Cụ thể, HĐND Thành phố sẽ tiến hành hoạt động chất vấn, tái chất vấn, dự kiến về 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP; chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.
Dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành hoạt động UBND TP Lê Hồng Sơn...
Đi đến cùng vấn đề
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các vấn đề xã hội quan tâm và kết quả tổng hợp phiếu đề xuất chất vấn, Thường trực HĐND TP đã họp với 30 Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND TP để thảo luận, lựa chọn nội dung chất vấn, tái chất vấn. Các ý kiến của các đại biểu đều thống nhất cao việc dự kiến lựa chọn 2 nhóm nội dung đang được cử tri và Nhân dân rất quan tâm.
Thứ nhất, HĐND TP tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP đã được chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và các dự án được HĐND TP giám sát trong thời gian qua.
Nhóm vấn đề này đã được HĐND TP thực hiện giám sát, tái giám sát, chất vấn tại kỳ họp thứ 3 kỳ họp cuối năm 2021 HĐND TP. UBND TP đã chỉ đạo, tổ chức triển khai khắc phục. Tuy nhiên, kết quả còn chưa cao, chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.
Nhiều dự án còn chậm triển khai ở nhiều loại hình công trình, ở cả vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn ngoài ngân sách, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Với phương châm đi đến cùng vấn đề, HĐND TP tiếp tục tái chất vấn đề yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan tập trung, quyết liệt triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Đây cũng là nội dung chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy.
Thứ hai, HĐND TP chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn TP. Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về chương trình giám sát năm 2022, Thường trực HĐND TP đã tổ chức Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.
Qua giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng, nhà tái định cư, nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và công tác quản lý quỹ đất 20-25% của TP. Những tồn tại, hạn chế, bất cập này cần được HĐND TP chất vấn để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và lộ trình, giải pháp khắc phục.
Sáng 7/7, các ĐB tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP.
Giải pháp nào đẩy nhanh dự án nhà máy rác thải Châu Can và Núi Thoong?
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Nguyên Quân nêu 2 dự án nhà máy rác thải Châu Can, huyện Phú Xuyên và Dự án nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, huyện Chương Mỹ, khu vực phía Nam Thủ đô chậm tiến độ.
UBND TP đã khẳng định quyết tâm với HĐND TP để quyết liệt đẩy nhanh tiến độ 2 nhà máy dự án này. Tuy nhiên, đến nay, 2 dự án này vẫn đang chờ điều chỉnh quy hoạch rác thải và điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Sau 7 năm phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 dự án này vẫn chưa triển khai được, ĐB chất vấn Giám đốc Sở KH-ĐT và Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách về năng lực của chủ đầu tư có thực hiện được không? Bao giờ có thể điều chỉnh xong thủ tục nếu chúng ta quyết tâm giao 2 dự án này cho 2 chủ đầu tư? Trong trường hợp nếu nhà đầu tư không có năng lực thì TP có chủ trương gì để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án nhà máy rác này?
Các đại biểu cũng chất vấn về dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, dự án đường trục phía Nam chậm tiến độ...
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, đối với nhà máy xử lý rác thải núi Thoong, nguyên nhân chậm triển khai là khó khăn trong công tác GPMB, đến nay huyện Chương Mỹ mới hoàn thành công tác GPMB.
Hiện chủ đầu tư đang có văn bản xin điều chỉnh nâng công suất của nhà máy, song đề xuất này chưa phù hợp với quy hoạch chung về quản lý rác thải của Chính phủ. Hiện tại, các Sở, ngành đang kiến nghị UBND TP xem xét điều chỉnh, nếu không phù hợp đề nghị thu hồi dự án.
Đối với Nhà máy xử lý rác Châu Can, hiện sở đã có văn bản đôn đốc chủ đầu tư. Sau khi HĐND chất vất, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị thay đổi chủ trương đầu tư nâng công suất của dự án, tăng vốn, điểu chỉnh tiến độ… Tuy nhiên, hiện dự án chưa tiến hành GPMB, chưa lựa chọn được công nghệ xử lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế… khiến công tác thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo quyết định được phê duyệt thì diện tích xây dựng không đảm bảo để thực hiện dự án cũng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu vực xung quanh. Hiện các đơn vị có liên quan đang tiến hành rà soát, kiểm tra nếu không đảm bảo các quy định đề ra thì đề nghị thu hồi dự án.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn cho biết, đối với Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, dự án bắt đầu đốt rác thử nghiệm từ tháng 5/2022. Đối với Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, UBND TP giao chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Môi trường Thăng Long với công suất 500 tấn với diện tích đất 5ha, dự án được điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, với diện tích 20ha, công suất dự kiến 1.000 tấn.
