ĐB Nguyễn Thanh Bình (tổ ĐB Sóc Sơn) đặt câu hỏi đến các cơ quan báo chí về vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền các 2 quy tắc ứng xử. |
ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Đông Anh) đặt câu hỏi: Tại Điều 3 Quyết định 1665-QĐ/UBND ngày 10/3/2017 về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP có quy định “không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng, không xả rác thải chất thải bừa bãi trái quy định”. Tuy nhiên vào những ngày cuối tuần trên các tuyến phố đi bộ và nhiều khu vực công cộng tại quận Hoàn Kiếm, hiện tượng này diễn ra khá phổ biến. Đề nghị lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục?
ĐB Nguyễn Lan Hương (tổ Đông Anh) chất vấn |
ĐB Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) đặt câu hỏi: Qua phản ánh của cử tri, thời gian qua hiện tượng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè bán hàng rong vẫn tồn tại trên nhiều tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến người và các phương tiện tham gia giao thông. Đề nghị lãnh đạo UBND TP cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?
Việc thực hiện các quy tắc ứng xử có chuyển biến rõ rệt
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, sau khi TP ban hành hai bộ quy tắc ứng xử năm 2017, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, cơ quan thường trực về đoàn kiểm tra công vụ của TP, Sở đã tham mưu UBND TP cụ thể hóa các nội dung kiểm tra công vụ, trong đó có tập trung một số nội dung liên quan đến thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử.
Trong đó, thực hiện quy định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công với công dân, tổ chức theo cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư, việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn trong thực thi công vụ quyền hạn của công chức, viên chức và người lao động, việc thực hiện kỷ luật kỷ cương, chấp hành giờ làm việc của người lao động, việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị, việc định kỳ đánh giá xếp loại hàng tháng của công chức, viên chức và người lao động…
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời chất vấn |
Kết quả, trong 3 năm từ năm 2018 đến nay, Sở đã kiểm tra công vụ đột xuất với 124 cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có 9 sở, 10 đơn vị thuộc sở, 7 UBND cấp huyện, 91 UBND cấp xã…
Sở cũng dành nhiều thời gian kiểm tra các đơn vị cấp xã là nơi trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. Qua kết quả kiểm tra, từ khi có ban hành bộ quy tắc ứng xử và sau khi thực hiện kết quả 1 năm, đến năm 2018, qua kết quả kiểm tra có thể thấy đã có sự chuyển biến rõ nét, cơ bản qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung về quy tắc ứng xử.
Công tác tiếp dân được cơ bản quan tâm, việc giải quyết hồ sơ hành chính đã có tỷ lệ đúng hẹn được nâng lên, đối với các hồ sơ chậm muộn đã thực hiện nghiêm việc ban hành thư xin lỗi với tổ chức, công dân; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn qua các năm được nâng lên, năm 2017 đạt tỷ lệ 95%, năm 2018 là 97,3%, và năm 2019 là 98,8%, 10 tháng năm 2020 là 99,8%.
Về kết quả giải quyết hồ sơ hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đã được nâng lên rõ rệt. Rõ nhất là chỉ số cải cách hành chính của TP, năm 2015 TP đứng thứ 9 về chỉ số cải cách hành chính, năm 2016 đứng thứ 3 và từ 2017 đến nay, thứ hạng cải cách hành chính của TP đều duy trì ở vị trí đứng thứ 2/63 tỉnh thành.
"Như vậy rõ ràng khi ban hành bộ quy tắc ứng xử thì việc triển khai và thực hiện của cán bộ công chức và sở ngành đã có chuyển biến rõ rệt và được thể hiện rõ bằng chỉ số cải cách hành chính của TP là đều duy trì thứ hạng thứ 2/63 tỉnh, thành", Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.
Báo Kinh tế & Đô thị tuyên truyền thực hiện các quy tắc ứng xử theo nguyên tắc “xây” và “chống”
Trả lời câu hỏi chất vấn về thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức khẳng định, ban lãnh đạo Báo luôn xác định tập thể CBCCVC, người lao động phải luôn thực hiện tốt quy tắc ứng xử ngay tại cơ quan. Chính và vậy ngay khi TP ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ, Báo đã thực hiện cho treo bộ quy tắc này ngay tại sảnh cơ quan và mọi phòng, ban; tổ chức quán triệt cho mọi cán bộ, phóng viên, người lao động.
