 1/500, hiện TP giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất để chấp thuận chủ đầu tư dự án để tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư theo quy đinh. Hiện Sở đang phối hợp rà soát và phối hợp cùng với Ban quản lý dự án của TP để thiết lập hồ sơ theo quy định.
Đối với việc rà soát quỹ đất 20 -25%, Sở đã tổng hợp toàn bộ dự án với tổng diện tích hiện nay 6,8 triệu m2.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường trả lời chất vấn cho biết, theo nghị định 100, thì các dự án xây dựng nhà ở phải trích quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội. Đối với các quỹ đất chưa tiếp nhận có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân quỹ đất được bố trí nằm trong khu vực khó GPMB; chế tài xử lý đối với các trường hợp chậm thực hiện chưa quyết liệt. Các đơn vị có liên quan chưa quyết liệt trong công tác GPMB.
Đối với các khu đất chủ đầu tư đang tiến hành GPMB, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã có liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB, đặc biệt là chính quyền các địa phương. Từ đó có những đề xuất, tháo gỡ kịp thời. Đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, đơn vị sẽ báo cáo TP để xử lý nghiêm theo quy định. Sau khi có mặt bằng, Sở TN&MT sẽ thực hiện nghiêm theo các quy định của TP.
Đối với chất vấn của ĐB Hoàng Tú Anh, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, đối với 2 khu đất quỹ 20% đã tiếp nhận nhưng chưa sử dụng, TP đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP quản lý. Song đối với khu vực Vành đai 3, do những vướng mắc qua các thời kỳ, hiện đơn vị sẽ báo cáo TP xem xét giải quyết theo quy định.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh trả lời chất vấn cho hay, đối với quy hoạch quỹ đất 20%, theo quy định tất cả quy hoạch chi tiết đều phải chỉ rõ quỹ đất 20%.
Theo Nghị quyết 06 của HĐND TP thì phải bố trí 25%. Về mặt quy hoạch hoàn toàn tuân thủ và đã chỉ rõ quỹ đất. Trong quá tình thực hiện sẽ thực hiện theo nghĩa vụ tài chính hay quỹ đất.
Gần đây có vướng quy định quỹ đất 20% nếu bố trí nhà ở xã hội phải cao tầng. Tuy nhiên, trong quy hoạch qua nhiều thời kỳ có cả thấp tầng và cao tầng. Từ đó, mong UBND TP sẽ giải quyết sớm.