Về quy hoạch và công suất phù hợp với quy định, tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án, đề nghị Sở KH&ĐT xem xét thu hồi dự án, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án này.
Ở khu vực Núi Thoong, Công ty Cổ phần Môi trường Xuân Mai đề xuất vượt công suất từ 450 tấn lên 2.000 tấn, Sở Xây dựng đã làm việc Bộ Xây dựng, đề nghị xem xét trong trường hợp cần thiết có thể cập nhật quy hoạch theo đề xuất Chủ đầu tư. Tuy nhiên, khu vực này địa chất chưa ổn định, người dân đã phản ánh đề nghị chưa thực hiện dự án nên để điều chỉnh quy hoạch cũng cần xem xét.
Làm rõ thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, về dự án nhà máy rác thải Châu Can, TP đã quyết định chủ trương đầu tư và giao Công ty Môi trường đô thị Thăng Long từ năm 2015, đã xác định danh gối GPMB nhưng đơn vị chưa triển khai.
Đây cũng là đơn vị này trước đây cũng làm chủ đầu tư nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây, đề nghị Sở KH&ĐT xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư này và thể hiện rõ quan điểm nếu không thực hiện sẽ thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công.
Đối với Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, TP giao đất cho chủ đầu tư với diện tích 10ha và được cấp sổ đỏ với quy mô 500 tấn ngày đêm. Để triển khai nhà máy xử lý rác thải phát điện thì công xuất này hơi nhỏ và nhà đầu tư đề xuất nâng quy mô lên 2.000 tấn. TP cơ bản thống nhất và giao cho các sở, ngành xem xét đầu tư để nâng công xuất trong đó có thể điều chỉnh quy hoạch.
Đối với vấn đề địa hình caster, trước đây do rác chôn lấp nên sẽ gây nguy cơ sụt lún còn nếu xây dựng nhà máy hiện đại sẽ không gây ảnh hưởng bởi địa hình. Phó Chủ tịch giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan sớm có kế hoạch triển khai và trong 1 tháng phải có báo cáo đề xuất với UBND TP.
Vì sao dự án đường trục phía Nam vẫn còn 23km nữa chưa triển khai?
Trả lời chất vấn về đường trục phía Nam vẫn còn 23km nữa chưa triển khai được, Giám đốc BQLDA xây dựng các công trình giao thông TP Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án có quy mô đường rộng mặt cắt 40m, chiều dài toàn tuyến là 41,5km; đã triển khai thi công được 20,5km, còn 23km chưa triển khai thi công.
Dự án này có Sở KH-ĐT là cơ quan đầu mối quản lý hợp đồng dự án, Sở GTVT được ủy quyền ký hợp đồng dự án. Trong quá trình triển khai, trước đây TP đã có giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, Nhà đầu tư là Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 và Doanh nghiệp dự án là Cienco 5 Land.
Theo quy định, sau khi ký kết hợp đồng dự án, toàn bộ việc triển khai là do doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện xảy ra mâu thuẫn tranh chấp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án. Việc này đã được TP, các ngành quan tâm chỉ đạo trong 3 năm qua. Song đến nay 2 doanh nghiệp vẫn không thống nhất và dự án vẫn đang đình trệ không triển khai thi công.
“Vấn đề mấu chốt là giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án” – ông Nguyễn Chí Cường nói.
Về hướng giải quyết, TP giao Thanh tra TP rà soát tổng thể dự án để có đề xuất cụ thể. Sau đó, Ban cán sự Đảng UBND TP sẽ báo cáo Thường trực, Thường vụ Thành ủy để xin ý kiến chỉ đạo nội dung này. Ban kiến nghị nội dung này, trên cơ sở xin ý kiến các cơ quan chức năng, TP sẽ giao lại để Ban cùng Sở KHĐT, GTVT làm việc cụ thể với doanh nghiệp để thống nhất phương án triển khai hoàn thiện dự án.
Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, đối với dự án này Sở QH&KT đã báo cáo ban cán sự TP vào cuộc họp ngày 27/6, mâu thẫu ở đây là tranh chấp 920 tỷ giữa 2 công ty.
Sở đã mời các đơn vị có liên quan để tháo gỡ những tranh chấp. Đồng thời, TP đã đã tiến hành rà soát, giao Thanh tra TP kiểm tra, tháo gỡ… Hiện, các đơn vị có liên quan đang tiếp tục làm việc với 2 chủ đầu tư để làm rõ những tranh chấp để đẩy nhanh tiên độ dự án.
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đầu tư đường trục phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, nhận được sự quân tâm của cử tri. Năm 2017 Thành tra Chính phủ đã có kết luận công ty CP Giao thông Cienco 5 phải nộp vào ngân sách gần 1.700 tỷ, đến nay đơn vị mới nộp vào ngân sách được gần 600 tỷ, số tiền còn lại vẫn có đang tranh chấp.
Hiện, TP đang tiến hành kiểm tra dự kiến ngày 15/7, Thanh tra TP sẽ tiến hành rà soát các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Và đến tháng 9 sẽ triển khai làm rõ các vướng mắc tại dự án.
Nguyên nhân chậm tiến độ dự án xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa
Trả lời chất vấn về dự án xây dựng trạm tiêu bơm Yên Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, dự án xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa đã chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt của TP.
Nguyên nhân do vướng mắc trong công tác GPMB. Tổng diện tích GPMB tại quận Hà Đông là 370.000m2, hiện còn 145.000m2 của 593 hộ thuộc phần hạ tầng kỹ thuật chưa bàn giao do xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn. Dự án tạm dừng thi công từ cuối năm 2019 đến nay, ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước của hệ thống.
“Về giải pháp, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quận Hà Đông trong công tác GPMB, nhưng vẫn gặp khó khăn; lãnh đạo UBND TP, các sở ngành cũng đã làm việc với quận Hà Đông, tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ dự án” - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, có tổng diện tích 51,6ha, trong đó diện tích GPMB là 30,74ha gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 đã GPMB 17,4ha và giai đoạn 2 là 12,9ha. Thuộc địa bàn 6 phường. Liên quan 652 tổ chức, hộ gia đình nằm dọc kênh La Khê, ngay sau khi dự án được phê duyệt, quận đã xác định đây là dự án trọng điểm của TP nên đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các sở ngành trong quá trình thực hiện. Kết quả đến nay đã GPMB được 20,5ha.
Hiện nay còn 10,24ha liên quan đến 487 tổ chức, hộ gia đình chưa GPMB xong. Việc chậm GPMB trách nhiệm chủ yếu quận và quận đã có kế hoạch xác định đến quý III/2022 GPMB xong tối thiểu xong 85% diện tích để giao Sở NN&PTNT. Hết năm 2022 nếu các hộ không đồng tình quận sẽ có kế hoạch thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Làm rõ thêm vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến Trạm bơm Yên Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Dự án được phê duyệt từ năm 2013.
Qua 2 lần chiều chỉnh vào các năm 2019 và năm 2021, theo kế hoạch dự kiến đến hết năm 2022 dự án phải được hoàn thành. Hiện nay dự án đang tập trung vào 5,7 km kênh La Khê để dẫn nước vào trạm bơm. Khâu này đang vướng mắc GPMB ở huyện Hoài Đức và chủ yếu ở quận Hà Đông.
Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định nguyên nhân khiến dự án chậm, trách nhiệm thuộc về Sở NT&PTNT, sau đó có một phần huyện Hoài Đức và trọng tâm là quận Hà Đông.
Việc chậm là do kênh này qua nhiều thời gian, quản lý lỏng lẻo nên gặp khó khăn trong xác định nguồn gốc đất. TP đã chỉ đạo cụ thể với từng việc một, đến nay công việc đã có chuyển biến, một số hộ chưa thực hiện cưỡng chế, các hộ dân tự GPMB. UBND TP cũng đề nghị chậm nhất trong năm 2022 phải hoàn thành xong GPMB theo đúng kế hoạch.
