Phấn đấu đến tháng 6/2023 giải ngân, bàn giao mặt bằng đạt 83,6%
Báo cáo với Đoàn khảo sát về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô qua địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Mê Linh dài khoảng 11,2km, đi qua địa bàn 5 xã gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha, trong đó, đất nông nghiệp 120,3ha; đất ở 8,2ha; đất trường học 1,8ha; còn lại là các loại đất khác 11,2ha; liên quan đến 2.700 hộ dân; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 3.000 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện công tác GPMB cho thấy, toàn tuyến có 370 mộ phần cần phải di chuyển, huyện Mê Linh đã thực hiện di chuyển đạt 100%. Việc cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang, trên địa bàn 5 xã có di chuyển mộ phục vụ GPMB xây dựng đường Vành đai 4. UBND huyện đã báo cáo và được UBND TP chấp thuận danh mục, vị trí dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang Nhân dân tại 4 thôn với tổng kinh phí đầu tư là 27,5 tỷ đồng. Đến nay, 4 dự án đã được HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 19/12/2022; dự kiến HĐND huyện họp trong quý I/2023 để xem xét bố trí vốn từ nguồn ngân sách huyện để triển khai, phấn đấu hoàn thành trước tháng 8/2023; về nguồn vốn, huyện sẽ báo cáo UBND TP hỗ trợ từ ngân sách TP.
Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp phải GPMB là 120,3 ha, chiếm 85,19 tổng diện tích toàn tuyến đoạn qua địa bàn huyện. Huyện triển khai GPMB bằng thành 4 đợt. Đến nay, đã triển khai thực hiện xong 2 đợt, trong đó đợt 1 đến ngày 19/1 đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ với tổng diện tích 30,8ha/120,3ha (đạt 25,60% diện tích đất nông nghiệp và di chuyển mộ) với tổng số tiền 265 tỷ đồng - đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn TP giao năm 2022.
Đợt 2 từ ngày 23/2 đến 25/2 sẽ giải ngân với diện tích 15,8ha đất nông nghiệp của 463 hộ tại 5 xã với số tiền 119 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí TP đã tạm ứng năm 2023 là 100 tỷ đồng.
Hiện còn 2 đợt GPMB huyện đang tiếp tục triển khai các nội dung công việc liên quan để thực hiện. Huyện phấn đấu giải ngân và bàn giao mặt bằng xong trong tháng 6/2023 khoảng 118ha (đạt 83,6%), đảm bảo kế hoạch TP giao.
Về công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB diện tích đất ở, đoạn tuyến Vành đai 4 qua huyện Mê Linh phải GPMB, tái định cư 3 thôn với diện tích GPMB là 7,05ha, liên quan đến 428 hộ gia đình, cá nhân. Tính đến ngày 15/2, huyện đã tiến hành rà soát, kiểm đếm cây trồng, tài sản, vật kiến trúc trên đất đạt 122/428 hộ.
Để thực hiện Dự án này, huyện cũng cần thu hồi mặt bằng và ảnh hưởng trực tiếp đến 2 trường tiểu học, 1 trường THCS. Qua khảo sát, cần thiết phải quy hoạch di dời sang vị trí khác để đảm bảo an toàn, tạo điều kiện giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh do vị trí trường sát với đường Vành đai 4 sau khi hoàn thành.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB
Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể nhưng Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, quá trình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số hộ dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau thời điểm những năm trước đây nhưng không có văn bản chứng minh dẫn đến khó khăn trong xác định quy chủ và xảy ra tranh chấp nhận tiền bồi thường GPMB. Một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt tiêu chuẩn do nhiều nguyên nhân, nay không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; và một số thửa đất được sử dụng không đúng mục đích nay không được bồi thường, hỗ trợ tài sản tạo lập không đúng mục đích. Một số chủ sử dụng đất đã chết nhưng các thành viên trong gia đình không thống nhất cử người ủy quyền để lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB hoặc phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất...
"Những khó khăn, vướng mắc này thuộc thẩm quyền UBND xã, Ban Chỉ đạo của huyện, UBND huyện đã chủ động kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu và tập trung vận động, tuyên truyền chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB cũng như ý nghĩa to lớn của dự án Vành đai 4. Đến nay các khó khăn, vướng mắc với diện tích khoảng 2,3ha liên quan đến trên 50 hộ gia đình, cá nhân đang được huyện từng bước tháo gỡ, giải quyết triệt để"- Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nêu.
Với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, UBND huyện Mê Linh đề nghị TP tiếp tục bố trí vốn 2.000 tỷ trong năm 2023 và bố trí sớm để huyện chi trả đối với đã phê duyệt phương án bồi thường. Trong đó, quý 1, quý 2 bố trí 800 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn giải ngân đạt trên 70% diện tích đối với đoạn tuyến qua huyện Mê Linh. Đồng thời, đề nghị TP xem xét, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách TP để huyện di dời, đầu tư xây dựng các trường học phục vụ thực hiện dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn huyện.
Kết luận buổi khảo sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên đánh giá, công tác triển khai dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện Mê Linh được thực hiện quyết liệt với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đây là điều kiện tốt để huyện quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị huyện khẩn trương bố trí địa điểm mới đối với các trường học thuộc diện phải di dời, Trong đó, chú ý việc đầu tư trường học phải đạt chuẩn quốc gia ngay từ đầu. Các sở, ngành phối hợp với huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết công tác GPMB đảm bảo phù hợp, dứt điểm để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời, huyện khẩn trương rà soát, kiểm đếm, đề xuất danh mục đất phải thu hồi để trình ngay HĐND TP tại kỳ họp tới.