Đến nay sau 3 năm thực hiện, cán bộ công chức, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Báo cơ bản không vi phạm quy tắc ứng xử này đặc biệt không vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí. Ngoài ra, Báo đã xây dựng kế hoạch cùng các cơ quan báo chí khác triển khai công tác tuyên truyền thực hiện 2 bộ quy tắc này.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức trả lời chất vấn |
“Chúng tôi quan niệm để thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử này, có 2 nguyên tắc “xây” và “chống”. “Xây” là tôn vinh những nét đẹp ở nơi công sở và ngoài đường phố; “chống” là đấu tranh với những thói hư tật xấu, hành vi lệch lạc tại cơ quan, nơi công cộng. Cụ thể với Báo Kinh tế & Đô thị, cán bộ, phóng viên có những thời điểm đi “săn” những hiện tượng người dân vào chùa chiền ăn mặc hở hang, từ đó thực hiện phóng sự ảnh; hoặc thường xuyên có phóng sự ảnh phản ánh tình trạng vi phạm trật tự TTATGT, TTĐT, môi trường, rác thải, lấn chiếm vỉa hè… Qua thực hiện xây và chống, thực sự đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử này, kể cả ở nơi công sở và đường phố - cần đánh giá xác đáng như vậy.
Riêng đối với việc thực hiện quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ tại các cơ quan TP, tôi đánh giá cao Sở Nội vụ hằng năm triển khai trên 100 cuộc thanh tra công vụ, trong đó phóng viên các cơ quan báo chí như Báo Kinh tế & Đô thị được tham gia, từ đó kịp thời phản ánh đầy đủ việc làm được hay chưa làm được, vi phạm tại các cơ quan đơn vị từ cấp xã phường đến quận huyện, tạo tác động rất tích cực. Sau những bài báo đăng, bản thân các cơ quan đơn vị bị lên án cảm thấy phải tiếp nhận để sửa sai; các cơ quan khác nhìn vào đó để không vi phạm. Thông tin thêm về kết quả thực hiện tại Báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức cho hay, mỗi năm Báo thực hiện 200-300 tin bài trên các ấn phẩm, qua đó có hàng trăm công văn của TP, các sở, ngành nhất là của Ban Tuyên giáo Thành ủy để chấn chỉnh hành vi lệch lạc, vi phạm 2 bộ quy tắc ứng xử này.
“Tôi đề nghị các sở ngành tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong tác nghiệp, giám sát việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này; bổ sung quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào bộ quy tắc này. Cùng đó, mặc dù người Thủ đô đã thấm nhuần thực hiện tốt, nhưng người dân ngoại thành và tỉnh thành khác vào Hà Nội sinh sống, học tập là những đối tượng cần tăng tuyên truyền để thực hiện 2 quy tắc ứng xử này” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đề nghị
Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội Tô Quang Phán |
Trả lời chất vấn, Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng báo chí Thủ đô đã vào cuộc ngay từ rất sớm khi thực hiện 2 Quy tắc ứng xử. Riêng đối với Đài PT-TH Hà Nội, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền đồng bộ, lồng ghép và rất cụ thể, gần gũi với cán bộ và người dân. Đó là các chuyên mục Hà Nội góc nhìn, Hà Nội đẹp và chưa đẹp, Hà Nội của chúng ta, Văn hóa sống, Người quanh ta, Xóm hóm,…Báo chí Hà Nội nói chung thực hiện tốt. Báo chí cũng phối hợp với các cơ quan chức năng từ những hình thức đơn giản nhất.
“Báo chí Hà Nội cùng với đại diện của HĐND TP cũng thường xuyên bí mật đi kiểm tra ở xã phường, đặc biệt là cư xử của cán bộ với dân trong công tác hành chính. Tôi cho rằng sự phối hợp trong giám sát của HĐND với báo chí là một cách làm tốt” – ông Tô Quang Phán nói.
Ngoài tuyên truyền, hàng năm Hội Nhà báo TP đã tham gia các giải báo chí như Người tốt việc tốt; Giải báo chí Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; tập trung nhân lên những điển hình tiên tiến nhằm lan tỏa trong xã hội…Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội cho biết, báo chí Hà Nội sẽ tiếp tục cải tiến, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, áp dụng những công nghệ mới để tuyên truyền hiệu quả 2 Quy tắc ứng xử.