TP giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, Sở TNMT cử tổ công tác để giúp quận Hà Đông xác định nguồn gốc đất để thực hiện bồi thường GPMB. Khi có mặt bằng sạch, chủ đầu tư triển khai thi công và sau 6 tháng nhận GPMB (đầu năm 2023) sẽ làm xong dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, việc triển khai chậm dự án đã có ảnh hưởng một phần đến công tác tiêu thoát úng ở khu vực phía Tây Thủ đô.Về mấy trận mưa lớn vừa qua, TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các nhà thầu tập trung khơi thông toàn bộ kênh La Khê để đảm bảo đưa nguồn nước vào hệ thống trạm bơm vận hành.
Trách nhiệm của đơn vị liên quan thế nào về dự án chậm triển khai?
Tiếp tục chất vấn, ĐB Phạm Hải Hoa nêu vấn đề cụm công trình xây dựng cụm đầu mối Liên Mạc – công trình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tưới tiêu, thoát nước của Thủ đô. Theo quyết định, dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2018 – 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? Dự án có triển khai nữa không? Và bao giờ sẽ hoàn thành?
ĐB Lê Minh Đức chất vấn, ngay sau khi TP thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Thủ đô được thành lập, Ban chỉ đạo đã giao thành lập tổ giám sát các công trình chậm triển khai, nhưng đến nay vẫn có nhiều dự án dù chậm triển khai nhưng chưa bị thu hồi như: Dự án Khu công nghiệp Nam Hà Nội, theo kế hoạch, năm 2012 dự án hoàn thành nhưng đến nay vẫn bỏ hoang; Siêu dự án Sông Hồng City, được phê duyệt từ 1995 đến nay vẫn để quây tôn; Dự án 148 Giảng Võ, quận Ba Đình sau nhiều năm phê duyệt vẫn để không?
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT làm rõ công tác giám sát, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đối với dự án chậm triển khai. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình nếu ví dụ, dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc số 31, 31, 35 phố Lý Thường Kiệt, diện tích gần 2.30m2, HĐND TP đã nhiều lần giám sát, đưa vào danh sách chậm triển khai nhưng đến nay dự án vẫn chậm tiến độ, chưa triển khai, vậy trách nhiệm của của các đơn vị có liên quan là như thế nào?
Sớm triển khai thi công dự án Trạm bơm Liên Mạc
Trả lời chất vấn về dự án Trạm bơm Liên Mạc, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, trạm có nhiệm vụ tiêu thoát nước từ nội đô, huyện Đan Phượng, Hoài Đức, sông Hồng; Lấy nước tưới từ sông Hồng cung cấp cho hệ thống sông Nhuệ (gồm các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa…).
“Dự án được giao cho Ban Quản lý công trình hạ tầng nông thôn làm Chủ đầu tư, Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ xây dựng chủ trương đầu tư. Chúng tôi đã chuyển sang Sở KH&ĐT thẩm định để UBND TP phê duyệt. Đây là dự án quan trọng, mong sớm triển khai thi công” - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ chia sẻ.
Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự án Trạm bơm Liên Mạc trước đây nằm trong 37 công trình trọng điểm TP và hiện nay nằm trong 39 công trình trọng điểm giai đoạn 2021 -2025.
Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND TP về việc giao Sở NN&PTNT lập báo cáo khả thi với tổng mức đầu tư 3.635 tỷ đồng. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã xin ý kiến từ sở, ngành chuyên môn trình thẩm định, phê duyệt từ nay tới kỳ họp thứ 9 để phê duyệt chủ trương đầu tư.
Làm rõ thêm về 2 dự án ở 148 Giảng Võ (quận Ba Đình) và công trình 35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trúc Anh cho biết: Dự án 148 Giảng Võ đã được phê duyệt quy hoạch từ 2016; đến năm 2019 có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư.
Sở QHKT đã báo cáo UBND TP về vướng mắc, theo Luật Quy hoạch đô thị, chúng ta phải trình rõ chủ đầu tư dự án, nhưng hiện nay đã quyết định thu hồi chủ đầu tư dự án.
Đến 19/3/2021, Hà Nội đã phê duyệt phân khu nội đô. Đây là điểm nhấn quan trọng để cung cấp pháp lý cơ bản để trình duyệt dự án. Qua đó, có thể tiếp tục nghiên cứu quy hoạch và trình duyệt ở 148 Giảng Võ.
