Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy của biến đổi khí hậu

PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe con người trên toàn thế giới.

Những ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH tại Việt Nam lên điều kiện sống và thiên tai là sự tăng nhiệt độ trung bình hàng năm, mực nước biển dâng gây ngập các vùng ven biển, sự thay đổi lượng mưa, hạn hán, bão lũ và thời tiết cực đoan.
Gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan
Theo số liệu thống kê, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng từ 0,5 đến 0,70C. Nhiệt độ mùa Đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa Hè và nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam.
Tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình ở Việt Nam hiện nay là khoảng 3mm/năm, tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Ước tính tới năm 2050 tăng 22 - 24cm, năm 2100 tăng 46 - 77cm. Lượng mưa trung bình năm của nước ta có xu thế tăng từ 5 đến 20% nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
 Mưa đá tại xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay (Điện Biên) tháng 4 vừa qua.
Ví dụ Bắc Bộ, ven biển miền Trung lượng mưa tăng cao trên 20% nhưng Nam Trung bộ, Nam Bộ có xu hướng giảm mưa trong mùa khô, gây hạn hán. Số ngày mưa lớn cũng có xu thế tăng lên tương ứng và biến động mạnh, nhất là ở khu vực Miền Trung, có thể gây lũ lụt lớn. Thay đổi lượng mưa cũng dẫn đến thay đổi điều kiện sống của các hệ sinh thái và sinh vật.
Trong năm 2020, BĐKH tại Việt Nam cũng được thể hiện một cách rõ nét nhất, đó là mưa đá trên diện rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc ở thời điểm vào Xuân; hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét miền Bắc kéo dài tới tận hết tháng 4, tiếp đó xảy ra những đợt nắng nóng 400C kéo dài và liên tiếp…
Dự báo trong tương lai, hậu quả của BĐKH ngày càng trầm trọng hơn, lũ lụt, mưa bão ngày càng nhiều hơn và thất thường hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt hơn và hệ lụy của nó là khôn lường. Ví vụ: Bão lụt là điều kiện dẫn tới sự lan truyền dịch bệnh. Khi nước tràn vào một vùng, nó có thể cuốn theo tất cả các loại hóa chất, chất phế thải, gây nên tình trạng mất vệ sinh.
Nắng nóng cũng tác động đến sức khỏe con người một cách nghiêm trọng, có thể gây tử vong do sốc nhiệt, tăng tỷ lệ nhập viện nói chung và do các bệnh hô hấp nói riêng, thậm chí tăng tỷ lệ bệnh nhân tâm thần. Nắng nóng còn làm tăng các vụ cháy rừng, tăng hạn hán, cũng như gây ảnh hưởng tới việc sử dụng đất và độ bao phủ của đất. Khi nhiệt độ tăng lên thì có thể làm xuất hiện một sự phát triển mạnh các loại thực vật sinh ra phấn hoa lạ phát tán ra môi trường gây dị ứng và tỷ lệ bệnh nhân hen suyễn tăng lên cao.
Cần kịch bản biến đổi khí hậu tin cậy
Trước thực trạng trên, các chuyên gia hàng đầu về khí tượng, môi trường cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị một phương án ứng phó khẩn cấp về BĐKH cho cả trước mắt và lâu dài. Thông thường, các kịch bản BĐKH có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhưng chung quy lại là để xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với nó. Bài toán ứng phó với BĐKH bao gồm thích ứng và giảm thiểu.
Việc giảm thiểu BĐKH nói chung mang tính toàn cầu và đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả cộng đồng quốc tế về vấn đề cắt giảm phát thải khí nhà kính. Thích ứng với BĐKH là vấn đề mang tính địa phương mà thông tin từ các kịch bản BĐKH là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược. Bởi vậy, để có được kế hoạch, chiến lược thích ứng với BĐKH một cách hợp lý, rõ ràng cần phải có những kịch bản đầy đủ thông tin về độ tin cậy của từng kịch bản.
Được biết, tại Việt Nam, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH (2008 - 2013), nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đã được triển khai. Nhiều dự án do nước ngoài tài trợ được thực hiện nhằm đánh giá tác động của BĐKH, tăng cường năng lực, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước những tác động của BĐKH.
Một số đề tài, dự án nghiên cứu đánh giá BĐKH và tác động của nó cũng đã được thực hiện dựa trên các nguồn kinh phí của Nhà nước và địa phương, trong đó đáng chú ý là nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH và hai Chương trình KH&CN về BĐKH (2011 - 2015 và 2016 - 2020). Khách quan mà nói, các chương trình này đã đem lại những hiệu quả nhất định trong vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng, ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, một số kết quả đánh giá BĐKH trong quá khứ và hiện tại vẫn chưa đầy đủ, toàn diện so với nhu cầu thực tế, còn việc đánh giá BĐKH cho tương lai vẫn đang là một khoảng trống khá lớn. Do đó, vấn đề đầu tiên hiện nay là phải xây dựng được các kịch bản BĐKH có đầy đủ thông tin về độ tin cậy. Độ tin cậy của các kịch bản chỉ có thể được xác định dựa trên một tập hợp các sản phẩm dự tính khí hậu tương lai.

Ngày 6/6, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản vay từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) với tổng mức cam kết 84,4 triệu USD hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách chính sách đa ngành nhằm tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển giao thông và năng lượng xanh. Khoản vay hỗ trợ ngân sách thực hiện chính sách về BĐKH và tăng trưởng xanh có mục tiêu giúp củng cố và mở rộng những kết quả đạt được trong Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu 2016 – 2020 (SP-RCC).