Hạn chế rõ rệt tình trạng vật nuôi vào không gian phố đi bộ
Trả lời về quy định “không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng” tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, Quận Hoàn Kiếm tuyên truyền đến hơn 1.300 hộ dân có vật nuôi chó, mèo không mang vật nuôi vào không gian công cộng, tiêm phòng cho vật nuôi; tổ chức cắm chốt tại các điểm vào không gian phố đi bộ, tổ chức đoàn kiểm tra, kiểm soát... do đó, hạn chế rất lớn tình trạng vật nuôi vào không gian công cộng, nếu có chỉ là những vật nuôi nhỏ. Bên cạnh đó, quận cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long trả lời chất vấn |
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, trên bến xe Mỹ Đình, các hành khách đều tuân thủ các nội quy nơi công cộng, có ý thức bảo vệ cảnh quan chung, không còn hiện tượng tranh giành khách. Sau cuộc giám sát của HĐND TP thấy có tình trạng tờ tuyên truyền bị bong trên các bảng tin tại bến xe Mỹ Đình, bến xe đã niêm yết công khai lại các Quy tắc ứng xử.
Ông Nguyễn Huy Cường cũng cho biết, quận đã xử lý hành chính đối với những người thiếu văn hóa hoặc không tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 với 1.019 người vi phạm, xử phạt hơn 200 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi của ĐB Thùy Dương, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho hay, một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là lấy xây để chống, tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, cải tạo các nhà văn hóa thôn, các nhà hát, tu bổ các công viên. Ông Tô Văn Động cho rằng nếu người dân, học sinh khỏe mạnh cả về tinh thần và vật chất thì sẽ hạn chế được các hành vi xấu.
Trả lời làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: nguyên nhân ở một số nơi, số chỗ việc thực hiện các Quy tắc ứng xử chưa hiệu quả là do công tác tuyên truyền chưa đa dạng, liên tục để người dân nắm được và thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng trách nhiệm thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan truyền thông, và cơ sở để làm sao tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Vì vậy trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, liên tục. Chính quyền cơ sở phải vận động để người dân thực hiện các nội dung Quy tắc ứng xử.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trả lời chất vấn |
Về việc còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan, Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa liên tục; chế tài xử phạt chưa triệt để. Cần tăng cường tuyên truyền, tăng cường xử lý vi phạm theo quy định.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận, phiên chất vấn về thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử nhận được tổng cộng 6 ý kiến hỏi và 7 ý kiến trả lời. Sau khi TP ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử, công tác lãnh đạo chỉ đạo trên toàn TP đến tận cơ sở rất tập trung, trong đó Thành ủy có các đoàn kiểm tra, HĐND có phiên giải trình…, qua đó đánh giá Chương trình 04 của Thành ủy được triển khai thực hiện rất nghiêm túc, hoạt động văn hóa được quan tâm. HĐND TP giám sát việc các đơn vị thực hiện Kết luận 04 của TP tại phiên giải trình; từ đó UBND TP đã bám sát kết luận này.
Kết quả đến nay cho thấy, có nhiều nội dung tại kỳ giải trình lần trước thấy còn yếu, đề nghị chú ý thì tại kỳ chất vấn này cho thấy đã có chuyển biến. Như về công tác tuyên truuyền 2 bộ quy tắc đến với người dân, nơi công cộng, thực sự sau 2 năm thực hiện có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan báo chí; Sở VH&TT tổ chức các cuộc thi; Thành ủy trao giải thưởng; Đoàn Thành niên, Hội Phụ nữ TP… có kế hoạch tuyên truyền đến hội viên. “Thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử tại TP Hà Nội thực sự đã có chuyển biến từ trong nhận thức. Cơ quan Sở VHT là cơ quan thường trực rất tích cực, đưa việc tuyên truyền đến tận khu dân cư, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm; CBCCVC, NLĐ chuyển biến tích cực về phong cách lề lối nơi công sở, nơi công cộng… Tôi đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sở ngành, các cơ quan báo chí” ”- Chủ tịch HĐND TP nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP lưu ý còn một số tồn tại trong công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là ở nơi công cộng về thực hiện 2 quy tắc ứng xử này và đề nghị: Thời gian tới, trong bối cảnh TP đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17, cần đánh giá lại 4 năm thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này, xem hiệu lực hiệu quả và các giải pháp đã làm, cần bổ sung hay điều chỉnh thế nào cho phù hợp điều kiện mới thì nên đưa vào Chương trình số 06 của Thành ủy tiếp theo về nội dung này.
UBND TP cũng cần nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm, trong đó trước đây đã giao Sở Nội vụ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể hóa những hành vi vi phạm của CBCCVC, NLĐ, tới đây cần hoàn thiện để triển khai trước trong CBCCVC, sau đó đến người dân, nhất là với những vi phạm nơi công cộng… 4 năm thực hiện rồi, đến nay cần xử phạt nghiêm với một số vi phạm. Cùng đó, caanf tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí tuyên truyền, tổ chức đoàn thể, đưa vào Chương trình 06 để việc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự hiệu quả.