Về công trình 31-33-35 Lý Thường Kiệt, TP đã giao nhiệm vụ thiết kế đô thị cho quận Hoàn Kiếm. Quy hoạch phân khu khẳng định công trình này là công trình đô thị công cộng 8 tầng, với mật độ xây dựng 60%.
Theo luật định, dự án đủ kiều kiện để tiếp tục được triển khai. Theo Giám đốc Sở QHKT, đây là dự án kéo dài, phải qua rà soát. Sở QHKT sẽ chỉ thụ lý những vấn đề điều chỉnh quy hoạch khách quan; còn chủ quan của nhà đầu tư thì phải qua bước rà soát, xem xét rõ năng lực của chủ đầu tư thì mới thực hiện các bước tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, khu đất 148 Giảng Võ, Ba Đình đã có chủ trương đầu tư chuyển đổi đầu tư làm trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa được Chính phủ phê duyệt và gắn với chủ trương đầu tư trung tâm triển lãm, khu đô thị mới ở Đông Anh…
Vừa qua, TP Hà Nội đã chấp thuận đầu tư với trung tâm hội chợ triển làm ở Đông Anh. Đối với ô đất 148 Giảng Võ, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư với khoảng 10 tòa nhà chung cư trên ô đất 6,8ha tại số 148 Giảng Võ.
Mặc dù xác định ô đất này là điểm nhấn, song trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, UBND, các bộ ngành, dư luận thì năm 2009 TP đã có quyết định thu hồi dự án để nghiên cứu một dự án phù hợp hơn. Thời gian qua, dưới sự quyết liệt của Thành ủy, UBND… TP đang quyết liệt điều chỉnh lại quyết định đầu tư, chủ đầu tư cũng đã thống nhất không xây dựng 10 tòa nhà cao tầng và thay vào đó là khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại cho phù hợp, hài hòa với việc cải tạo khu tập thể Giảng Võ, hồ Giảng Võ. Từ đó, điều chỉnh lại quy mô phục vụ hoạt động cộng đồng…
Sau khi các bước sẽ hoàn thành, TP sẽ tiến hành điểu chỉnh quyết định đầu từ và chủ đầu tư cũng cam kết sẽ triển khai ngay. Tới đây, TP Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ trao đổi, thống nhất lại để chuẩn hóa quyết định của Chính phủ…
Dự kiến, ngay trong 2022 TP Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ thống nhất lại phương án để trình Thủ tướng phê duyệt. Và dự kiến, đến năm 2023 dự án sẽ được triển khai xây dựng.
Đối với ô đất 31, 33, 35 phố Lý Thường Kiệt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây là khu vực UBND TP đã có quyết định giao cho Ngân hàng SHB, tập đoàn T&T.
Theo quy hoạch phân khu đô thị quận Hoàn Kiếm, khu vực phố Pháp cổ, chung cư cũ thì công trình chỉ cao 8 tầng. Song, đây là ô đất có vị trí quan trọng, chủ đầu tư có đề xuất xây dựng 14 tầng. Bộ Xây dưng và TP Hà Nội đã có thỏa thuận thống nhất đây là khu vực có điểm nhấn, song TP cũng thống nhất không được ở… tại dự án này.
Sau khi xin ý kiến của các đơn vị có liên quan, Hà Nội dự kiến 2 phương án: Phương án 1, nếu đồng ý các quy định hiện hành thì có thể xây luôn 8 tầng. Phương án 2, xem xét đồ án thiết kế đô thị trên phố Lý Thường Kiệt để quyết định phương án quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.
Kết luận nội dung tái chất vấn về thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đã có 8 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tham gia trả lời chất vấn có 3 Phó Chủ tịch UBND TP, 5 giám đốc các sở và chủ tịch UBND quận Hà Đông.
Nội dung tái chất vấn vấn đề này diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, đúng nội dung theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn.
“Từ đó, khẳng định công tác quản lý, thúc đẩy dự án đầu tư trên địa bàn TP luôn được Thành uỷ, HĐND, UBND TP đặc biệt quan tâm. Nội dung này đã được HĐND TP chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và có thời gian 6 tháng để UBND TP khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ…” - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.