Hệ lụy từ game online

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều vụ án các đối tượng cướp của, giết người dã man được thực hiện với cùng một nguyên nhân do thiếu tiền chơi game gióng lên hồi chuông báo động về hệ lụy của game online.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đã bắt được Nguyễn Văn Quyền (23 tuổi, trú tại thôn Mai Cao, xã Song Mai, TP Bắc Giang), hung thủ đâm chết chủ quán internet Phạm Ngọc Lượng, trú cùng xã Song Mai... Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Quyền khai nhận, bản thân là "đệ tử" của game, có thể chơi thâu đêm suốt sáng. Gần đây, do thiếu tiền để chơi game nên Quyền nảy sinh ý định cướp tài sản. Vì thường xuyên chơi ở quán, Quyền biết anh Lượng có nhiều tài sản nên nảy sinh ý định cướp. Chờ tới lúc anh Lượng ngủ gật, Quyền lấy dao nhọn đâm liên tiếp đến khi anh Lượng gục xuống và lấy một laptop, 10 triệu đồng, chìa khóa xe máy, ví của nạn nhân rồi khóa cửa quán bỏ trốn.

Đây không phải là lần đầu tiên, báo chí lên tiếng cảnh tỉnh về hậu quả tiêu cực của game online đối với thanh thiếu niên và xã hội. Nhiều trường hợp kiệt sức trên bàn phím vì chơi game, những vụ án giết người, cướp của với hành vi dã man bởi lý do thiếu tiền chơi game. Thậm chí, có cả những vụ án đau xót, như cháu giết bà, con hành hung bố mẹ chỉ vì không có tiền chơi game. 

Lý giải thực trạng này không quá khó, bởi những hình ảnh bạo lực, đẫm máu trong các trò chơi cứ liên tục xuất hiện trước mắt các em. Và rồi, do bắt chước, muốn làm theo nên nhiều em đã thực hiện hành vi giống trong game. Nhiều chuyên gia kết luận, trong khi chơi các trò chơi đánh nhau, xem các bộ phim bạo lực thì con người thường có suy nghĩ và hành động có tính mạnh mẽ, khiêu khích hơn và có phản ứng mạnh hơn khi bị người khác trêu tức.Nhiều nước trên thế giới đã có những hệ thống xếp hạng và kiểm soát game chặt chẽ ngay từ khi mới xuất hiện nửa sau thế kỷ XX. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta vẫn thiếu những bộ tiêu chí khách quan, khoa học để đánh giá tiêu chí cũng như mức độ phù hợp của từng trò chơi đối với từng độ tuổi, gần như để mặc các game tràn lan. 

Thiết nghĩ, ngay từ gia đình cần sát sao hơn với con em trong việc tiếp xúc với các trò chơi điện tử cũng như mạng internet, tránh xa những hình ảnh, thông tin bạo lực, cũng như có biện pháp giáo dục tích cực để thanh thiếu niên không bị phụ thuộc vào game online, hạn chế ngay từ sớm những hậu quả đáng tiếc sau này.